Tịnh Độ

Quán Tưởng Niệm Phật trong Pháp Môn Tịnh Độ

Quán Tưởng Niệm Phật

Mục lục

I. Các Kinh điển căn bản của pháp môn Tịnh Độ 

Trước khi đi vào phần trình bày phương pháp quán tưởng Niệm Phật, chúng tôi sẽ giới thiệu vài nét về các kinh điển liên quan đến pháp môn niệm Phật. Quán tưởng niệm Phật là một trong những phương pháp niệm Phật mà người ta thường hành trì, tùy theo khả năng vận dụng của mỗi người mà kết quả có sự sai biệt. Phật nói Kinh là khế lý và khế cơ, khế lý là phù hợp với chân lý, khế cơ là phù hợp với căn cơ trình độ của chúng sanh.  Hơn nữa, Phật pháp là bất định Pháp, nếu biết vận dụng đúng thì trở thành diệu dụng không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn về mục đích của kinh luận để biết đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh, để không còn nghi ngờ về pháp môn đang tu học.  Ở đây chúng tôi trích dẫn các kinh luận, đề cập đến phương pháp tu tập và triết lý thâm sâu của giáo môn Tịnh Độ truyền thống, như nội dung của Tam Kinh Nhất Luận, Tịnh Độ Ngũ Kinh và một vài kinh luận liên quan khác. 

Tam Kinh Nhất Luận: Tịnh Độ Tông lấy Tam Kinh Nhất Luận làm y cứ để tu học. Tam kinh là ba bộ kinh: Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ.  Nhất luận là bộ luận do ngài Thế Thân trước tác, đó là Vãng Sanh Tịnh Độ Luận.

§   Kinh A Di Đà thuyết minh cảnh tướng trang nghiêm của cõi Tây Phương cực lạc, nguyện lực độ sanh của Đức Phật A Di Đà, đặc biệt khuyên tu niệm Phật để được vãng sanh. Đây là bộ kinh ngắn gọn và hàm chứa triết lý tịnh độ sâu xa mà các chùa đều đọc tụng hàng ngày.

§   Kinh Vô Lượng Thọ thuyết minh công đức của Phật A Di Đà và công hạnh tu tập của Ngài trong quá khứ. Khi đang còn địa vị Bồ Tát, Ngài đã phát 48 lời nguyện độ sanh nhờ vậy mà đắc quả vị Phật.  Do đó, mười phương chúng sanh nương vào hạnh nguyện của Ngài phát nguyện niệm Phật thì sẽ được vãng sanh.

§   Kinh Quán Vô Lượng Thọ thuyết minh rằng: Tất cả chúng sanh muốn sanh về cõi Tây Phương phải tu tam nghiệp, đồng thời thực hiện 16 pháp quán về Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát và cõi nước Cực Lạc.

§   Vãng Sanh Tịnh Độ Luận còn có tên là Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá nguyện sanh luận kệ, bộ luận này nói rõ nội dung năm môn tu học là điều kiện tất yếu để được vãng sanh. Năm môn là: Lễ bái, Tán thán, Tác nguyện, Quán sát và Hồi hướng. 

Tịnh Độ Ngũ Kinh: Đây là sự kết hợp: “Chương Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật Viên Thông” ở trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm và “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện” ở trong kinh Hoa Nghiêm kết hợp với Tam Kinh: Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ thành năm bộ kinh gọi là Tịnh Độ Ngũ Kinh.

II.    Những yếu tố quan trọng của Pháp môn Niệm Phật

1. Tín – Nguyện – Hành 

v    Tín:

Đại thừa khởi Tín luận, quyển hạ Ngài Mã Minh có Nói: “Tín có bốn loại:  Một là lòng tin căn bản, tức là ưa thích pháp Chân Như; Hai là tin Phật có đầy đủ vô biên công đức, tức là thường thích đảnh lễ, cung kính cúng dường, khéo nghe chánh Pháp, như pháp tu tập, hồi hướng về Nhất thiết trí; Ba là Tin vào Pháp có lợi ích lớn, tức là thường ưa tu tập các hạnh ba la mật; Bốn là Tin vào Tăng có phẩm hạnh, tức là thường cúng dường các vị Bồ tát, chánh tu các hạnh lợi mình lợi người. ”  

Đối với giáo môn niệm Phật mà nói, niềm tin là bước đầu của yếu tố tu tập thì phải tin chắc rằng:
 

·Tin chắc thật Đức Phật Thích Ca vì lòng từ bi cứu độ chúng sanh thoát khổ luân hồi sanh tử mà thuyết pháp môn Tịnh Độ.

·Tin chắc rằng công đức và bổn nguyện tiếp độ của Đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ Tát ở cõi Tây Phương cực lạc.

·Tin chắc tu tập Pháp môn Niệm Phật là phương tiện vi diệu thù thắng để được vãng sanh và thành tựu công hạnh giải thoát giác ngộ. 

v    Nguyện:

Luận Đại Trí Độ có dạy: “Trang nghiêm thế giới Tịnh Độ là việc to lớn, không chỉ dùng công đức mà cần phải có nguyện lực, giống như sức mạnh con trâu có thể kéo xe mà cần phải có người đánh xe mới đi được. Nguyện sanh Tịnh Độ thế giới cũng như vậy, phước đức ví như sức con trâu, nguyện lực ví như người đánh xe.” Khi có niềm tin vững vàng rồi phát nguyện tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Nguyện lực kiên cố thì năng lực tu học mới mạnh mẽ, chí nguyện vãng sanh vững vàng, không bị giao động trong quá trình tu học và lập trường giải thoát. 

v    Hành:

Bát Nhã Kinh có dạy: “Như vị Bồ Tát, từ khi vừa thấy hình tượng Phật rồi cho đến lúc chứng đắc vô thượng Bồ Đề, cũng không xa rời tác ý niệm Phật.”  Thực hành việc tu Niệm Phật, hạ thủ công phu Niệm Phật tinh tấn, còn từ bỏ các điều ác làm tất cả các việc lành, phát tâm Bồ Đề, hồi hướng công đức có được cho tất cả chúng sanh, nguyện đồng sanh Tây Phương.  

2.   Điều kiện Vãng Sanh:  

Kinh Niệm Phật Ba La Mật Đức Phật dạy: “Này Diệu Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chính? Muốn niệm Phật đúng pháp và tự biết mình chắc chắn vãng sanh, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây: Thứ nhất là Tín Tâm, Thứ Hai là Thâm Trọng Tâm, Thứ Ba là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm, Thứ Tư là Xá Ly Tâm, Thứ Năm là An Ổn Tâm, Thứ Sáu là Đà La Ni Tâm, Thứ Bảy là Hộ Giới Tâm, Thứ Tám là Ba La Mật Tâm, Thứ Chín là Bình Đẳng Tâm, Thứ Mười là Phổ Hiền Tâm.” 

Kinh Quán Vô Lượng Thọ,Đức Phật dạy: “Nếu có chúng sanh nguyện sanh Cực Lạc thế giới phát ba thứ tâm liền được vãng sanh. Những gì là ba tâm?

·Một là chí thành tâm.

·Hai là thâm tâm.

·Ba là hồi hướng phát nguyện tâm.  

Còn có ba hạng chúng sanh sẽ được vãng sanh. Những gì là ba hạng?

·Một là từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh.

·Hai là đọc tụng kinh điển Phương Ðẳng Ðại Thừa.

·Ba là tu hành Lục Niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh Cực Lạc.  

Nầy Vi Ðề Hi! Người muốn sanh nước Cực Lạc ấy nên tu ba phước:

·Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bậc Sư Trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành.

·Hai là thọ trì Tam Quy Y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.

·Ba là phát tâm Bồ Ðề, sâu tin nhơn quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành.”

Kinh A Di Đà Đức Phật dạy: “Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.”

III. Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Pháp Quán tưởng niệm Phật

1. Duyên Khởi Phật nói Kinh Quán Vô Lượng Thọ

Đức Phật nói Kinh Quán Vô Lượng Thọ tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, theo sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Ðề Hi. Nhân vì Vua A Xà Thế khi lên ngôi đã bắt cha ruột của mình là vua Tần Bà Sa La giam vào ngục, hoàng hậu vì thương chồng và đau khổ về hành động bất hiếu của con mình mà đảnh lễ xin Phật nói Pháp.  Hoàng hậu chán cõi Ta Bà nhiều điều tệ bạc, muốn biết phương pháp tu để được sanh về một thế giới an lạc khác. Phật đã dùng thần lực cho bà thấy mười phương thế giới Tịnh Độ, bà chọn cõi Tây Phương cực lạc và nguyện được sanh về đó.  Do vậy, Đức Phật đã dạy rõ phương pháp quán tưởng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí và cảnh giới Tây Phương Cực Lạc. Bà Vi Đề Hi bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Xưa tôi tội gì mà sanh đứa ác tử ấy? Ðức Thế Tôn lại có nhơn duyên gì mà cùng làm quyến thuộc với Ðề Bà Ðạt Ða.  Duy nguyện đức Thế Tôn vì tôi mà nói rộng những xứ không có lo khổ tôi sẽ vãng sanh, tôi không còn thích cõi Diêm Phù Ðề trược ác thế này.  Xứ trược ác này đầy những địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhiều khối bất thiện. Nguyện tôi đời vị lai chẳng nghe danh từ ác, chẳng thấy người ác. Nay tôi hướng về Thế Tôn, năm vóc gieo xuống đất, cầu thương cho tôi sám hối. Duy nguyện Phật dạy tôi quán nơi xứ nghiệp hành thanh tịnh”.

Cũng trong thời gian đói khổ và buồn phiền ở trong ngục, vua Tần Bà Sa La một lòng kính Phật, hướng về núi Kì Xà Quật cầu Phật cứu độ, Đức Phật và hàng đệ tử dùng thần lực nhiệm mầu tạo điều kiện cho nhà vua nghe pháp, thọ giới  Bát Quan Trai và phóng  hào quang cho Vua thấy tướng mạo đoan nghiêm của Phật mà phát tâm thanh tịnh.

Nhiếp tâm thanh tịnh quán sát cảnh Tịnh Độ một cách chuyên chú, phát nguyện vãng sanh kiên cố là điều mà được giáo lý Tịnh Độ xem trọng.  Ðức Phật bảo Vi Ðề Hi: “Bà và chúng sanh nên phải chuyên tâm buộc niệm một chỗ, tưởng nơi phương Tây.”

“Ðức Phật bảo Vi Ðề Hi: “Nay Thái phu nhơn có biết chăng? Phật A Di Ðà cách đây chẳng xa, bà nên nhiếp niệm quán kỹ cõi nước ấy thì tịnh nghiệp được thành.”

“Nay ta sẽ vì bà mà nói rộng các pháp quán, cùng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu, những người muốn tu tịnh nghiệp được thọ sanh Tây Phương Cực Lạc quốc độ.”  

Như vậy, Đức Phật vì lòng từ bi rộng lớn mà nói Kinh Quán Vô Lượng Thọ, thuyết minh những điều kiện tu Pháp niệm Phật và Mười Sáu Pháp Quán, để được vãng sanh nước Cực Lạc.  Kinh này trình bày Mười Sáu Pháp Quán, đây là cơ sở y cứ của phương pháp Quán Tưởng Niệm Phật trong Tịnh Độ Tông.

Nội dung 16 Pháp Quán trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ:

1. Nhật Quán: tức là Quán Mặt Trời Sắp Lặn

2. Thủy Quán: tức là Quán Nước Ðóng Thành Băng  

3. Bảo Ðịa Quán: tức là Quán Cảnh Tướng Ðất Lưu Ly  

4. Bảo Thọ Quán: tức là Quán Tưởng Cây Báu

5. Bảo Trì Quán: tức là Quán Ao Nước Bát Công Ðức 

6. Tổng Tướng Quán: tức là Quán Chung Về Ðất Cây, Ao, Lầu Báu  

7. Hoa Tòa Quán: tức là Quán Tưởng Tòa Sen

8. Tưởng Quán: tức là Quán Tưởng Phật và Bồ Tát  

9. Phật Thân Quán: tức là Quán Thân Phật Vô Lượng Thọ Phật

10. Quán Thế Âm Quán: tức là Quán Thân Tướng Ðức Quán Thế Âm  

11. Đại Thế Chí Quán: tức là Quán Thân Tướng Ðức Ðại Thế Chí  

12. Tự Vãng Sanh Quán: tức là Quán Thấy Mình Vãng Sanh

13. Tạp Tưởng Quán: tức là Quán Về Phật và Bồ Tát

14. Thượng Phẩm Sanh Quán: tức là Quán Sanh Về Thượng Phẩm  

15. Trung Phẩm Sanh Quán: tức là Quán Sanh Về Trung Phẩm  

16. Hạ Phẩm Sanh Quán: tức là Quán Sanh Về Hạ Phẩm

Đức Phật cũng nhấn mạnh lý do vì sao phải tu phép quán tưởng này, chỉ có nhờ sức quán tưởng mới thấy được cảnh giới trang nghiêm của Phật mà phát khởi tín tâm, cảm ứng Phật lực.  Chúng sanh từ xưa tới nay sống trong thế giới dục lạc, huân tập những tâm tưởng xấu ác rồi chịu hậu quả khổ đau.  Bản chất của tâm thức ấy luôn xu hướng những vọng tưởng điên đảo, mà chiêu cảm cảnh giới tối tăm.  Nay phát huy quán tưởng tức là đem năng lực của tâm thức hướng về ánh sáng, hướng về cảnh Phật.  Pháp quán tưởng trong Tịnh Độ Tông là pháp tu tập thực tiễn, ngoài ra còn giới thiệu cho thế gian một thế giới quan mới, đó là cõi Tịnh Độ của Phật.  Đức Phật muốn mở tầm nhìn cho chúng sanh nhận thức rằng bản chất của thế giới Ta Bà là khổ đau, bất hạnh và chỉ có cõi Phật là sự an lạc nhiệm mầu. Từ đó, thông qua phương pháp quán tưởng mà phát huy năng lực tu học để được vãng sanh. Đức Phật nhấn mạnh rằng: “Bà là phàm phu, tâm tưởng yếu kém, chưa được thiên nhãn chẳng thể thấy được xa. Chư Phật Như Lai có phương tiện lạ khiến bà được thấy.”  Do vậy, nhờ quán tưởng niệm Phật để thấy Phật và được sanh Tây Phương Cực Lạc là mục đích của sự tu học.

2. Thực hành quán tưởng trong khi Trì Danh Niệm Phật  

aKinh hành quán tưởng niệm Phật: Đây là phương Pháp kinh hành niệm Phật, kết hợp quán tưởng, tức là miệng niệm Phật trong lúc đi kinh hành, quán tưởng mình đang bước trên hoa sen.  Khi bước chân phải lên quán tưởng mình đang bước đi trên hoa sen, miệng niệm hai chữ: Nam Mô, rồi tiếp bước chân trái lên quán tưởng mình đang bước trên hoa sen, miệng niệm hai chữ: A Di, bước tiếp chân phải lên quán tưởng mình đang bước trên hoa sen niệm chữ: Đà và sau cùng bước tiếp chân trái lên cũng quán tưởng mình bước trên hoa sen niệm chữ: Phật.  Như vậy khi kinh hành niệm một câu Phật hiệu thì đi bốn bước chân, bốn khoảng thời gian niệm: Nam Mô, A Di, Đà và Phật đều bằng nhau mỗi khi chúng ta bước tới một bước. 

b. Ngồi quán tưởng niệm Phật: Khi ngồi kiết già hay bán già đều niệm Phật, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khởi quán tưởng mình như đang ngồi trên tòa sen, thân tâm hoàn toàn nghiêm tịnh, như đang ở trong thế giới thanh tịnh Tây Phương cực lạc. Chú ý an trú trong câu niệm Phật mà quán tưởng, tâm sẽ an tịnh, chuyên nhất, dần dần chuyển sang trạng thái niệm Phật Tam Muội. 

c. Quán tưởng trong khi lễ bái: Thông thường trong đạo tràng tu Tịnh Độ có thời khóa lạy Phật A Di Đà, cứ niệm danh hiệu ba lần thì lạy một lạy, nghĩa là vừa niệm dứt câu Nam Mô A Di Đà Phật thứ ba là lạy xuống.  Lạy Phật là tỏ lòng quy kính Đức Phật, quán tưởng lạy một vị Phật là lạy hết cả mười phương chư Phật. Lúc lạy là khởi tâm cung kính quán tưởng như mình đang lạy trước một vị Phật sống.  Khi lạy Phật thì năm vóc (hai đầu gối, hai khuỷu tay, và đầu trán) gieo sát đất.  Khi lạy là khởi quán buông xã tất cả những tâm niệm dơ bẩn sai trái và phát khởi ý tưởng trong sạch, tinh tấn làm tất cả các điều thiện.

3.   Mục đích của Quán tưởng Niệm Phật:

Đối với người tu học phải biết rõ phương pháp xây dựng cõi Tịnh Độ theo tinh thần Phật dạy, phải quán tưởng đời sống sinh hoạt của Phật, Bồ Tát và nhân dân nước Cực Lạc theo kinh mô tả.

Người Niệm Phật cần tin tưởng năng lực của Phật và Bồ Tát và phát nguyện tu học theo tinh thần chánh Pháp để đạt được giải thoát giác ngộ.  Nếu có sự quán chiếu và có dụng công tu Niệm Phật thì cảm ứng sức hộ niệm của chư Phật và Bồ Tát.

Tịnh Độ là thế giới bản nguyện của Đức Phật Di Đà, thế giới ấy xây dựng bằng Bồ Đề Tâm, Bồ Đề Nguyện và Bồ Đề Hạnh.  Nói đúng hơn nơi nào có bồ đề tâm, nơi đó có Bồ Tát đạo, nơi đó có lý tưởng làm Phật.  Đối người tu học cần quán chiếu nội tâm của chính mình, phát huy năng lực Di Đà và cõi Tịnh Độ ngay Tâm mình.

Do vậy niệm Phật là pháp môn thù thắng bao gồm tự lợi và lợi tha, tự lực và tha lực, niệm Phật để thành Phật. Tịnh Độ cũng lập ngay tại tâm này, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có Tâm.  Đứng về phương diện tu học, cần có sự quán chiếu, thanh tịnh hóa nội tâm, để phát huy tự tánh Di Đà vốn có trong tâm mình.  Có như vậy mới đem lý tưởng Tịnh Độ xây dựng đời sống con người ngay trên cuộc đời này, vì cuộc đời khổ đau này là ruộng phước lớn cho người có tâm Bồ Đề gieo trồng vô lượng phúc đức để trang nghiêm cõi Tịnh Độ.

IV. Quán tưởng niệm Phật theo Kinh Luận 

Mục đích của bất cứ pháp môn tu học nào cũng đều là phát huy lòng từ bi và trí tuệ giải thoát.  Người tu Niệm Phật cũng vậy, phải phát bồ đề tâm, tức là nguyện thành Phật và cứu độ tất cả chúng sanh.  Khi Niệm Phật cần phải khởi tâm từ bi đối với chúng sanh và mọi loài và dùng trí tuệ quán chiếu để phá trừ vô minh và tham dục, thể nhập cảnh giới của Phật. 

Kinh Vô Lượng Thọ có dạy: “Ư chư chúng sanh đắc đại từ bi, nhiêu ích tâm.”  Có nghĩa là: Phải tâm từ bi rộng lớn và làm lợi ích đối với tất cả chúng sanh.

Đại Trí Độ luận có chép: “Hành Pháp nhẫn nhục, đối với tất cả chúng sanh khởi lòng từ bi, diệt vô lượng tội lỗi trong nhiều kiếp, được vô lượng phúc đức, hành pháp nhẫn nhục phá các thứ vô minh đắc vô lượng trí tuệ.  Có đức từ bi và trí tuệ nguyện nào mà không thành tựu?  Do vậy, Bồ Tát đời đời không xa Phật. Lại nữa, Bồ Tát thường thích niệm Phật nên xả thân này và thọ thân khác hằng được gặp Phật.”

Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương có dạy: “Tương tục hệ niệm ư nhất Như Lai, tức thị phổ quán tam thế chư Phật.”  Có nghĩa là: “Liên tục chuyên niệm danh hiệu của một Đức Phật tức là phổ quán ba đời chư Phật.”

Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh có dạy: “Trong cõi nước mười phương, ở trong chúng Bồ Tát và chúng sanh có Pháp thân Phật, báo thân Phật, hóa thân và biến hóa thân Phật, đều từ Phật Di Đà và từ ở Tây Phương cực lạc mà xuất.”

Văn Thù Sư lợi thuyết Bát Nhã Kinh có dạy: “Niệm công đức vô lượng vô biên của một Đức Phật là niệm công đức vô lượng chư Phật không hai.”

Kinh A Hàm có dạy: “Tâm thanh tịnh chúng sanh thanh tịnh.”  Kinh Duy Ma Cật, Phật Quốc Phẩm có dạy: “Bồ Tát nhược đắc tịnh độ, đương tịnh kỳ tâm, tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”, có nghĩa là: Bồ Tát muốn lập cõi Tịnh Độ nên thanh tịnh tâm này, khi tâm thanh tịnh thì được cõi nước thanh tịnh.

Hiện đại, Ấn Thuận Pháp Sư trong tác phẩm “Tịnh Độ Thân Luận” có viết: “Tâm tịnh chúng sanh tịnh, tâm tịnh quốc độ tịnh, Phật môn vô lượng nghĩa, nhất dĩ tịnh vi bổn.”  Có nghĩa là tâm thanh tịnh thì chúng sanh thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, Phật Pháp vô lượng nghĩa, thứ nhất là lấy sự thanh tịnh làm gốc.

Người niệm Phật cần quán cảnh giới Tây Phương y chánh trang nghiêm, cảnh giới Ta Bà chúng ta đang sống vô thường, nhân sanh chịu tam khổ, bát khổ.  Do vậy hằng nhớ nghĩ: Sanh tử việc lớn, mạng người vô thường, phải tinh tấn tu học để cầu được vãng sanh Tịnh Độ.  Đối với mọi người phát tâm bình đẳng, tâm cung kính, lòng dạ chánh trực, dù tình cảnh nào cũng không oán hận, xem mọi người như là Vị Bồ Tát xung quanh ta, đều là ân nhân của ta hiện kiếp hoặc tiền kiếp.  Pháp tâm niệm Phật và làm tất cả các điều thiện mà hồi hướng cho tất cả chúng sanh, nguyện thành Phật đạo, đó là lý tưởng tu học của giáo lý Đại Thừa.

V. Các phương pháp Niệm Phật khác trong Pháp môn Tịnh Độ

1Trì Danh Niệm Phật:

Kinh Vô Lượng Thọ, nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là: “Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.”  Các phương pháp niệm Phật:

§ Cao thinh niệm Phật tức là niệm to tiếng Nam Mô A Di Đà Phật. Miệng niệm, tai thì tập trung lắng nghe, chú tâm vào câu niệm Phật.

§ Truy đỉnh niệm Phật tức là niệm câu này nối tiếp câu kia rất nhanh, tai lắng nghe, tâm chú ý niệm không để vọng niệm xen tạp.

§ Mặc niệm niệm Phật tức là niệm thầm, tuy niệm thầm nhưng trong tâm vẫn thấy rõ ràng từng câu niệm Phật.

§ Lục Tự và Tứ Tự niệm Phật:

o  Lục Tự là niệm chậm danh hiệu sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật.

o  Tứ Tự là niệm nhanh danh hiệu bốn chữ A Di Đà Phật.

§ Trì danh niệm Phật là niệm câu này nối tiếp câu kia liên tục khiến vọng niệm không sanh khởi, dần dần sẽ nhiếp tâm vào Định, đắc pháp niệm Phật Tam Muội. Kinh Lăng Nghiêm chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông có dạy: “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, nhập tam ma địa”, có nghĩa là “Niệm Phật thâu nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm liên tục, nhập vào chánh định”.

2Quán Tượng Niệm Phật:

Ngồi chăm chú quán hình tượng Phật A Di Đà, quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật, thường thường vừa niệm danh hiệu Phật vừa quán tượng. Tâm tưởng con người rất phức tạp và cực kỳ vọng động, do từ vô lượng kiếp tới nay huân tập vô lượng phiền não nghiệp chướng. Do vậy, năng lực nghiệp ấy biểu hiện mạnh mẽ chi phối cuộc sống chúng ta cứ xu hướng mãi theo vô minh và ái dục. Tâm ý lúc nào cũng loạn động khó mà tập trung được, quán tượng là hình thức cắt đứt vọng tình điên đảo phát huy chánh quán.  Kinh Niệm Phật Ba La Mật có dạy “Các Đức Như Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chính là không chỉ tuyên dương diệu Pháp bí áo sâu xa cho những bậc Thánh giả, hiền nhân – mà mục tiêu khẩn yếu nhất vẫn là nhằm cứu vớt các loại chúng sinh tội khổ, nặng về tình nhẹ về tưởng.” 

Do vậy, quán tượng lâu ngày phá trừ tâm tình tối tăm, bồi dưỡng tư tưởng cao thượng,  tâm sanh an lạc, thâm tín nơi cảnh giới Tây Phương, tâm chuyên chú không tán loạn và dần dần đắc niệm Phật Tam Muội, thấy Phật và được vãng sanh.

3Vô Tướng Niệm Phật:  

Kinh Đại Bữu Tích quyễn 4 có chép rằng: “Nói vô tướng là không còn dựa trên khái niệm Ngã và Vô Ngã mà lập, không thể dựa trên tên gọi và ngôn từ để diễn đạt”.  Vì rằng Vô Tướng Niệm Phật chưa kiến tánh thì vẫn chưa nhập được thực tướng.  Thời thời tâm không tán loạn, ý niệm tương tục không gián đoạn là thể nhập cảnh giới Vô Tướng Niệm Phật.  Nếu thấu triệt Vô Tướng Niệm Phật thì phải nhận thức rằng hình tượng, danh hiệu, âm thanh đều chẳng phải là Phật.  Phật là siêu việt lên tất cả tướng, Phật là vô tướng, Phật không phải là có và không mà cũng không rời có và không, chỉ có chân tâm mà thôi.  Vô Tướng Niệm Phật là trạng thái nhất tâm, tâm vô danh tướng, tâm vô thanh tướng, tâm vô hình tướng, chỉ do thực hành tu niệm và quán sát mà thể nhập cảnh giới này.  Vô Tướng Niệm Phật là Pháp môn Niệm Phật xả li danh tướng, thanh tướng, chưa phải là thật tướng niệm Phật.

4Thật Tướng Niệm Phật:  

Kinh niệm Phật Tam Muội có dạy: “Chánh niệm chư pháp chân như chi tướng thị danh niệm Phật”. Có nghĩa rằng: Chánh quán về thực tướng của các pháp gọi là niệm Phật. Nói niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, đến giai đoạn này thì tham thiền, niệm Phật, hay dùng tất cả các pháp môn là phương tiện để chiếu soi Phật tánh. Thật Tướng Niệm Phật là trực nhận chân tâm, đắc minh tâm kiến tánh, chứng ngộ chân lý tuyệt đối. Thông qua việc thực hành Niệm Phật, kết hợp quán chiếu là phương tiện để chứng đắc thật tướng.  Do vậy ý nghĩa quán tưởng trong Tịnh Độ xuyên suốt quá trình tu học để đạt đến chứng ngộ. Khi niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật có giá trị thiết thực trong quá trình tu tập. Từ trong một câu Phật hiệu hàm chứa vô lượng công đức không thể nghĩ bàn.  Một câu Phật hiệu bao gồm lý sự viên dung, năng niệm và sở niệm đều từ chân Tâm mà lưu xuất. Hơn thế nữa Tự Tính Âm Thanh là thật tánh, vậy niệm Phật, tụng kinh, trì chú là phương pháp hữu hiệu để thể nhập thật tướng. Nhưng thực tướng là siêu việt trên cả pháp môn, siêu việt lên tất cả các pháp đối đãi, đó là trung đạo đệ nhất nghĩa. Người chưa kiến tánh thì đối với thực tướng chỉ là nhận thức qua khái niệm mà thôi. Thực tướng các pháp là không thể nhận thức, không thể nắm bắt qua sự diễn đạt của ngôn từ và tư duy.

VI. Lập trường tu học pháp môn Tịnh Độ 

Tịnh Độ môn là lối tu gồm tự lực và tha lực, đây là mối liên hệ giữa Phật giới và chúng sanh giới thông qua phương pháp Niệm Phật và quán tưởng. Trong tinh thần đó, ý nghĩa quán tưởng vô cùng sâu rộng không đơn thuần trong việc quán sát tâm giới, mà còn quán tưởng thế giới Tịnh Độ của Phật. Trong lộ trình tu tập Niệm Phật hay bất cứ pháp môn nào cũng y cứ trên tinh thần Giới Định Tuệ và giáo lý Tam Pháp Ấn, để hướng đến sự chứng đắc thực tướng.

Điều chúng ta nghĩ suy, từ sơ phát tâm niệm Phật đến chứng ngộ là một lộ trình tu học lâu dài. Nếu chưa chứng ngộ mà được vãng sanh Tây Phương thì không còn đọa lạc trong luân hồi, đầy đủ thắng duyên tu tập đến thành đạo.  Do vậy Pháp môn Tịnh Độ là pháp tế độ chúng sanh rất vi diệu của Đức Phật.

Trên tinh thần của Thánh Giáo Lượng, chỉ có Phật mới thấu rõ chúng sanh giới và thế giới Tịnh Độ của chư Phật.  Hãy đến với Tịnh Độ tông bằng TÍN HẠNH NGUYỆN, cũng như bằng tấm lòng thành khẩn của Vua Tần Bà Sa La và Hoàng Hậu Vi Đề Hy thì lập tức thấy mười phương thế giới Phật.  Chỉ có tin lời Phật dạy, thực hành theo lời Phật dạy giúp chúng ta có chánh kiến và có lợi lạc thiết thực trong sự tu học.

Phật Pháp vô lượng nghĩa, người tu Tịnh Độ ngoài thực hành chuyên tâm niệm Phật còn quán tưởng đúng theo kinh luận. Vì rằng, niệm Phật đắc định là ý nghĩa của Pháp môn tu Chỉ, dùng tuệ để quán xét chiếu soi rõ ràng phân minh để chứng đắc thật tướng. Như vậy quán tưởng niệm Phật là gồm đủ hai môn Chỉ Quán viên dung, Định Tuệ quân bình. Xuyên suốt quá trình tu tập Niệm Nam Mô A Di Đà Phật, từ phương tiện đến cứu cánh, tự lực và tha lực, từ sự đến lý, bao gồm mọi căn cơ trình độ, tùy duyên tu học đều mang ý nghĩa lợi ích thiết thực. Từ khi phát tâm và quá trình thực hành lý tưởng Bồ Tát đạo trong cuộc đời này không xa rời Niệm Phật. Người tu học cần phát Bồ Đề Tâm, đem tất cả công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh nguyện vãng sanh cõi nước Cực lạc, đó là ý nghĩa tu học chân chánh.

 TK Thích Đức Trí

Được gắn thẻ , , ,

5 bình luận trong “Quán Tưởng Niệm Phật trong Pháp Môn Tịnh Độ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *