“Lại Bảo Vũ Kinh viết: “Có thế giới tên là Ta bà, nước đó có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật, nếu chư hữu tình nghe đến danh Ngài, tức nghe danh hiệu đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nơi A nậu bồ đề được bất thoái chuyển, do nhờ Như Lai bổn nguyện lực vậy”. Mấy câu nói trong kinh này không thể nghĩ bàn, làm cho chúng ta biết được Bổn sư Thế Tôn và Phật A Di Đà có hoằng nguyện giống nhau.
Danh nghĩa của Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng tu học Phật chúng ta không thể không biết. Vì sao gọi Ngài là Thích Ca Mâu Ni? Thích Ca nghĩa là gì? Mâu Ni có ý nghĩa là gì? Thích Ca là Năng nhân, phiên dịch thành tiếng Trung, Ngài có thể nhân từ với chúng sanh, chính là Quán Thế Âm Bồ Tát, có thể dùng nhân từ đối đãi chúng sanh. Mâu Ni phiên dịch thành tiếng Trung nghĩa là Tịch mặc, cũng dịch thành tịch diệt. Tức là trước đây chúng ta nói ngũ nhẫn Bồ Tát, cuối cùng là tịch diệt nhẫn, thanh tịnh tịch diệt. Đây là đối với bản thân. Hình ảnh tiệt diệt như thế nào? Huệ Năng đại sư nói: “Bổn lai vô nhất vật”, đó chính là tịch diệt, đó chính là đại bát niết bàn. Niết bàn là tiếng Phạn, phiên dịch thành tiếng Trung là diệt, “diệt” trong bốn chữ “khổ tập diệt đạo”. Diệt chính là niết bàn. Niết bàn là quả, đạo là nhân. Tu đạo mới có thể chứng quả Niết bàn. Quả của thế gian là khổ. Khổ từ đâu mà có? Khổ từ tập mà có, nghĩa là quí vị tập kết vô lượng nhân hành bất thiện, quí vị chiêu cảm đến quả khổ. Đây là pháp thế gian trong lục đạo luân hồi. Diệt đạo là pháp xuất thế gian, diệt chính là diệt khổ. Trong tịch tịnh tất cả khổ đều không còn nữa. Đây gọi là tịch lạc, cho nên Niết bàn có nghĩa là tịch lạc.
Thời xưa đại sư Trừng Hiến khen nguyện này là Thích Tôn tức Phật Thích Ca Mâu Ni, là nguyện thù thắng nhất trong 500 đại nguyện của Ngài, nguyện thù thắng nhất trong 500 đại nguyện của Đức Thích Tôn chính là nguyện “văn danh bất thoái”. Quí vị nghe đến Phật Thích Ca Mâu Ni, quí vị thực sự nghe hiểu rồi, quí vị sẽ không thoái chuyển, cùng một ý nghĩa mà trước đây tôi đã nói. Tôi đem Năng Nhân nói thành Quán Thế Âm Bồ Tát, tôi đem Mâu Ni nói thành Phật A Di Đà. Trong tất cả mọi thời, tất cả mọi nơi, trong tất cả các cảnh duyên, chúng ta không xa rời Phật A Di Đà, không xa rời Quán Thế Âm Bồ Tát. Ở đây cổ đức chứng minh cho chúng ta, chúng ta đích thực đã được bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà và Thích Ca Thế Tôn gia trì. Chuyên niệm Phật A Di Đà, chuyên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, quí vị liền hiện chứng bất thoái, đây không phải là giả dối.”
Trích từ bài giảng Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 254 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.