“Có rất nhiều người đến chỗ tôi hỏi này hỏi nọ, tôi dùng một câu để trả lời chung: Đều chẳng phải là thật thà, đều chẳng phải nhất tâm, mà là đang loạn tâm niệm Phật”.
Đại Thừa Phật Pháp thường nói đến Nhất tâm, Chân tâm, Bản tánh, Chân như, Pháp giới, Pháp Thân, cả một đống lớn những danh từ ấy đều nhằm nói về một chuyện. Là một chuyện, cớ sao đức Phật nói ra lắm danh từ ngần ấy? Đó là phương pháp dạy học thù thắng của đức Phật, nhằm phá trừ chấp trước của lũ chúng ta, bảo chúng ta biết danh từ và danh tướng đều là giả, đều chẳng có ý nghĩa, quý vị phải từ giả danh và ngôn từ mà lãnh hội ý nghĩa chân thật của chúng. Đó là sự khéo léo trong phương pháp giáo học. Chẳng như những danh từ trong thế gian vẫn phải thống nhất, thống nhất là gì? Thống nhất mà một thứ chấp trước. Thống nhất là một thứ thành kiến, phiền toái! Đức Phật phá tan thành kiến và chấp trước của chúng ta, đó là chỗ khác biệt với pháp thế gian. Vì vậy, cùng một chuyện mà đức Phật dùng khá nhiều phương tiện để nói rõ, dùng khá nhiều danh từ và thuật ngữ để thuyết minh.
Sau đấy, chúng ta hiểu: Nhất tâm là Chân Như, Nhất tâm là Pháp Thân, Chân tâm, Bản tánh, Pháp Thân, há còn có tu hay chứng gì nữa? Trong Đàn Kinh Lục Tổ chỗ nào cũng chỉ bảo, cảnh tỉnh chúng ta: Hãy quyết định chớ nên chấp trước. Khi kiến tánh, Ngài nói: “Nào ngờ Tự Tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Nếu trong tâm thanh tịnh có tu và có chứng, sẽ là hai pháp. Tổ bảo pháp sư Ấn Tông: “Phật pháp là pháp bất nhị. Nhị chẳng phải là Phật Pháp”. Hai là mê, một là giác ngộ. Đối với cái một ấy, nếu một là do đối ứng với hai mà chấp một, thì vẫn là mê! Hễ có một bèn có hai, vẫn rớt vào hai pháp. Cái một ấy là cái một tuyệt đối, chẳng phải là một trong tương đối. Một tương đối thì vẫn là mê. Bọn phàm phu chúng ta đọc Đàn Kinh, đọc câu này của Tổ vẫn mê, [bởi lẽ nó] chẳng phải là cảnh giới của chính mình. Câu nói ấy được dẫn khởi như thế nào? Sư Ấn Tông nghe nói Tổ Huệ Năng đắc pháp từ Ngài Hoàng Mai (Ngũ Tổ), muốn hỏi dò: “Thông thường Ngũ Tổ thuyết pháp có nói đến giải thoát và Thiền Định hay không?” Lục Tổ bảo sư: “Thiền định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Chỉ điểm, cảnh tỉnh sư: Trong tâm ông vẫn cầu Pháp bên ngoài. “Hai” chính là cầu pháp ngoài tâm.
“Nhất tâm chẳng dễ hiểu, vì sao?”. Chúng ta thấy nhất tâm, còn có ý niệm: “Đây là nhất tâm”, có một cảnh giới, có một quan niệm, đã chẳng phải nhất tâm từ lâu mất rồi! Đúng là nhất tâm thì trong ấy quyết định chẳng có một niệm. Đó là nhất tâm trì danh, là thật thà niệm Phật. “Có rất nhiều người đến chỗ tôi hỏi này hỏi nọ, tôi dùng một câu để trả lời chung: Đều chẳng phải là thật thà, đều chẳng phải nhất tâm, mà là đang loạn tâm niệm Phật”. Nếu kẻ ấy nhất tâm niệm, lấy đâu ra vấn đề? Tuyệt đối sẽ chẳng có vấn đề nào! Nhất tâm niệm, người ấy sẽ thật sự là thật thà, sẽ chẳng có hỏi ai khác. Đừng nói là họ chẳng cần hỏi tôi, [ngay cả] A Di Đà Phật ngồi nơi đó, người ấy cũng chẳng hỏi, chẳng thưa hỏi một câu nào cả! Hễ còn có khởi tâm động niệm, đều là không thật thà, đều là loạn tâm, chẳng phải là nhất tâm. Do vậy, ở trong ấy có chú tâm lãnh hội: Trong nhất tâm chẳng có tu, chẳng có chứng. Tu và chứng là hai pháp. Hai pháp sẽ chẳng phải là Phật Pháp, lấy đâu ra tu và chứng?