Pháp môn niệm Phật của chúng ta cũng là tu chỉ quán. Trong niệm Phật đường thường hay nhắc nhở mọi người “buông xả vạn duyên”, đó là “chỉ”; “đề khởi Phật hiệu”, đây chính là “quán”. Từ đó cho thấy, “chỉ quán” chính là Thiền định. Niệm Phật đâu có phải là không tu Thiền?
Thế Tôn ở trong kinh Đại Tập nói cho chúng ta biết, pháp môn niệm Phật là “vô thượng thâm diệu Thiền”, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên không có Thiền định thì chắc chắn không thể khai trí tuệ. Chúng ta biết, pháp môn niệm Phật thật sự là “vô thượng thâm diệu Thiền”, bạn còn khởi tâm động niệm muốn đi học Thiền, muốn đi ngồi Thiền, vậy là sai rồi. Bạn đã và đang tu “vô thượng thâm diệu Thiền” nhưng bạn không biết, không biết sự thù thắng của pháp môn mình đã tu…
Phật ở trong Kinh Đại Tập nói được rất rõ ràng “trì danh niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền”: Chỉ dùng câu Phật hiệu này để dập tắt hết tất cả vọng niệm. Thật biết dụng công thì phải dùng như thế nào? Khi ý niệm vừa khởi lên, cho dù cái ý niệm này là niệm thiện hay là niệm ác, chỉ cần một ý niệm vừa khởi lên thì A Di Đà Phật, liền quay lại với A Di Đà Phật, đó gọi là biết niệm, không để cho ý niệm của bạn tiếp nối, cho nên người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Niệm là ý niệm khởi lên, thiện niệm ác niệm đều không hề gì, nó sẽ khởi tập khí nhưng khi nó vừa khởi lên lập tức liền giác ngộ, cái gì gọi là giác ngộ? Một câu A Di Đà Phật chính là giác ngộ, đánh chết cái ý niệm này đi, đổi thành A Di Đà Phật, khi không khởi niệm thì không khởi A Di Đà Phật cũng không hề gì, vừa có ý niệm, cái ý niệm thứ hai thì là A Di Đà Phật, con người này công phu liền có lực, con người này niệm Phật thì nắm chắc vãng sanh Thế Giới Tây Cực Lạc, cho nên chúng ta có thể vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc hay không, chỉ cần xem chính chúng ta nghĩ lại xem có được cái công phu này không? Không có công phu này thì vọng niệm nối nhau, niệm niệm tiếp nối vậy thì phiền phức, vậy thì làm sao? Do công phu niệm Phật của chúng ta chưa đủ, tâm cảnh giác của chúng ta chưa cao, vẫn chưa có cách gì thay thế được, nỗ lực đem câu A Di Đà Phật niệm cho quen thuộc, thuần thục rồi thì tự nhiên cảnh giới này liền hiện tiền.
Chỉ cần ý niệm khởi lên, chính là A Di Đà Phật. Cho nên dùng 1 niệm, chính là 1 niệm A Di Đà Phật này, đánh bạt hết tất cả các vọng niệm, bạn phải nên biết chỉ cần là ý niệm đều là vọng niệm. Cái gì gọi là chánh niệm? Không có ý niệm gọi là chánh niệm, không có ý niệm mà rõ ràng tường tận, thông suốt, thấu đáo thì mới gọi là chánh niệm, nếu như không có ý niệm, cái gì cũng đều không biết, mê hoặc, điên đảo thì đó gọi là vô minh. Vậy thì cũng sai lầm, cho nên Phật dạy chúng ta chấp trì danh hiệu thật là rất hay vậy! Mỗi niệm là A Di Đà Phật, đó là giác quán, có giác có quán, không khởi tất cả vọng niệm, không có bất cứ ý niệm nào, đó gọi là định, đó là thiền định. Cho nên trong định có huệ, trong huệ có định thì niệm câu A Di Đà Phật làm sao không phải là thâm diệu thiền chứ!
Phải nên biết một câu Nam Mô A Di Đà Phật này chính là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền, chính là ở ngay chỗ này, chúng ta nói “Xuất thế gian thượng thượng thiền”, bạn không nên xem thường nó, vì sao vậy? Bạn nghĩ thử xem, thế gian thiền tu thành Tứ Thiền Bát Định, không chỉ là trời Sắc giới, trời Vô Sắc giới mà thôi, xuất thế gian thiền tu thành công cũng chẳng qua là pháp giới bốn thánh, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật mà thôi.
Một câu A Di Đà Phật này bạn niệm thành công thì đến thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc không ở mười pháp giới, nó cùng với trên Kinh Hoa Nghiêm đã nói Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa là bình đẳng, nó không phải xuất thế gian thượng thượng thiền là cái gì? Nếu như chúng ta hiểu rõ cái đạo lý này, hiểu rõ được chân tướng sự thật, thì kiên quyết một lòng niệm A Di Đà Phật. Thiên kinh vạn luận đều đang khuyên bảo chúng ta, đều là đang chỉ đạo chúng ta một phương hướng như vậy, một mục tiêu như vậy, nếu bạn có thể tiếp nhận thì bạn là người thượng thượng căn, vì sao vậy? Ngay đời này bạn thành Phật, cho nên bạn có thể nói niệm Phật không phải là thiền hay sao? Người tu thiền nếu không thể hồi hướng vãng sanh Tịnh Độ, vậy thì kém rất xa so với người niệm Phật, có so thế nào cũng không thể so được. Học giáo thì càng không cần phải nói, đó là ở giáo hạ. Các vị nghĩ muốn học Hoa Nghiêm, thật học Hoa Nghiêm họ tu cái gì? Ở trên Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền đều là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, làm tấm gương tốt cho chúng ta.
Chúng ta phải hiểu, có rất nhiều người nói Thiền nói Tịnh, tách Thiền và Tịnh ra, đó là gì vậy? Đó là họ đã không hiểu Thiền cũng không hiểu Tịnh. Nếu thật sự thông đạt hiểu rõ thì Thiền Tịnh là một, nhưng cách thức khác nhau, điều này phải hiểu.
Trích lời HT. Tịnh Không giảng từ:
– PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 75).
– Đại Sư Huệ Năng Giảng Về Nhập Môn Tu Thiền.
– Hoa Nghiêm Áo Chỉ (tập 20).