“Hành đạo chi nhân bất đản trì giới thiền tụng, diệc đương bố thí tác phước” (người hành đạo không những chỉ trì giới, thiền định, tụng niệm mà còn phải bố thí làm phước), đây là lời Phật dạy trong Kinh. Đức Phật dạy cho đệ tử đời sau, khi tu hành làm việc đạo, không phải chỉ trì giới, tham thiền, đọc tụng Đại Thừa, đây đều là công khóa thường nhật, mà còn phải bố thí làm phước, bạn phải biết nên thường bố thí, nên làm cả ba việc tài thí, pháp thí, và vô úy thí. Tiếp theo sau, chúng ta coi “Đại Ái Đạo Kinh vân, kim thế diệt tội, hậu thế đắc Thân” (Đời này diệt tội, đời sau được rộng rãi hơn). Chữ “Thân” ở đây là thân trương (mở rộng ra).
“Hữu tài bất thí, thế thế thọ bần” (có tiền tài mà không chịu bố thí, đời đời sẽ chịu nghèo hèn), đây là gì? Bỏn xẻn tiền tài, bỏn xẻn thì sẽ bị quả báo bần cùng, bỏn xẻn pháp thì bị quả báo ngu si, bỏn xẻn vô úy thì bị quả báo bịnh khổ, tai nạn.
Những thứ thọ dụng của con người trong thế gian từ đâu đến? Bạn có tin hay không? Có tin lời Phật dạy không? Nếu tin, hiện nay tôi nghèo hèn thì hãy mau tu bố thí, tại sao vậy? Có bố thí mới thoát khỏi cảnh nghèo túng. Khi nghèo túng thì tôi đâu có gì để bố thí, bạn hãy nghĩ lại coi có không? Hôm nay tôi ăn cũng ăn không no, ăn không no thì tôi nhịn một bữa, lấy bữa ăn đó đem bố thí cho người khác, vậy thì bạn cũng bố thí được, lẽ nào không thể bố thí?
Thật sự có tâm bố thí cúng dường, như phía trước có nói bố thí cúng dường rất ít như “một hạt bụi, một cọng lông, một hạt cát, một giọt nước”, mà có tâm rộng lớn, tâm chân thật thì sẽ được quả báo không thể nghĩ bàn. Đức Phật đã mở ra con đường cho chúng ta đi, người nghèo túng cũng có thể tu bố thí và được phước báo to lớn, vậy thì mới công bình.
Sau đó nói “cố nhập đạo tất dĩ trí huệ vi bổn, trí huệ tất dĩ phước báo vi cơ” (cho nên khi nhập đạo phải lấy trí huệ làm gốc, trí huệ phải lấy phước báo làm nền tảng), hai câu này rất hay, không thể thiên về một bên. Trong Kinh Phật có kể hai câu chuyện nói về sự ‘thiên về một bên’, có một người tu hành coi trọng tu trí huệ, một người lại chú trọng tu bố thí, đời sau khi quả báo của hai người này hiện đến, người chú trọng tu trí huệ, tu thiền định chứng được quả vị A La Hán, vậy là rất hay rồi. Tuy chứng quả A La Hán nhưng ông ta không có phước báo, thường thường đi trì bát, nhưng chẳng có ai chịu cúng dường, đúng như câu “La Hán trì bình trống không”, phải chịu đói, rất khổ! Có ai biết được ông ta chứng A La Hán? Người ta vừa nhìn thấy ông liền ghét, chẳng có duyên phận, chẳng có ai cúng dường ông ta. Còn người chú trọng tu phước thì khá hơn, nhưng lại đọa vào loài súc sanh, làm một con voi lớn, đầu thai làm con voi lớn. Con voi này có phước, được vua thích cỡi, khi vua đi đâu đều cỡi con voi này, do đó con voi này được nuôi nấng rất tốt, được rất nhiều người hầu hạ nó, đút cho nó ăn, khi đi ra ngoài đường thì đeo anh lạc, châu báo đầy mình, do đó mới có câu “Tu phước không tu huệ, voi lớn đeo anh lạc”, phước báo đó rất lớn. Đức Phật dạy chúng ta phước huệ song tu, cho nên khi thành Phật, Đức Phật được xưng là Nhị Túc Tôn, ‘Túc’ nghĩa là đầy đủ, viên mãn, ‘Nhị’ nghĩa là hai, đó là trí huệ viên mãn và phước báo viên mãn, do đó Phật là người trọn đủ phước huệ. Đức Phật chẳng dạy chúng ta không tu phước, nếu bạn cho rằng Đức Phật dạy chúng ta không tu phước thì bạn hoàn toàn sai lầm, nếu vậy thì Đức Phật làm sao được gọi là Nhị Túc Tôn được?
Nhưng Đức Phật thường cảnh giác chúng ta, cảnh cáo chúng ta, tu phước chứ đừng hưởng phước, sợ chúng ta hưởng phước bị mê mất.
Nếu bạn hưởng phước mà không bị mê thì được! Vậy thì Đức Phật cũng tán thành bạn hưởng phước. Do đó đến khi nào mới hưởng phước? Sau khi minh tâm kiến tánh thì có thể hưởng phước, tại sao vậy? Kiến tánh rồi, sẽ không mê nữa. Đây là chỗ khác nhau giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa, Bồ Tát Đại Thừa có thể hưởng phước, bậc thánh Tiểu Thừa không thể hưởng phước, khi hưởng phước thì họ sẽ mê mất. Thế nên đối với người Tiểu Thừa, Đức Phật tán thán khổ hạnh. Trong số đệ tử của đức Phật, chúng ta có thể thấy tôn giả Đại Ca Diếp tu khổ hạnh, Ngài có tiếng là “Đầu Đà hạnh bậc nhất”, tôn giả Ca Diếp xuất thân từ nhà giàu có, trưởng giả, Ngài chẳng phải là người nghèo hèn, sau khi xuất gia tu khổ hạnh, nhận lấy những cái khổ mà người khác không chịu, Ngài hoan hỷ, vui vẻ làm gương cho người sơ học.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thiện Tài đồng tử tượng trưng cho Đại Thừa, là người có thể hưởng phước. Khi Thiện Tài đồng tử được sanh ra, trong nhà Ngài, trong sân nhà, các cây, cỏ đều biến thành vàng bạc, lưu ly bảy báu, đó là tiêu biểu Đại Thừa. Người tu học Đại Thừa có thể hưởng thọ vì họ chẳng mê, cảnh giới của Đại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau. Chúng ta có căn cơ gì? Tuy chúng ta tu học pháp Đại Thừa, nói thật ra ngay cả căn cơ Tiểu Thừa chúng ta cũng không bằng, chúng ta hoàn toàn là phàm phu, điểm này chúng ta phải biết. Nếu phàm phu không niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì chẳng có con đường nào khác, muôn vàn xin đừng tưởng là học pháp Đại Thừa, cứ cho mình là Bồ Tát, tự hào mình là Bồ Tát, đi đâu cũng kiêu ngạo, như vậy thì chắc chắn sẽ đọa ác đạo, đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, chúng ta đích thật chỉ là phàm phu. Chúng ta đã đọc, đã nghe Kinh Đại Thừa, đã tăng trưởng không ít kiến thức, nếu thật sự nghe hiểu, thật sự giác ngộ, phải nên phát tâm sốt sắng nỗ lực tu học, vậy mới đúng.
Trích: Địa Tạng Giảng Ký – Tập 39 – Quyển Hạ
Chủ giảng: Hoà Thượng Tịnh Không
A Di Đà Phật xin thường niệm
___________________
Thành kính nguyện cầu cho
Tụng Kinh và Trì niệm
Mỗi ngày của chúng con
Trên tột Trời Hữu Đảnh
Dưới suốt đáy Phong Luân
Tất cả mọi chúng sanh
Đều nghe và niệm theo
Cùng lúc được lợi ích