Kinh văn một câu phía sau: “Uy đức quảng đại”. “Uy” là chỉ kính nể, tôn kính Ngài. “Đức” nghĩa là yêu quý hoan hỷ. Bạn xem, vừa yêu quý vừa nể sợ Ngài thì gọi là “uy đức”. Đa số học sinh đối với thầy cô có thể cảm nhận được việc này. Thầy cô có uy đức, học sinh đối với thầy cô rất là kính yêu mà cũng rất sợ. “Quảng đại” thì không phải người bình thường có thể làm được. “Đại” là từ bao dung mà nói, “quảng” cũng có ý nghĩa là “lớn”, nhưng mà ở đây vẫn còn cái ý sâu hơn. Chúng ta học Phật đầu tiên phải đem tâm lượng mở rộng ra, phải có thể bao dung tất cả, nhất định không thể nào cái này tôi thấy không vừa ý, cái kia tôi không hài lòng, việc này không thể nào. Người như vậy không thể nào học Phật, chỉ có thể trồng được một ít thiện căn trong Phật pháp, không vào được cửa. Chúng ta nghĩ xem, chúng ta vào được cửa chưa? Rất khó nói. Nếu như tâm lượng bạn nhỏ thì bạn ở bên ngoài cửa, chưa có vào trong. Đây là sự thật, tuyệt đối không phải nói đùa.
Bạn xem, đạo tràng của Phật giáo chúng ta, nơi giảng Kinh tu học thì gọi là đạo tràng, kiến trúc của nó, những gì thờ cúng bên trong muôn hình vạn trạng đều là giáo học. Kiến trúc, bạn vừa đến đạo tràng này, việc đầu tiên nhìn thấy là sơn môn, điện Thiên Vương. Ở trong điện Thiên Vương, đối diện với cổng chính cúng dường nhất định là Bồ Tát Di Lặc. Tạo tượng của Bồ Tát Di Lặc là theo hình tượng Bố Đại Hòa thượng, đây là các vị tổ sư Đại đức của chúng ta đã làm. Bố Đại Hòa thượng ngồi ở chính giữa, Ngài ngồi ở đó để làm gì vậy? Là Ngài nói với bạn, giống như dáng vẻ của Ngài mới có thể vào cửa Phật. Cái bụng của Ngài rất lớn, có thể dung chứa, đối với tất cả mọi người thì cười híp mắt, tuyệt đối không có việc ghét người này, ghét cái kia. Các vị hãy suy nghĩ cái ý vị này. Không phải bạn vui cười với người này mà lại làm mặt ngầu với người nọ, vậy bạn chưa có vào cửa Phật. Người vào cửa Phật, bất luận đối với một người như thế nào, nhất định là vui cười với người, nhất định là bao dung tất cả, thì bạn mới có thể vào cửa Phật. Không phải vào cái cửa hình thức mà là vào cửa thực chất.
Cửa thực chất có nghĩa là gì? Quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, Đại thừa Sơ tín vị Bồ Tát. Bạn có thể chứng được Sơ tín vị Bồ Tát, chứng được quả Tiểu thừa Tu Đà Hoàn, bạn mới coi là vào cửa. Suy nghĩ xem, chúng ta đã vào hay chưa? Chưa vào cửa! Nhìn thấy người vẫn còn thấy không vui, cho nên học Phật học hết bao nhiêu năm mà vẫn còn ở ngoài cửa Phật. Nhìn thấy bức tường cửa Phật mà vào chưa được, y phục thì đã mặc lên rồi nhưng vẫn bên ngoài cửa. Cái y phục này là người ở bên trong cửa mặc, chúng ta ngày nay cũng mặc lên y phục của họ, đích thực lại chưa vào cửa, vậy mặc bộ y phục này có cảm thấy hổ thẹn hay không? Mặc bộ y phục này nghĩa là “ta muốn vào cửa”, nhưng mà bạn có vào được hay không? Nên nhớ phải mở rộng tâm lượng, phải đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh, chung sống hòa thuận, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, như vậy chúng ta mới có thể vào được cửa.