Muốn nâng cao cảnh giới tu hành thì mỗi ngày phải nghe giảng Kinh. Không thể nói “pháp sư Tịnh Không giảng thì tôi đến nghe, người khác giảng thì tôi không đến”, như vậy là phân biệt chấp trước.
Tại vì sao chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày còn có rất nhiều sự việc không như ý? Từ những sự thật này để quán sát, chúng ta liền có thể tỉnh ngộ ra, thời gian tu tích công đức của chúng ta quá ngắn, thời gian tùy thuận phiền não tập khí quá dài. Bạn xem, một tuần lễ bảy ngày, một ngày 24 giờ đồng hồ, bảy ngày bao nhiêu giờ đồng hồ? Đến nơi đây để nghe Kinh mới có hai giờ đồng hồ, bảy ngày mới tu hai giờ đồng hồ, thời gian khác đều là tùy thuận phiền não tập khí, cho nên việc không vừa ý đều là thường đến tám chín. Nếu như mỗi ngày đều có thể tu hai giờ đồng hồ, tình hình liền không như nhau. Ngay trong tưởng tượng của chúng ta, có được ba đến năm năm, cảnh giới của bạn liền chuyển đổi. Hiện tại thời gian nghe Kinh của chúng ta vẫn là quá ngắn.
Vậy muốn hỏi, tại vì sao không cung cấp cơ hội mỗi ngày giảng Kinh, để chúng ta có thời gian tương đối dài để huân tu? Chúng ta cung cấp, bởi vì các bạn có phân biệt, có chấp trước, bạn không chịu đến. Các bạn phân biệt chấp trước, Pháp sư Tịnh Không giảng Kinh thì tôi đến nghe, người khác giảng Kinh thì không đến nghe, vậy làm sao được? Mỗi buổi tối, chúng ta có đồng tu ở nơi đây cũng giảng Kinh hai giờ đồng hồ. Bạn quả nhiên chân thật muốn tu, ngày ngày không gián đoạn, ngày ngày đến nghe Kinh, bạn nhất định có thu hoạch. Tôi ngày trước giảng qua rất nhiều, công đức các bạn nghe pháp sư trẻ giảng Kinh so với nghe tôi giảng Kinh lớn hơn. Không phải tôi nói lời giả dối, tôi mỗi câu đều nói lời chân thật. Lớn ở chỗ nào? Chúng ta đang bồi dưỡng người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi giống như mầm cây Bồ Đề vậy, vẫn chưa trưởng thành.
Bạn mỗi ngày đến nghe Kinh là để tưới cho họ, chăm sóc cho họ, để họ có tín tâm, xem thấy nhiều người đến nghe như vậy, họ nghĩ đại khái ta giảng không tệ, tín tâm của họ thêm lớn, họ càng chăm chỉ nỗ lực mà tu tập. Nếu như ở trên giảng đài xem thấy không có được mấy người, “e là ta giảng không được”, không có lòng tin. Bạn tưởng tượng xem, công đức này bao lớn! Đây là chúng ta giúp một pháp sư giảng Kinh, thành tựu pháp sư giảng Kinh. Chúng ta phải ủng hộ họ, phải giúp đỡ họ. Làm thế nào giúp đỡ? Đến nghe họ giảng Kinh, hơn nữa muốn họ nhất định ngày ngày có tiến bộ. Nếu họ không có tiến bộ, ta lần sau sẽ không đến. Đây là áp lực khiến cho họ không thể không nỗ lực chăm chỉ mà chuẩn bị. Vì sao vậy? Giảng được không hay thính chúng sẽ không đến.
Các vị phải tưởng tượng, như vậy đến nghe Kinh thì tài, pháp, vô úy ba loại bố thí đều đầy đủ. Tích công bồi đức đến nơi đâu làm? Đến Cư Sĩ Lâm để nghe Kinh thì được rồi. Lý sự chúng ta đều phải thông đạt, đều phải tường tận. Có thể hiệp trợ một số pháp sư trẻ, tương lai trở thành đại đức giảng Kinh, công đức này quá lớn, tương lai vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc bạn đều không cần niệm A Di Đà Phật, chỉ cần muốn vãng sanh thì liền đi. Vì sao vậy? Công đức quá lớn rồi, A Di Đà Phật liền sẽ đến tiếp dẫn bạn. Tôi nói lời này đều là thật.
Có rất nhiều đồng tu đã từng thấy qua Hàn Quán Trưởng. Hàn Quán Trưởng cả đời hộ pháp, bà không có thời gian tụng Kinh, bà cũng không có thời khóa sớm tối. Bà một ngày từ sớm đến tối vui cười hoan hỉ, thế nhưng bà một lòng một dạ hộ trì Phật pháp, giúp đỡ người trẻ tuổi, thành tựu mọi người học tập, hoằng pháp lợi sanh. Khi bà ra đi, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn bà. Có thể thấy được, Phật không cô phụ chúng sanh, mà là chúng sanh cô phụ Phật Đà.
Cho nên, chúng ta đối với cái gì gọi là “thiện căn” phải nhận biết rõ ràng, phân biệt tường tận, phải nỗ lực mà học tập. Sau đó ở đời này đời sau, cõi này phương khác đều có thể đạt được sự sự như ý, giống như trên Kinh đã nói là “vô lượng bảo tạng tự nhiên phát ứng”. Quyết không phải tham cầu bảo tạng. Vô lượng bảo tạng cho dù hiện tiền rồi cũng là lợi ích chúng sanh, quyết không phải chính mình hưởng thụ. Đạo lý này phải hiểu. “Xả đắc”, chúng ta đạt được lập tức phải xả, cái công đức này mới viên mãn. Được rồi không chịu xả, lại khởi lên tâm tham thì liền đọa lạc, liền hướng xuống đọa lạc. Ý nghĩa thứ hai của “xả đắc” là đem cái có được cũng phải xả hết, bạn mới có thể được đại tự tại, mới có thể được đại viên mãn.
Đoạn này hoàn toàn là nói cảm ứng. Tâm của chúng ta, hành vi của chúng ta chính là cảm. Thế gian có rất nhiều người cầu Phật Bồ Tát, cầu thần minh cũng rất thành tâm mà cầu khẩn, mà cúng dường, nhưng không có cảm ứng, nguyên nhân gì vậy? Bạn có tâm, không có hành. Nhất định phải có đoạn ác tu thiện thì được, dùng tâm hạnh chân thật mới có thể đạt được cảm ứng. Bạn không có hành, chỉ có tâm, bạn chỉ có một nửa, vẫn còn khuyết một nửa, cho nên cảm ứng không thể hiện tiền. Đạo lý chính ngay chỗ này.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 221, Vọng Tây cư sĩ dịch.