Người xưa thường nói: “Xử lý việc đã khó, đối đãi với người càng khó hơn”. Con người đều là phàm phu, tâm của phàm phu thay đổi khó lường, ý niệm của phàm phu tùy theo cảnh giới thay đổi, đương nhiên ở chung càng khó khăn, nguyên tắc duy nhất chính là nhường nhịn.
Phải mở rộng tâm lượng của chính mình, học có thể dung nhẫn, nhường nhịn, tránh đi tất cả xung đột, va chạm, gìn giữ tinh thần giới luật “sáu phép hòa kính” của đạo tràng. Gìn giữ “sáu phép hòa kính” chính là nhường nhịn; không thể nhường, không thể nhịn, hòa kính liền bị phá hoại, đây chính là “Phá hòa hợp tăng” trong giới luật đã nói.
Trong năm tội lớn cũng có tội “Phá hòa hợp tăng”, đây là nghiệp nhân đọa A Tỳ Địa Ngục. Trong năm tội lớn, bốn tội khác không dễ phạm phải, riêng tội này rất dễ phạm, hơn nữa phạm lúc nào cũng không hề hay biết; Chỉ có người một lòng hướng đạo, người có thể nhường nhịn, mới có thể tránh được.
Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân chánh tu hành, không thấy lỗi thế gian”. Chỉ vì việc lớn sanh tử, cho nên có tâm cảnh giác cao đến như vậy! Một lòng một dạ muốn liễu thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi, mọi thứ trên thế gian không liên quan gì đến họ. Tất cả thuận cảnh, nghịch cảnh đều tùy thuận, lấy việc liễu sanh tử làm trọng yếu. Người niệm Phật chúng ta lấy việc vãng sanh là quan trọng bậc nhất; ngoài việc cầu vãng sanh ra, không có bất cứ một việc gì đáng để ở trong tâm.
Người chân thật từ bi, khi thấy đồng tham đạo hữu làm trái quy định, phá giới, làm ác, không những phải bao dung tha thứ, mà còn phải dùng trí huệ, sự khéo léo để cảm hóa họ, đây chính là đại từ đại bi.
Kinh có bốn loại: “Giáo, Lý, Hành, Quả”, “Hành kinh” là yêu cầu chúng ta thực sự làm đến được. Chúng ta thực sự có thể dùng tâm “chân thành, cung kính” để tu học, vì chúng sanh phục vụ, nhất định sẽ được pháp hỷ sung mãn, sẽ được tâm thanh tịnh. Có thể lấy tâm chân thành, cung kính vì tất cả chúng sanh phục vụ, chính là tu học Đại thừa.
Phật dạy bảo Bồ tát tu hành, chính là dạy Bồ tát phải nghĩ nhiều vì chúng sanh, phải làm nhiều vì chúng sanh, đây chính là Bồ tát đạo, Bồ tát hành. Nghĩ nhiều vì chúng sanh là Bồ tát đạo, làm nhiều vì chúng sanh là Bồ tát hành, Phàm phu khởi tâm động niệm nơi nơi vì chính mình mà nghĩ, vì chính mình mà làm, cho nên khác biệt của Phật Bồ tát cùng phàm phu ở tại chỗ này.
Chúng ta giúp đỡ người khác, cho dù là cá nhân, đoàn thể, hay đạo tràng, phải ghi nhớ lời giáo huấn của Đại sư Thiện Đạo: “Tất cả từ trong tâm chân thành mà làm”, không thể làm giả. Khác biệt giữa Phật pháp và Thế pháp chính là ở “chân” và “giả”; Phật pháp là chân thật, tâm là chân thật, cho nên tất cả đều là chân thật; Tâm của người thế gian là “hư tình giả ý”, cho nên tất cả đều là “hư vọng”, đây gọi là “Vạn pháp duy tâm, vạn pháp duy thức” (Vạn pháp ở nơi tâm, vạn pháp ở nơi thức).
Chúng ta xem thấy Triệu Duyệt Đạo trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Ông mỗi ngày đều phản tỉnh, mỗi ngày đều kiểm điểm, tìm ra lỗi lầm của chính mình để sửa đổi, không để tái phạm.
Người học Phật hiện nay, trên miệng thì đàm huyền thuyết diệu, công phu thực tế trái lại hoàn toàn không có, cho nên thường thường thành tựu của người xuất gia không được như người tại gia.
Người tại gia học Phật, thực tế có một số người thực sự là tất cả đều buông xả, trái lại người xuất gia học Phật, lời trên miệng đều là Phật pháp, đều là đàm huyền thuyết diệu, thế nhưng trong tâm nghĩ tưởng, cho đến hành động tạo tác, đều là nghiệp sáu cõi luân hồi. Nói ra là “phá mê khai ngộ”, mà trên thực tế, việc làm ra hoàn toàn là “mê hoặc điên đảo”.
Công phu chân thật phải từ nơi kiểm điểm lỗi lầm mà làm, mà cái tiêu chuẩn này, chính là giáo huấn ở trong kinh điển. Cho nên phải đem kinh học thuộc, chính là nhớ lấy tiêu chuẩn, nếu không nhớ được tiêu chuẩn này, không thể phân biệt được phải trái tốt xấu, vẫn cứ là đem cái sai xem như đúng, cái đúng cho là sai, đây chính là “đảo lộn sai lầm”. Cho nên kinh nhất định phải thuộc, phải nghiêm túc tự cứu mình.
Trích từ: TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC || Chương 1 Bài 2 Mục 3: Luận Tồn Tâm Lập Phẩm
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍卍
NGUYỆN NGƯỜI THƯỜNG NHỚ PHẬT, NIỆM PHẬT, LỄ PHẬT, PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH CẦU SANH TỊNH ĐỘ A DI ĐÀ PHẬT!!!
Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.
Rộng cứu chúng sanh là cúng dường Chánh giác.