Trong Thập Nghi Luận, có câu hỏi rằng: Vì sao chúng sanh nghiệp nặng, mà mười niệm liền được vãng sanh?
Ðáp: Khi lâm chung gặp được thiện hữu đều là do thiện căn đời trước. Nếu không có túc nhân thì còn chẳng thể gặp được thiện tri thức, huống hồ là mười niệm thành tựu!
Nếu coi vô thỉ ác nghiệp làm trọng, lâm chung mười niệm là khinh thì nay ta dùng ba thứ để so lường, chứ chẳng bàn đến thời gian [niệm Phật là] ít hay nhiều.
a. Một là tại tâm. Lúc tạo ác là từ hư vọng điên đảo mà sanh; khi niệm Phật là từ nơi thiện tri thức nghe danh hiệu công đức chân thật của A Di Ðà Phật mà sanh. Một đằng hư, một đằng thật, há nào so sánh được ư?
Ví như nhà tối vạn năm, ánh mặt trời vừa chiếu đến, há có vì bóng tối tích tụ đã lâu mà chẳng diệt nổi hay sao!
b. Hai là tại duyên. Lúc tạo tội là từ tâm si ám, duyên cảnh hư vọng mà sanh. Cái tâm niệm Phật từ việc nghe công đức danh hiệu của Phật, duyên tâm Vô Thượng Bồ Ðề mà sanh. Một đằng chân, một đằng ngụy, há so sánh được ư!
Ví như có người bị trúng tên độc. Tên lút sâu, độc ngấm đẫm, tổn da nát xương. Một khi nghe tiếng trống thuốc Diệt Trừ, tên liền rớt, độc liền trừ, há đâu phải vì tên đã lút sâu, độc đã ngấm mà chẳng thể lành hay sao?
c. Ba là tại quyết định. Lúc tạo tội là do cái tâm hữu gián hữu hậu. Khi niệm Phật, dùng cái tâm vô gián, vô hậu. Bởi thế, ngay vào lúc xả mạng: do thiện tâm mạnh mẽ nên bèn được vãng sanh.
Ví như dây thừng quấn mười vòng, ngàn kẻ đàn ông chẳng làm gì nổi; đứa bé vung gươm, khoảnh khắc thừng bị đứt làm hai đoạn.
Lại như củi chứa ngàn năm, dùng chút lửa to bằng hạt đậu, trong chốc lát củi cháy hết sạch.
Lại như người cả một đời tu mười nghiệp lành ắt sẽ được sanh lên trời; nhưng lúc lâm chung nếu khởi một niệm tà kiến quyết định liền đọa vào A Tỳ địa ngục.
Ác nghiệp dẫu hư vọng, nhưng vì nó mạnh mẽ nên còn khả năng xóa tan thiện nghiệp của cả một đời khiến [kẻ ấy bị] đọa đường ác. Huống hồ lúc lâm chung, tâm mạnh mẽ niệm Phật, tạo nghiệp lành một cách chơn thật vô gián mà chẳng xóa nổi vô thỉ ác nghiệp, được sanh về Tịnh Ðộ hay sao!
Trích từ sách Trùng Đính Tây Phương Công Cứ do pháp sư Thích Dật Nhân biên soạn; Ấn Quang đại sư giám định.