Chuyện nhân quả - vãng sanh, Đạo Phật

Nghiệp cũ khó tiêu, La Hán gặp nạn

Bồ Tát
Thuở xưa, ở nước Kế Tân miền bắc Ấn Độ có một vị thánh giả tên là Ly Việt. Ngay từ nhỏ ngài đã nhìn thấu lẽ vô thường của cuộc đời nên bèn xuất gia học đạo, vào trong núi sâu ẩn tu trong một hang động, tinh tấn tu trì khổ hạnh, không bao lâu chứng được quả A la hán, lục thông tự tại.
Sau khi chứng quả, ngài vẫn tiếp tục ẩn tu trong núi, dần dần rất nhiều người tu đạo gần xa đều đến núi bái ngài làm thầy. Ngài thường dùng thần thông quán sát căn cơ của đệ tử mà tùy bệnh cho thuốc, hàng trăm đệ tử nhờ được ngài chỉ dạy đều lần lượt chứng quả A la hán, họ chia nhau đi các nơi để hoằng pháp lợi sanh, về sau chỉ còn lại một mình vị lão Tỳ kheo tu hành trong núi.
Một hôm, lão Tỳ kheo nhân lúc rãnh rỗi dọn dẹp lại sơn động, vô tình nhìn thấy tấm y của mình đã phai thành màu trắng, ngài muốn đem nó nhuộm lại màu xám. Ngài bèn vào trong rừng, tìm vỏ cây và lá cỏ để thay thế chất nhuộm, sau đó đem tấm y bỏ vào trong nồi, nhóm lửa lên rồi nấu.
Một lát sau, lão Tỳ kheo mở nắp nồi ra để trở tấm y, ngài phát hiện tấm y trong nồi đã biến thành da trâu, vỏ cây cùng lá cỏ đều biến thành thịt trâu, nước nhuộm cũng biến thành máu trâu, hơn nữa mùi thịt trâu cũng vô cùng nặng. Lão Tỳ kheo kinh ngạc nói:
– Nghiệp chướng của ta đến rồi. Nhân quả nghiệp báo thật chẳng thể nghĩ bàn, con người tạo khẩu nghiệp ác ý trong thế gian, chung quy không trốn khỏi được sự truy lùng của luật nhân quả, ngày nay nghiệp báo đã đến rồi!
Bấy giờ, đột nhiên có một người nông dân thô bạo vội vàng chạy đến, la lớn rằng:
– Này lão Tỳ kheo! Ông là người xuất gia mà lại phạm giới sát, trên núi có nhiều lợn rừng, dê rừng ăn còn chưa đủ, ngay cả trâu cày của ta cũng giết ăn. Mới sáng nay, ta vừa dắt trâu lên núi ăn cỏ, được một chút thì không thấy đâu, tìm khắp nơi cũng không thấy, hóa ra là ông đã dắt trộm đem đi giết thịt.
Người nông dân tức giận, đem toàn bộ chứng cứ trong nồi, bắt vị lão Tỳ kheo phải cùng đi gặp nhà vua. Nhà vua hỏi người nông dân có chuyện gì? Người nông dân bèn đem sự việc trình lên khiếu nại. Nhà vua hỏi lão Tỳ kheo có gì để biện bạch hay không? Lão Tỳ kheo liền bẩm với vua rằng:
– Thưa Đại vương! Đây là nghiệp báo của tôi, tôi không có lời gì để nói!
Nhà vua nói:
– Bị cáo đã không biện bạch, lại còn có bằng chứng rõ ràng trước mắt, tội trộm cắp khó chối cãi được. Người xuất gia phạm giới sát, lại còn phạm tội trộm cắp, trái nghịch căn bản đại giới của nhà Phật, cả giới luật và pháp luật đều không cho phép, tuyệt đối không thể tha được.
Thế là, lão Tỳ kheo bị phán xử 12 năm tù. Mỗi ngày ở trong tù, ngoài những lúc tu trì Phật pháp ra, ngài phải đảm nhiệm những công việc như lau chùi quét dọn, chùi rửa nhà cầu…, cơm chỉ được ăn lúa ngựa, ban ngày lao tác cực nhọc, ban đêm tĩnh tọa không nằm. Lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của ngài đã khiến cho hết thảy quan lính trong tù đều bội phục và hết lời tán thán.
Đến gần ngày mãn hạn, các đệ tử của lão Tỳ kheo mới hay biết thầy của mình đã chịu tù 12 năm . Họ cùng dùng thần thông bay vào hoàng cung, giải oan cho sư phụ, trách nhà vua vội vàng bất cẩn, nghe theo lời vu báng của người nông dân, khiến cho bậc thánh phải chịu tù 12 năm oan uổng.
Nhà vua nghe nói rồi hết sức kinh sợ, đích thân vào nhà lao mời vị lão Tỳ kheo ra ngoài, đồng thời cũng sám hối lỗi lầm bất cẩn. Lão Tỳ kheo sau khi bước ra ngoài bèn dùng thần thông bay lên không trung, phóng luồng ánh sáng lớn, hiện đủ các phép biến hóa vô cùng hy hữu…
Lúc này, rất nhiều đệ tử của lão Tỳ kheo muốn trách tội nhà vua. Lão Tỳ kheo ngăn lại nói:
– Không được vô lễ với nhà vua, đây là nghiệp báo của ta, không thể oán trách người khác được!
Sau đó, lão Tỳ kheo liền kể cho mọi người nghe về nhân duyên tiền kiếp của ngài rằng:
– Trong đời quá khứ, ta từng là một người nông dân cày ruộng. Một hôm bị lạc mất trâu, lên núi tìm kiếm, nhìn thấy trong sơn động có một người xuất gia tu hành trong đó. Lúc này ta thiếu suy nghĩ, cho rằng trâu đã bị ngài dắt trộm đem đi cất giấu, bởi vì lúc ấy trên núi chẳng còn ai khác. Chính vì ngu si nên ta ác tâm độc miệng, nhiễu loạn ngài suốt một ngày một đêm, ép buộc ngài phải rời khỏi núi, giao cho nhà vua giam cầm trong ngục. Thuở ấy ta tạo nghiệp như thế, ngày nay phải trả nghiệp 12 năm tù oan, giống như mượn tiền sinh lãi, mượn càng lâu thì lãi càng nhiều, ngày nay ta trả nghiệp còn phải trả thêm lãi, so với lúc tạo nghiệp nhiều hơn đến mấy ngàn lần. Nếu mọi người chí tâm tu thiện, làm các công đức, dù chỉ một chút cũng được phước hàng vạn; còn như ác khẩu tạo nghiệp thị phi, tuy chỉ một chút cũng trả quả báo gấp cả vạn lần. Nếu gây tạo tội nghiệp lớn hơn nữa, tương lai phải chịu vô lượng vô số quả báo…
Kệ rằng:
Khẩu nghiệp khó tiêu, thêm chồng chất
Một nhân vạn quả nối chẳng ngừng
Kẻ phàm ngu si lòng điên đảo
Trả nợ ăn năn cũng muộn rồi.
Lời phụ:
1- Tạo khẩu nghiệp hủy báng người xuất gia, hoặc dùng lời, hoặc dùng giấy mực để hủy báng Tăng Ni, tương lai nhất định phải chịu vô lượng khổ báo. Như trong câu chuyện này tạo một lời khẩu nghiệp, liền phải chịu vạn lần thống khổ. Việc này cũng giống như vay tiền nặng lãi, chúng ta tuyệt đối không nên để thiếu người khác món nợ này.
2- Khẩu nghiệp là ác nghiệp lớn nhất trong Thập ác , bao nhiêu tội ác cũng không hơn nghiệp này. Trong rất nhiều bộ kinh, Phật đều giảng khẩu nghiệp tội báo cực nặng. Nếu người đối với Phật, Pháp, Tăng Tam bảo từng tạo tội khẩu nghiệp, phải mau mau chí tâm đối trước Tam bảo sám hối, nếu không về sau ắt phải chịu nghiệp báo vô cùng thống khổ.
3- Dễ dàng gây tội lỗi nhất chính là nơi cửa miệng, miệng có thể tạo nghiệp lớn như núi, chúng sanh phàm phu ngu si, xem khẩu nghiệp như thú vui bỡn cợt. Người tin Phật, học Phật mà giống như thế, chẳng phải là cũng ngu si lắm sao!
– Tạm dịch: Tâm Đức Thành (bản dịch còn hoàn thiện trước khi in ấn thành sách lưu thông).
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *