Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Gặp duyên chẳng đồng

Tâm Bồ Đề
Tập khí phiền não của chúng ta rất không dễ gì đoạn. Có thể đoạn được hay không? Quyết định có thể đoạn được. Phải làm thế nào mới có thể đoạn được? Vậy vẫn là lời nói của Đại Sư Thiện Đạo: “Gặp duyên chẳng đồng”. Nếu như chúng ta gặp được duyên thù thắng thì chúng ta rất có khả năng đoạn. Duyên gì vậy? Ngày ngày nghiên cứu Đại Kinh Đại Luận, mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở chúng ta thì có khả năng đoạn trừ.
Một ngày không đọc Kinh thì Bồ Đề liền suy, phiền não liền thêm lớn. Ba ngày không đọc Kinh thì hoàn toàn thoái chuyển, liền quay trở lại. Do đó người thời trước có duyên sâu, ngày ngày đọc Kinh, ngày ngày niệm Phật, từ đầu năm đến cuối năm đều không gián đoạn, cho nên tính cảnh giác của họ rất cao, mỗi giờ mỗi phút đều có thể nhớ ra được, dần dần chầm chậm phiền não chuyển biến thành Bồ Đề, giác ngộ rồi, chân thậtphá mê khai ngộ.
Hiện tại thời gian chúng ta đọc Kinh quá ít, thời gian niệm Phật quá ít, đem niệm Phật tụng Kinh xem thành buổi điểm tâm, không phải là bữa cơm chính, tham-sân-si-mạn là bữa ăn chính.
Chúng ta nhất định phải ghi nhớ, nếu chúng ta muốn học Phật, muốn vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mà không phá phiền não thì không được. Bạn thật muốn phá phiền não thì tôi ở ngay đây nhắc nhở bạn: “Tâm không được có ác niệm”. Cái gì là ác? Đó là mười ác: “Sát, đạo, dâm, vọng ngữ, hai lưỡi, ỷ ngữ, ác khẩu, tham, sân, si”. Việc này mọi người dễ ghi nhớ.
Tâm không có ác niệm, mười ác niệm này chân thật không còn, cũng không tà tư, khởi tâm động niệm đối với người, với việc, với vật là một mảng chân thành, cung kính, từ bi, quyết định không có một chút ý niệm chiếm tiện nghi lợi ích của người khác (vì đó là tà tư). Vĩnh viễn giữ gìn quyết không xâm hại người khác. Ta phải nên xả mình vì người. Người khác xâm chiếm của ta, ta không nên để ý đến, bố thí Ba La Mật cúng dường họ, chúng ta quyết không xâm chiếm chút gì lợi ích của người khác.
Miệng không nói lời ác, thân không tà hạnh, mỗi niệm quan tâm xã hội, quan tâm chúng sanh, thương yêu xã hội, thương yêu chúng sanh, toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội này, giúp đỡ tất cả chúng sanh. Chúng ta phải có cái tâm này. Bạn có thể giữ cái tâm này, có thể tu hành như vậy thì nhất định được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, phiền não của bạn liền sẽ ít đi.
Trích từ bài giảng Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 33-34).
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *