Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

In kinh, tạo tượng, lưu thông Phật pháp là phước báo đệ nhất nhân gian, có thể tiêu trừ nghiệp chướng chính mình

Sự linh ứng của Địa Tạng Bồ Tát
Hiện tại chúng ta, thiện nam tử thiện nữ nhân là người tu phước, ‘bố thí cúng dường’, ‘tu bổ tháp tự’, ‘trang lý kinh điển’, là những nghiệp thiện mà họ tu, việc thiện mà họ làm, hiện nay có nhiều người không biết những việc thiện này, sơ sót hết. Thí dụ nói chuyện in kinh, tạo tượng Phật, nhiều người giàu sang, có địa vị, thế lực trên thế gian nghe xong họ bèn cười mỉa mai nói đó là mê tín, họ đối với những chuyện này không ra sức [dù nhẹ như] một cọng tóc mà còn khuyên người khác đừng làm việc này. ‘Đó là mê tín, bạn làm việc đó làm chi, làm vậy có ích gì?’, họ đề xướng việc gì? Họ tán thán việc cứu tế xã hội, từ thiện xã hội, họ rất sốt sắng nỗ lực làm việc cứu trợ chúng sanh chịu khổ nạn trong xã hội, cứu tế những chúng sanh đang chịu bịnh khổ, hiện nay gọi là sự nghiệp từ thiện phước lợi. Vì xã hội đề xướng, chính phủ coi trọng, phần tử trí thức tán thán, do đó đệ tử trong nhà Phật cũng làm theo, coi chuyện này là công chuyện chính thức, và coi Phật pháp là công chuyện phụ, cho rằng chúng ta học Phật tức là phải làm sự nghiệp phước lợi xã hội, làm cho người đời tán dương. Chuyện này đúng hay không? Không thể nói không đúng, nhưng cũng không thể nói hoàn toàn đúng. Câu này nghĩa là sao? Sự nghiệp phước lợi xã hội là chuyện phải làm, phước lợi của Phật pháp chẳng có người biết, mọi người đều đi làm sự nghiệp từ thiện, có thể cứu vãn xã hội hay không? Không thể, xã hội vẫn hướng đến động loạn. Lợi ích của Phật pháp là dạy con người dứt ác tu thiện, giải quyết vấn đề từ căn bản, mục tiêu là nhằm làm cho xã hội này được vĩnh viễn thịnh trị, yên ổn, giúp chúng sanh giác ngộ, bỏ hết phiền não, bỏ hết dục vọng, mở mang trí huệ đức năng của tự tánh.
Làm việc từ thiện, cứu người bị bịnh khổ, nếu có phương pháp làm cho người không bịnh không khổ, có phải là hay hơn là đi cứu khổ hay không! Có phương pháp đó không? Có chứ, Đại Thừa có thể cứu hết thảy chúng sanh không bịnh không khổ. Giáo học Phật pháp thường dùng hai câu tỏ rõ tông chỉ ‘phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui’. Sự nghiệp từ thiện là cứu khổ, còn chưa được vui, chỉ làm mức khổ giảm bớt và dời lại về sau mà thôi, chẳng có cách chi làm được vui. Vui là sau khi giác ngộ xong họ mới được vui, tâm khai ý giải, pháp hỷ sung mãn, việc này phải nhờ Phật pháp. Trong kinh đức Phật nói bố thí cúng dường, tu bổ tháp tượng, ấn tống kinh điển trong nhà Phật là phước báo hạng nhất trên thế gian. Các bạn nói từ thiện cứu tế, thì đây là việc từ thiện cứu tế rốt ráo viên mãn nhất trên thế gian và xuất thế gian, cứu pháp thân huệ mạng của người, cứu con người vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Không chỉ là tam ác đạo, giúp người trong một đời siêu việt mười pháp giới, làm Phật, làm Bồ Tát, sự nghiệp từ thiện gì trên thế gian có thể sánh bằng? Trên lịch sử trong và ngoài nước xưa nay chẳng thiếu nhà từ thiện, họ đem ra rất nhiều tài vật để cứu trợ xã hội. Phước báo của họ còn có hạn, ngay lúc đó có người tán thán, sau đó thì người ta bèn quên mất, thậm chí muốn tra tìm trong lịch sử cũng tìm không ra, cũng tiêu mất theo mây khói. Người theo đuổi sự nghiệp giáo học, bạn coi đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Lão Phu Tử ở Trung Quốc, hai vị này lúc còn tại thể chẳng có tiền tài, chẳng có thí tài, các Ngài chỉ thí pháp, thí vô úy. Nếu nói tài bố thí? Các Ngài dùng thể lực, lao lực, trong Phật pháp gọi là nội tài bố thí, truyền đến nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm, người thế gian hiện nay nghe đến tên các Ngài đều hoan hỷ, tán thán. Nghiệp nhân, quả báo thù thắng tỏ rõ trước mắt chúng ta.
Chúng ta phải biết, khi bố thí tài vật thì người ta sẽ có được lợi ích nơi thân, bố thí pháp thì người ta sẽ có được lợi ích nơi tâm, tâm được lợi ích thì thân chắc chắn sẽ được lợi ích, nhưng khi thân được lợi ích thì tâm chưa chắc đã được lợi ích. Trong tâm chẳng lìa phiền não, lo lắng, vọng tưởng phân biệt chấp trước, đây là việc mà bố thí tài vật tuyệt chẳng thể làm nổi. Pháp bố thí có thể phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, có thể giúp người ta vĩnh viễn buông bỏ phiền não, cho dù thân này có nghèo hèn, họ cũng vui sướng. Nhan Hồi là học trò của Khổng Phu Tử, ông là một thí dụ [điển hình], ông vô cùng nghèo hèn nhưng sinh sống vô cùng vui sướng. Ngày nay có một số bạn đồng tu nghe đến Phật pháp, tâm khai ý giải, được lợi ích của Phật pháp, bạn tặng tiền tài cho những người này họ không lấy, họ chẳng mong muốn những thứ này. Tiền tài họ có thể không cần, họ chỉ cần Phật pháp, khi bạn tặng cho họ một cuốn kinh, một cuộn băng, họ coi như trân bảo, coi như đồ quý vô giá, những người này đã giác ngộ, trong Phật pháp gọi là đã khai ngộ rồi. Những người này chắc chắn sẽ thành công trong hiện tại, lìa khổ được vui. Lìa khổ được vui chẳng ở chỗ giàu sang, tương lai chắc chắn có thể vãng sanh bất thoái thành Phật, chư vị nghĩ coi có sự bố thí cúng dường nào sánh bằng?
Rất đáng tiếc là nhiều người trong thế gian không biết, [mặc dù] họ không biết, chúng ta không thể trách họ, chúng ta phải quay trở lại trách chúng ta, tại sao họ không biết? Chẳng có ai nói cho họ biết thì họ làm sao biết được? Do đó quảng đại quần chúng trong xã hội ngày nay hiểu lầm Phật giáo, lỗi này là lỗi của ai? Lỗi này là người xuất gia chúng ta chẳng làm tròn trách nhiệm, chúng ta có lỗi đối với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có lỗi đối với các vị tổ sư truyền pháp trong nhiều đời, chúng ta chẳng làm tròn trách nhiệm. Người xuất gia chuyên làm việc gì? Hoằng pháp lợi sanh, mọi người đều biết, bạn cũng biết nói. Bạn đã làm tròn việc hoằng pháp lợi sanh hay chưa? Bạn làm sao? Sơ sót rồi, do đó lỗi lầm là của chúng ta. Không những có lỗi đối với Phật tổ, chúng ta cũng có lỗi đối với quảng đại chúng sanh, làm cho họ hiểu lầm, làm họ bỏ qua cơ hội tu phước trước mắt. Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật, tự mình phải sám hối, phải sốt sắng nỗ lực tu học, tận tâm tận lực giới thiệu Phật pháp cho quần chúng, cho hết thảy chúng sanh, đó mới là sám hối thật sự, mới có thể tiêu trừ tội nghiệp quá khứ của mình.
Trích “Địa tạng bồ tát bổn nguyện kinh giảng ký – tập 39” HT.Tịnh Không
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *