Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Phi nhân duyên, phi tự nhiên, pháp nhĩ như thị

Ân sư Tịnh Không
Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Phi nhân duyên, phi tự nhiên, pháp nhĩ như thị” (Chẳng phải là nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, pháp vốn sẵn như vậy). Chẳng rớt vào hai bên, bất đắc dĩ gọi là “diệu tánh”. Nó chẳng phải do tu mà có được, nó là sẵn có. Hiện thời quý vị có [diệu tánh ấy] hay không? Có chứ! Hoàn toàn hiển lộ ngay trước mặt. Tuy hiển lộ, chính quý vị chẳng nhận biết, vậy thì làm sao được nữa đây! Chư Phật, Bồ Tát thấy rất rõ ràng. Do vậy, Phật thấy quý vị là Phật, Phật và kẻ khác chẳng hai; Bồ Tát thấy quý vị là Bồ Tát, quý vị và các Ngài chẳng có chỗ nào khác biệt, nhưng do quý vị tự mình mê nên không có cách nào hết! Tự mình mê là như thế nào? Quý vị tự khởi tâm động niệm, chính quý vị suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là tự mình mê. Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng mê? Phật, Bồ Tát chẳng có ý niệm nào. Thích Ca Mâu Ni Phật hằng ngày thuyết pháp, nói suốt bốn mươi chín năm mà chẳng nói một chữ nào, quý vị có tin hay không? Chẳng tin! Vì sao không tin? Do quý vị đang mê, mê rồi nên chẳng tin. Nếu quý vị giác ngộ, quý vị sẽ tin tưởng: Quả thật trong suốt bốn mươi chín năm, đức Phật chẳng nói một chữ, thật đấy! Khi nào thấy được chân tướng sự thật ấy, quý vị sẽ giác ngộ. “Mê thời vô thất, ngộ thời vô đắc” (lúc mê chẳng mất, khi ngộ chẳng được). Nay chúng ta đang mê, diệu tánh thiên nhiên có bị mất hay không? Chẳng hề mất đi, suốt ngày từ sáng đến tối khởi tác dụng, khởi tác dụng mê hoặc điên đảo. Hễ giác ngộ, sẽ khởi tác dụng Bồ Đề Niết Bàn. Khi mê, hằng ngày khởi tác dụng sanh tử phiền não. Thật ra, “sanh tử, phiền não” và “Bồ Đề, Niết Bàn” là một, chứ không phải hai, đều là cùng một chuyện, đều là diệu tánh khởi tác dụng. Hễ ngộ thì gọi tên nó là Bồ Đề Niết Bàn, còn mê thì gọi là sanh tử phiền não. Chỉ thay đổi tên gọi, chứ vẫn có tác dụng đó. Thế nhưng mê hay ngộ sẽ cảm nhận khác biệt rất lớn. Hễ ngộ sẽ cảm nhận tự tại khôn sánh. Mê thì cảm thấy vô biên thống khổ, biển khổ không bờ mà! Khác nhau! Đã là lúc mê chẳng mất, đương nhiên khi giác ngộ cũng không được gì. Tâm Kinh đến cuối cùng, dạy: “Vô trí, diệc vô đắc” (Không có trí, mà cũng chẳng có đắc). “Trí” là cái trí có khả năng chứng, “đắc” là cái quả đạt được. Không có trí, cũng không có đắc, vì sao vậy? Bổn tánh. Đã là thiên nhiên thì không có được hay mất. Trong ấy chỉ có mê hay ngộ, chứ không có được hay mất. Mê là nó, mà ngộ cũng là nó. Nếu quý vị tham thấu chỗ này, mới hiểu mê và ngộ không hai, quý vị thật sự nhập cảnh giới ấy. Nếu quý vị nhận định mê và ngộ là hai pháp, có mê, có ngộ, lại tạo thành Biên Kiến. Đấy là chỗ khó khăn trong Phật pháp, rất khó ngộ nhập chỗ này. Nói chung, quý vị chẳng đọa vào Có, sẽ đọa vào Không. Nói chung, quý vị đọa vào một bên. Khi nào có thể dứt sạch hai bên thì nhà Thiền gọi là “tọa đoạn lưỡng đầu”. Nhà Thiền nói đến chuyện tọa Thiền, công phu tọa Thiền đắc lực, đoạn được cả hai đầu (tức kiến giải nhị biên), sẽ nhập. Đoạn dứt cả hai bên, nhập pháp môn Bất Nhị thì mới có chỗ nhập (nhập xứ). Cái gọi là “nhập xứ” ấy chính là ngộ xứ, Thiền gia bảo là “đại triệt đại ngộ”, minh tâm kiến tánh. Nếu rớt vào hai bên thì chẳng được! Quý vị chẳng vào được cửa!
(Lược Trích : A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *