NGƯỠNG CỬA NGUY HIỂM NHẤT.
Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo bản thân mình một niệm sau cùng là niệm: A Di Đà Phật? Đây là vấn đề quan trọng nhất của chúng ta hiện nay. Chúng ta ở niệm Phật đường niệm ngày đêm không gián đoạn, tại sao vậy? Huấn luyện, luyện tập, hy vọng lúc sắp mạng chung có thể dùng được. Nhưng có rất nhiều sự thật cho chúng ta thấy, lúc sắp mạng chung bị bệnh ngặt, rơi vào hôn mê, không biết gì cả, thì làm thế nào? Đây là ngưỡng cửa nguy hiểm nhất. Con người ở trong tình trạng này, trợ niệm cũng không thể giúp được. Cho nên, không thể không có phước.
Phước là thường ngày chúng ta phải tu tích, tích lũy công đức, đây là tu phước. Tích đức chính là giữ tâm tốt, niệm niệm lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội. Tích công, công chính là làm việc tốt, nói lời hay. Chúng ta ngày nay đề xướng bốn tốt. Phải làm cho thật nghiêm túc, thật nỗ lực, vì chúng sanh, không nên vì mình. Có sức thì toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác. Mong điều gì vậy?
Chẳng mong điều gì cả, chỉ mong lúc sắp mạng chung tinh thần thật tỉnh táo, thật sáng suốt, không điên đảo, không mê hoặc, đây là đại phước báo. Vì bạn thật rõ ràng, thật sáng tỏ, mười pháp giới là do chính bạn lựa chọn, bạn có năng lực lựa chọn. Lúc này mà mê hoặc điên đảo thì bạn không có năng lực lựa chọn. Không có năng lực lựa chọn thì nhất định là tùy theo nghiệp chuyển, bị nghiệp lực của bạn lôi kéo đi, bản thân bạn không làm chủ được, người đó gọi là người không có phước báo. Lúc còn sống hưởng hết vinh hoa phú quý, phước báo của họ hưởng hết rồi, khi sắp đi không có phước báo. Chúng ta hiểu rõ những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta ở trong một đời phải học đại thánh đại hiền, đời sống phải tiết kiệm, phải giản dị. Phước báo chúng ta tích lũy, lúc sắp lâm chung hãy hưởng thụ.
Đây là nói rõ, đi đầu thai vào giới nào trong mười pháp giới là có thể tự mình chọn lựa. Tự mình lựa chọn sẽ quyết không lựa chọn đường ác. Đâu có người nào khờ như vậy? Nhất định lựa chọn nơi mà bản thân bạn thích đến. Nhưng ở trong đây có điều kiện, chúng ta cần phải chuẩn bị những điều kiện này. Những điều kiện này thường ngày phải tu tích. Bình thường người không biết tích lũy công đức, người chỉ biết ham mê hưởng thụ, không cần nói đến lúc sắp mạng chung, mà lúc về già phước báo đã hưởng hết rồi, đời sống về già vô cùng bần hàn, không có ai chăm nom. Thậm chí như chúng ta cũng thường nghe nói, có một số người già đã chết mấy ngày rồi hàng xóm mới phát hiện. Bạn thấy điều này đáng thương biết bao! Lúc sắp mạng chung bản thân biết rõ, không đau ốm, có bạn bè tốt, đồng tu tiễn đưa, trợ niệm giúp bạn, đây đích thực là đại phước báo. Sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều này trong kinh nói rất rõ ràng, những lời này chúng ta không được phép lơ là một chữ nào.
(trích Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ – tập 105)
VÌ SAO CHÚNG TA NIỆM PHẬT KHÔNG KHẨN THIẾT?
Mọi người đừng coi thường những lời nói này. Chúng ta hãy thật lòng tự hỏi, cả đời mình có mấy lần đã thật sự từ đáy lòng phát nguyện muốn vãng sanh? Lại có bao nhiêu câu Phật hiệu là niệm ra từ chân tín thiết nguyện. Do vậy niệm Phật chẳng thể vãng sanh là một vấn đề vô cùng nghiêm túc trước mắt, và cũng là một vấn đề rất phổ biến.
Lão hòa thượng Hải Hiền cả đời chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh, từng giờ từng phút, từng ngày từng tháng, từng năm chưa hề gián đoạn. Vì sao Ngài có thể làm được như vậy? Đừng nói ngày nay chúng ta niệm Phật từ đầu năm tới cuối năm, ngay cả niệm Phật chỉ một ngày thôi chúng ta cũng niệm không được tốt đẹp. Lúc tinh thần tỉnh táo bèn khởi vọng tưởng, lúc tinh thần uể oải bèn ngủ gục.
Được một lát bèn không chịu niệm tiếp, không muốn niệm nữa, có đúng như vậy không? Vì sao lão nhân gia có thể niệm hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn? Nguyên nhân là vì lão nhân gia có tâm sanh tử khẩn thiết. Có tâm sanh tử khẩn thiết, nhất định tâm cầu vãng sanh sẽ khẩn thiết. Có tâm mong cầu vãng sanh khẩn thiết, nhất định sẽ niệm miết câu Phật hiệu này ngày đêm không ngừng, không thể nào ngừng được.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ 4 (tập 83) – 23-9-2014 Tịnh Tông Học Viện Úc Châu