Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nguyên tắc tu hành – Nguyên tắc tu học

Lão PS Tịnh Không làm việc
Nguyên tắc tu hành là “khuất phục phiền não, đoạn phiền não, phá vô minh”. Nguyên tắc tu học là phải “tăng trưởng công phu định lực, tăng trưởng tâm thanh tịnh, tăng trưởng trí huệ” của chúng ta.
Tu hành phải hiểu lý luận, phương pháp, còn phải biết cảnh giới. Biết cảnh giới giống như biết đường, biết rõ ràng công phu của chính mình đạt đến trình độ nào, con đường trước mặt phải đi như thế nào, còn bao xa, cũng phải biết thật rõ ràng, quyết chẳng lạc lối. Có những người chẳng dốc công phu nơi Định – Huệ, ở đâu cũng khoe khoang chính họ đã khai ngộ, lại còn muốn thỉnh đại pháp sư ấn chứng cho mình, thỉnh thượng sư Mật Tông ấn chứng. Đúng là mê! Ấn chứng cho kẻ ấy: “Người này khai ngộ! Kẻ kia chứng quả!” Kết quả toàn là giả! Do vậy, người hiểu lý thật sự phân biệt chân, vọng, tà, chánh, đúng, sai, quyết chẳng mê lầm phương hướng, chẳng bị kẻ khác lừa gạt, chẳng bị người ta đùa bỡn.
Hiện thời, kẻ gạt người rất đông, nhưng rất nhiều người bằng lòng bị gạt, nói lời thật với họ, họ không nghe, chẳng tin tưởng. Nói lời giả với họ, gạt gẫm họ, họ hết sức vui thích. Thậm chí kẻ gạt người nói: “Ông đến học với tôi, học mấy bữa tôi sẽ thọ ký cho ông: Ông là Bồ Tát này, chứng quả vị nọ”. Người ấy bèn đem hết của cải tích cóp trong nhà dâng cúng cho hắn. Những gã [lừa bịp] ấy chẳng sợ nhân quả báo ứng! Nếu những người ấy trong tương lai không chứng quả, bị gạt, thì thiếu nợ vẫn phải trả, thiếu nợ thì phải trả nợ, thiếu mạng phải đền mạng, đã khiến cho Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh bị lầm lỡ, lại còn gạt gẫm tài vật, biết làm sao nữa! Hiện thời, trong thế gian hiện nay, hiện tượng này chẳng phải là không có, chúng ta học Phật phải chú ý, cẩn thận, phải biết phán đoán. Phương pháp duy nhất để phán đoán là đọc kinh, đối chiếu những điều kẻ ấy nói hay viết với kinh điển. Nếu trong mười câu có chín câu gần như đúng mà có một câu đáng đặt dấu hỏi thì toàn bộ đều có vấn đề!
Thủ đoạn của bọn gạt người rất xảo diệu, biến giả thành chân, người sơ học thường chẳng phân biệt chân và vọng, thoạt nhìn ngỡ là thật; thật ra, trong ấy có xen lẫn giả, chúng ta phải cẩn thận điều này. [Thủ đoạn] càng cao minh thì càng khó phân biệt. Kinh Lăng Nghiêm từ quyển Tám trở đi, kinh văn chiếm đến một quyển rưỡi nhằm giảng về năm mươi thứ Ấm Ma. Cảnh giới ma hiện tiền, chắc chắn quý vị coi nó là cảnh giới Phật.
Đối với bản lãnh hiện thời của chúng ta, nếu cảnh giới nào hiện tiền sẽ không có cách nào biện định được, nhất định sẽ bị gạt, đối với người tu hành chúng ta mà nói thì công phu sẽ vứt sạch, đáng tiếc lắm! Do vậy, cái hay của kinh Lăng Nghiêm là cảnh tỉnh chúng ta: Trong thế giới này, yêu ma quỷ quái quá nhiều, chỗ nào cũng có. Quý vị nhận biết chúng thì chúng nó sẽ không làm gì quý vị được! Nếu quý vị hiểu nguyên tắc tu hành, sẽ chẳng bị chúng nó lừa gạt. Nguyên tắc tu hành là “khuất phục phiền não, đoạn phiền não, phá vô minh”. Nguyên tắc tu học là phải “tăng trưởng công phu định lực, tăng trưởng cái tâm thanh tịnh, tăng trưởng trí huệ của chúng ta”. Có như vậy mới chẳng bị gạt! Nương vào Giới, Định, Huệ, thành tựu Văn, Tư, Tu; con đường ấy quyết định chính xác. Trong kinh luận, hết thảy chư Phật, Bồ Tát đều chỉ dạy chúng ta như thế. Khôi phục bổn tánh là như thế nào? Làm thế nào để thành tựu cái tâm thanh tịnh? Ý nghĩa ấy chính là “chuyển Ngũ Trược thành cõi Thanh Thái”, trong quyển cuối cùng của bộ sách này có một đoạn Sớ Sao rất dài nhằm thảo luận vấn đề này.
Trích từ bài giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa tập 18
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Xin thường niệm
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tẩt cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *