“Chư Phật, Bồ Tát dùng phương pháp gì để giúp đỡ hết thảy chúng sanh…? chỉ cần quý vị có thể buông chấp trước xuống… tự tư, tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn đều là nhiễm ô…”
“Thân – Ngữ – Ý nghiệp, tức Tam Nghiệp của Phật, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác tuyệt đối nghĩ đến lợi ích chúng sanh. Nghĩ cách lợi ích chúng sanh, nói lời lợi ích chúng sanh, làm chuyện nhằm lợi ích chúng sanh, chuyện chẳng có lợi ích cho chúng sanh tuyệt đối chẳng làm, mà cũng tuyệt đối chẳng nghĩ tới”.
Phật muốn giúp cho hết thảy tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, giúp như thế nào? Giúp quý vị phá mê khai ngộ. Bồ Tát biết hết thảy khổ nạn của quý vị do vì mê nên mới tạo thành, tất cả hết thảy sự vui của quý vị do giác ngộ tạo thành, chỉ cần quý vị từ mê hoặc mà giác ngộ, vấn đề đã được giải quyết. “Chư Phật, Bồ Tát, dùng phương pháp gì để giúp đỡ hết tất cả chúng sanh?” Dùng giáo học. Thích Ca Mâu Ni Phật nêu gương cho chúng ta thấy, từ ngày thị hiện khai ngộ, Ngài ba mươi tuổi khai ngộ, khai ngộ rồi dạy học. Giúp đỡ đầu tiên là [những người theo Ngài] khi Ngài đi tham học, cha Ngài rất yêu thương, sai mấy người theo Ngài, tổng cộng là năm người, ba người bên nội, hai người kia là họ hàng bên mẹ, năm người ấy đi cùng Ngài, chăm sóc Ngài. Năm vị ấy tu tại Lộc Dã Uyển. Ngài khai ngộ bèn độ năm vị ấy đầu tiên, giúp họ phá mê khai ngộ. Rất khó có! Ngài Kiều Trần Như nghe đức Phật thuyết pháp, giác ngộ đầu tiên, chứng quả A- La- Hán, cũng có thể nói là Ngài buông hết thảy chấp trước đối với thế gian và xuất thế gian xuống, chẳng còn chấp trước nữa. Buông chấp trước xuống bèn chứng quả A-La-Hán, thành Chánh Giác, đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài bèn thành Chánh Giác. Đó là thị hiện cho chúng ta thấy. Ân huệ ấy quá lớn, nặng hơn ơn cha mẹ. Cha mẹ sanh ra thân thể này của chúng ta, chẳng có cách nào dạy cho chúng ta thoát khỏi lục đạo luân hồi, Phật, Bồ Tát, sẽ giúp ta thoát khỏi lục đạo luân hồi, vĩnh viễn chẳng còn luân hồi nữa! Chỉ cần quý vị có thể buông chấp trước xuống, chẳng còn chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Thật sự tùy duyên, thứ gì cũng tốt. Trong cuộc sống hằng ngày, ăn thứ gì cũng ngon chẳng có chấp trước; mặc thứ gì cũng đều được, chẳng cần phải kén chọn, tùy duyên sống qua ngày, vĩnh viễn giữ gìn cái tâm thanh tịnh của chính mình. Buông chấp trước xuống, tâm bèn thanh tịnh, chẳng còn bị pháp thế gian nhuốm bẩn. “Tự tư, tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn đều là nhiễm ô, những thứ ấy chẳng còn nhuốm bẩn quý vị, tâm đã thanh tịnh rồi.”
“Thượng cúng Chư Phật” là nêu gương cho chúng sanh: Trước tiên dạy đại chúng tu hiếu kính, học từ chỗ nào? “Hiếu thuận cha mẹ”,“tôn sư trọng đạo”, dạy từ chỗ này. Đấy là đại căn đại bản của giáo dục thế gian và xuất thế gian. Người dẫu làm nhiều chuyện tốt đến mấy, có cống hiến to lớn đối với xã hội, nhưng nếu bất hiếu cha mẹ, chẳng kính trọng thầy, sự tốt lành của kẻ ấy chẳng có cội rễ, bất luận làm thiện sự to tát đến mấy, chẳng có cội rễ thì chẳng phải là [Chân Thiện]. Kẻ ấy giáo học, dạy người khác bất hiếu cha mẹ, bất kính sư trưởng, trong tương lai họ sẽ giống như kẻ ấy, dẫu học tốt đẹp cách mấy, hễ gặp danh cao lợi dầy, tâm liền biến đổi. Vì sao biến đổi? Vì chẳng có căn cội. Nếu kẻ ấy có căn cội, sẽ vĩnh viễn chẳng biến. Vì sao? Kẻ ấy biết nghĩ tới cha mẹ, biết nghĩ đến thầy, nếu đổi dạ làm chuyện xấu, lẽ nào chẳng có lỗi với cha mẹ? Lẽ nào chẳng có lỗi với thầy? Nghĩ tới điều đó, dục vọng sẽ bị giảm thấp, từ mê hoặc bèn giác ngộ. Do vậy, đức Phật dạy chúng sanh đầu tiên là tu cúng Phật, đó là dạy tu hiếu kính. Tiếp đó là lợi ích chúng sanh. “Thân – Ngữ – Ý nghiệp, tức Tam Nghiệp của Phật, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác tuyệt đối nghĩ đến lợi ích chúng sanh. Nghĩ cách lợi ích chúng sanh, nói lời lợi ích chúng sanh, làm chuyện nhằm lợi ích chúng sanh, chuyện chẳng có lợi ích cho chúng sanh tuyệt đối chẳng làm, mà cũng tuyệt đối chẳng nghĩ tới”. Cả một đời dạy học độ chúng sanh đã được nói trọn trong ấy. Đây là biểu hiện nơi mặt Sự.
Tiếp theo đó, nói về Lý. Dù có những sự tướng ấy, vẫn chẳng có tướng ra, vào, trước, sau. Tâm Bồ Tát bình đẳng, tức là nói Ngài chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, tâm Ngài vĩnh viễn thanh tịnh, bình đẳng. Tốc độ lại vô cùng nhanh chóng, lẹ làng như chớp. Đó là nói về sự cảm ứng. Chỉ cần chúng sanh có cảm, Bồ Tát lập tức có ứng. Trong Phật pháp cũng có một câu nói, chúng ta phải hiểu rõ, tức là “Phật độ kẻ hữu duyên”. Kẻ chẳng có duyên với Phật, Phật có ứng hay không? Phật có ứng. Tuy có ứng, kẻ vô duyên chẳng thể nhận biết, chẳng đạt được lợi ích. Đây chính là như trước kia Chương Gia Đại sư đã nói: Kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng, chẳng phải là không có cảm ứng, mà do nghiệp chướng quá nặng, chướng ngại kẻ ấy, khiến kẻ ấy chẳng nhận được sự cảm ứng của Phật, Bồ Tát. Kẻ nghiệp chướng sâu nặng rất phiền phức, cầu Phật, Bồ Tát, nhưng chẳng nhận được sự cảm ứng của Phật, Bồ Tát; nhưng ma thấy được, khi ma trông thấy bèn ứng, phù hợp khít khao, ma đến ứng để làm gì? Giúp đỡ kẻ ấy làm chuyện xấu. Vì thế, có kẻ làm chuyện xấu, nhưng dường như duyên của kẻ ấy rất thù thắng, đó là gì? Yêu ma quỷ quái [giở trò]. Thiện có thiện cảm ứng, ác có ác cảm ứng. Có ác tâm thì Phật, Bồ Tát chẳng giúp được, nhưng yêu ma quỷ quái được dịp thuận tiện, chúng ta chớ nên không biết điều này.
(273lh. Trích ở tập 115, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, lần thứ 11. Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa. Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong.)