Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Hàng Thập Địa Bồ Tát từ đầu đến cuối chẳng rời niệm Phật

Trong Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Địa Thượng Bồ Tát từ Sơ Địa đến địa vị thứ mười một (Đẳng Giác Bồ Tát) “thỉ chung chẳng rời niệm Phật”. Khai thỉ (mở đầu) của Địa Thượng Bồ Tát là Sơ Địa, chung cục là Đẳng Giác Bồ Tát, mười một địa vị như thế từ đầu đến cuối tức là từ Sơ Địa đến Đẳng Giác, các Ngài đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bởi thế, các vị thuộc các địa vị này không có vấn đề gì. Mã Minh, Long Thọ đều là Địa Thượng Bồ Tát. Người minh tâm kiến tánh nếu thuộc địa vị Tam Hiền thì không thấy người ấy niệm Phật; nhưng nếu [vị nào] đăng địa (đã chứng từ Sơ Địa trở lên), nhất định [vị đó] niệm Phật. Vì thế, kinh Đại Thừa thường nói: “Thập Địa Bồ Tát thỉ chung bất ly niệm Phật” (Hàng Thập Địa Bồ Tát từ đầu đến cuối chẳng rời niệm Phật). Pháp môn chẳng thể nghĩ bàn! Đại sư Ngẫu Ích nói “Pháp môn niệm Phật là pháp môn thâm diệu, phá sạch hết thảy hý luận, chặt đứt hết thảy ý kiến, chỉ có những bậc như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh mới triệt để gánh vác được. Ngoài ra, những kẻ thế trí biện thông, tận sức suy lường, càng suy lường, càng cách xa. Lại chẳng bằng kẻ ngu phu ngu phụ chắc thật niệm Phật, có thể ngầm thông với Phật trí, thầm hợp diệu đạo”.
Pháp môn Tịnh Độ được gọi là “nhị lực pháp môn”: Tự Lực và Tha lực. Tha Lực là A Di Đà Phật, “hựu trượng Di Đà từ bi nguyện lực” (lại nương vào nguyện lực từ bi của A Di Đà Phật), đó là Tha Lực. “Trượng” là nhờ cậy, phải làm sao mới hòng nhờ cậy nguyện lực của A Di Đà Phật? Dùng tịnh nghiệp của chúng ta để cảm lấy nguyện lực của A Di Đà Phật. Tịnh nghiệp của chúng ta là Năng Cảm, nguyện lực từ bi của A Di Đà Phật là Năng Ứng, cảm ứng đạo giao! Hết thảy chúng sanh do nghiệp lực cảm lấy Thập Ác; vì thế, phải quán sát kỹ càng, nếu thân – khẩu – ý chẳng lìa Thập Ác thì phiền lắm! Thập Ác cảm được gì? Quả báo khổ sở trong tam đồ! Thập Thiện khiến quý vị cảm được vui sướng và phước báo nơi ba đường lành trong sáu đường; nhưng không thoát khỏi luân hồi lục đạo. Vì thế, tịnh nghiệp quan trọng lắm!
Trong tâm là A Di Đà Phật, miệng niệm A Di Đà Phật, hết thảy tạo tác nơi thân chẳng lìa A Di Đà Phật. Tạo tác nơi thân như thế nào mới gọi là chẳng lìa A Di Đà Phật? Những giáo huấn trong Vô Lượng Thọ Kinh và Quán Kinh được biểu hiện nơi hành vi của chúng ta; đó là không lìa A Di Đà Phật! A Di Đà Phật dạy chúng ta làm sao, chúng ta cứ làm như thế ấy, dạy ta đừng làm điều gì, chúng ta nhất định không làm! Như vậy là đúng! Niệm niệm cảm ứng đạo giao như thế, chính là “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, “sở dụng chi công, quyết định bất hư” (công phu đã vận dụng quyết chẳng luống uổng). “Công” ở đây là công phu, đến lúc lâm chung, lúc thọ mạng sắp chấm dứt, Phật bèn đến. “Phật cập thánh chúng, hiện tiền ủy đạo” (đức Phật và thánh chúng hiện trước mặt vỗ về, chỉ dạy). “Ủy” là an ủi, Phật đến an ủi, Phật đến dẫn dắt, tức là tiếp dẫn quý vị. Bởi thế, quý vị chẳng bị điên đảo, tâm không bị loạn, nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo, tự tại vãng sanh! Tiếp đó là lời đại sư Ngẫu Ích cực lực tán thán pháp môn này:
“Pháp môn thâm diệu”: “Thâm” là Lý sâu, chúng ta không có cách gì hiểu thấu đáo; “diệu” là Sự diệu, Tướng diệu, phương pháp xảo diệu, “phá tận nhất thiết hý luận, trảm tận nhất thiết ý kiến” (phá sạch hết thảy hý luận, chặt đứt hết thảy ý kiến). Hai câu này là nói thật đấy, Ngẫu Ích đại sư nêu ra những điều khó thể nói được lắm, vì nếu không nhập cảnh giới này, sẽ không thể nói ra những lời ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Phá sạch hết thảy hý luận, hý luận là gì? Thưa cùng quý vị, hết thảy những gì chư Phật giảng kinh, thuyết pháp, nếu đem so với pháp môn Niệm Phật chúng đều là hý luận cả, không thể so sánh được! Tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng dễ tu, rất khó học tập, vẫn phải tốn thời gian rất dài; pháp môn này lại quá nhanh chóng, một đời thành tựu. Bởi thế, nó ổn thỏa, thích đáng, đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng; thành thử, các pháp môn khác đương nhiên bị coi là hý luận. Chữ “hý luận” chỉ Phật pháp, có nghĩa là pháp xuất thế gian; chữ “ý kiến” chỉ các pháp thế gian. Như vậy, hai câu này có nghĩa là [pháp môn Tịnh Độ] siêu việt hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, pháp môn thâm diệu quá! Hết thảy pháp thế gian hay xuất thế gian đều chẳng thể sánh bằng!
“Duy Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh chi lưu, triệt để đảm hà đắc khứ” (chỉ có những bậc như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh mới triệt để gánh vác được). Ai mới có thể tin nổi pháp môn này? Ai có thể chết lòng sát đất tu tập pháp môn này? Ngẫu Ích đại sư chỉ nêu tượng trưng vài vị trong số các tổ sư: Mã Minh Bồ Tát và Long Thọ Bồ Tát là người Ấn Độ, nêu tên hai vị trong số các tổ sư cổ Ấn Độ. Lịch đại tổ sư Trung Quốc cũng chỉ nêu hai vị: Trí Giả đại sư và Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư. Trí Giả và Vĩnh Minh đều ở tại Chiết Giang, Trí Giả đại sư ở núi Thiên Thai; Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư ở Hàng Châu, là tổ thứ sáu của Tịnh Tông. Chỉ có những vị như vậy, các Ngài thực sự chứng được quả vị Bồ Tát, không phải là Bồ Tát tầm thường mà là Pháp Thân Bồ Tát, đều đạt quả vị Pháp Thân Bồ Tát. Thế nhưng chúng ta phải biết: Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật tái lai, ứng hóa trở lại; Vĩnh Minh Diên Thọ là A Di Đà Phật ứng hóa, cổ Phật tái lai! Các Ngài mới triệt để “đảm hà đắc khứ” (gánh vác nổi), gánh vác là tiếp nhận hoàn toàn, không một mảy ngờ vực, y giáo phụng hành.
“Kỳ dư, thế trí biện thông” (Ngoài ra, những kẻ thế trí biện thông): Ngoài ra là những kẻ có trí huệ thế gian, người rất thông minh, người khéo ăn nói nhất. Tiếp đó, Tổ nêu mấy thí dụ: “Thông Nho, Thiền khách”, các vị thông đạt kinh luận của bách gia chư tử thì gọi là “thông Nho”, chúng ta thường gọi là bậc “đại Nho”. “Thiền khách” là tổ sư đại đức trong Tông môn. “Tận tư lượng độ, dũ thôi dũ viễn” (Tận sức suy lường, càng suy lường, càng cách xa): Nếu những người ấy suy lường, nghiên cứu, thảo luận những kinh sách Tịnh Độ thì càng nghiên cứu chẳng những không thể hiểu nổi sự thâm diệu của pháp môn này mà ngược lại còn lạc xa hơn nữa. Vì sao? Pháp môn này là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, tuyệt đối chẳng thể dùng tư tưởng, suy tư, khảo sát, nghiên cứu để thấu hiểu được, tuyệt đối chẳng thể bàn luận suông để hiểu rõ được. Vì sao? Vì đó là cảnh giới Phật, cảnh giới thuộc về quả địa Như Lai. Đức Phật nói rất rõ, “duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có mình Phật với Phật mới hiểu được rốt ráo”). Đối với pháp môn này, có thể dùng tỷ dụ để nói về Đẳng Giác Bồ Tát như sau: “Do như cách la vọng nguyệt” (giống như ngắm trăng qua một lớp the). Đẳng Giác Bồ Tát còn như thế, huống chi là phàm phu!
Từ ngữ “thông Nho, Thiền khách” chỉ những kẻ chưa kiến tánh. Dẫu có kiến tánh thì kiến tánh có phẩm vị bất đồng, trong minh tâm kiến tánh có đến bốn mươi mốt địa vị, gọi chung là Tam Hiền Thập Thánh. Đã chứng Thập Thánh thì không có vấn đề gì, chứ còn thuộc trong Tam Hiền thì vẫn chưa được. Vì sao Thập Thánh không có vấn đề gì? Đọc kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Địa Thượng Bồ Tát từ Sơ Địa đến địa vị thứ mười một (Đẳng Giác Bồ Tát) “thủy chung chẳng rời niệm Phật”. Khai thỉ (mở đầu) của Địa Thượng Bồ Tát là Sơ Địa, chung cục là Đẳng Giác Bồ Tát, mười một địa vị như thế từ đầu đến cuối tức là từ Sơ Địa đến Đẳng Giác, các Ngài đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; bởi thế, các vị thuộc các địa vị này không có vấn đề gì. Mã Minh, Long Thọ đều là Địa Thượng Bồ Tát. Người minh tâm kiến tánh nếu thuộc địa vị Tam Hiền thì không thấy người ấy niệm Phật; nhưng nếu [vị nào] đăng địa (đã chứng từ Sơ Địa trở lên), nhất định [vị đó] niệm Phật. Vì thế, kinh Đại Thừa thường nói: “Thập Địa Bồ Tát thỉ chung bất ly niệm Phật” (Hàng Thập Địa Bồ Tát từ đầu đến cuối chẳng rời niệm Phật). Pháp môn chẳng thể nghĩ bàn!
“Hựu bất nhược ngu phu ngu phụ lão thật niệm Phật giả, vi năng tiềm thông Phật trí, ám hợp diệu đạo dã” (Lại chẳng bằng kẻ ngu phu ngu phụ chắc thật niệm Phật, có thể ngầm thông với Phật trí, thầm hợp diệu đạo). Thật vậy! Chúng ta không bằng những ông bà già cả nhà quê, chúng ta thua xa họ! Dẫu họ chuyện gì cũng không biết, cũng chẳng nghĩ ngợi, hiểu biết gì, dạy họ thật thà niệm Phật, họ bèn thật thà niệm Phật; dạy họ đoạn ác tu thiện, họ bèn thật thà chất phác đoạn ác tu thiện, thực sự thành công. Cách tu hành như vậy “tiềm thông Phật trí, ám hợp diệu đạo” (ngầm thông với Phật trí, thầm hợp diệu đạo). Dẫu chưa học qua, nhưng tâm hạnh họ lại rất ngầm khế hợp với pháp môn thâm diệu này; vì thế, họ có thể thành tựu. Họ thành tựu phẩm vị cao hay thấp cũng chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta không có cách gì suy lường được hết. Những người như vậy chẳng tầm thường đâu nhé, thiện căn trong đời quá khứ rất sâu dầy!
Cuối cùng là lời tổng kết: “Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn” (ta thấy điều lợi ấy, nên nói lời này). “Ta” ở đây là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng, Thích Ca Mâu Ni Phật trông thấy sự lợi ích đó, vì thế Ngài nói ra. Ngẫu Ích đại sư nói: “Phân minh dĩ Phật nhãn, Phật âm, ấn định thử sự, khởi cảm vi kháng, bất thiện thuận nhập dã tai?” (Phân minh dùng mắt Phật, tiếng Phật để ấn định việc này, há dám chống báng, chẳng ngoan ngoãn theo vào ư?) Nếu quý vị thực sự là đệ tử của Phật, quý vị phải hiểu ý nghĩa sâu xa của câu kinh văn này, vì sao? Điều do chính mắt đức Phật thấy, do chính miệng đức Phật nói, tức là đức Phật đã khẳng định dứt khoát chuyện A Di Đà Phật đến tiếp dẫn vãng sanh rồi. Nếu chúng ta trái nghịch, chẳng tuân thủ lời Phật dạy, tức là chúng ta chẳng thuận theo ý Phật, chẳng chấp thuận Phật dạy dỗ thì chẳng phải là đồ đệ của Phật. Đồ đệ của Phật há chẳng vâng lời, làm theo lời thầy dạy ư? Tùy thuận Phật, Bồ Tát dạy dỗ, chắc chắn thành tựu. Không tùy thuận là không có cách chi hết, phải luân hồi dài lâu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *