Phật pháp đối với hết thảy chúng sanh đều có cách nhìn bình đẳng, vốn dĩ là bình đẳng. Phật không cao hơn chúng ta một bậc, chúng ta cũng chẳng thấp hơn Phật một bậc, đều là bình đẳng. Tuy là bình đẳng nhưng năng lực, trí tuệ của chúng ta hiện nay thật sự là có khác nhau. Ở trong xã hội này có người thông minh, cũng có người ngu si; có người năng lực rất giỏi, cũng có người năng lực yếu kém. Vì sao lại sinh ra hiện tượng này? Phật bảo với chúng ta, đây là bởi vì bạn đã mê mất bản năng của mình.
Bạn vốn dĩ có trí tuệ, trí tuệ cứu cánh viên mãn, nhưng bạn mê mất rồi. Mê mất, chẳng phải là mất thật sự, chỉ là mê mà thôi. Nếu như có thể phá trừ mê hoặc thì năng lực của bạn sẽ hồi phục trở lại. Thế nên Phật dạy cho chúng ta không có gì khác, chính là bảo chúng ta đem mê hoặc điên đảo trừ bỏ đi, khôi phục lại bản năng của chúng ta mà thôi. Cho nên nói “Phật độ chúng sanh”, trên kinh Đại thừa thường nói: “Phật đâu có độ chúng sanh!”, Phật không hề độ chúng sanh.
Chúng sanh làm sao thành Phật? Là chính bạn tự thành Phật, Phật chỉ là ở giữa giúp đỡ bạn, sự giúp đỡ này chỉ là xem bạn mê như thế nào, đem những chân tướng sự thật này nói ra cho bạn biết, sau nghe xong thì bạn liền giác ngộ, rồi sau đó bạn đem mê hoặc của mình buông bỏ thì bạn liền thành Phật. Từ chỗ này xem thấy, Phật pháp đích thực là sư đạo, thầy giáo chỉ có thể dạy bảo chúng ta, còn thành tựu của học trò, suy cho cùng vẫn phải do chính bản thân học trò nỗ lực phấn đấu mới có thể thành tựu, ở phương diện này thì thầy giáo không thể giúp đỡ gì được.
Điều mà thầy giáo có thể giúp đỡ, chỉ là đem những lý luận này nói rõ ràng, đem phương pháp, kinh nghiệm tu học chứng quả của chính mình cung cấp cho chúng ta làm tham khảo mà thôi. Thế nên, trong Phật pháp không có mê tín, điều này trước tiên chúng ta phải đem nó nhận thức cho rõ ràng, phải đem quan niệm này sửa đổi trở lại. “Phật pháp là giáo dục, Phật pháp là sư đạo”, chúng ta phải xem Phật là thầy giáo. Ngày nay chúng ta xây dựng đạo tràng, chúng ta cúng tượng Phật, không phải đã xem Phật như thần linh rồi sao; nếu xem Phật Bồ Tát giống như thần linh để cầu cúng thì đó là tôn giáo.
Thế nên ngày nay, chúng ta gọi Phật giáo là tôn giáo, thực tế mà nói cũng không thể nào phủ nhận được, vì sao vậy? Phật giáo đích thực đã biến thành tôn giáo rồi, đây là việc rất bất hạnh. Bạn xem người học Phật rất nhiều, có mấy ai không xem Phật Bồ Tát như thần linh để cầu cúng? Xem như thần linh để cúng bái, đây là việc sai lầm rất lớn, đã sai từ rất lâu rồi. Người sáng tỏ biết được, chúng ta cúng dường hình tượng Phật là có hai ý nghĩa:
– Ý nghĩa thứ nhất là báo ân, ý nghĩa kỷ niệm.
Giáo dục tốt như vậy, chúng ta có thể gặp được, có thể tiếp nhận ngay trong đời này, thật sự là quá may mắn! Kệ khai kinh thường nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Điều này một chút cũng không giả. Chúng ta cảm ân đội đức đối với thầy, kỉ niệm thầy, cũng giống như người Trung Quốc chúng ta cúng dường bài vị tổ tiên vậy, đây là “uống nước nhớ nguồn”, chúng ta có ân tình sâu dày như vậy ở bên trong.
– Ý nghĩa thứ hai là thấy người hiền muốn noi theo.
Thử nghĩ xem, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là người bình thường, Ngài có thể giác ngộ, Ngài có thể thành tựu, vì sao tôi không giác ngộ? Vì sao tôi không thành tựu? Cho nên, tôn tượng này đặt ở nơi đó là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính chúng ta, là ý nghĩa này, tuyệt đối chẳng phải mê tín! Không phải xem tượng Phật Bồ Tát như thần linh để cầu cúng.
(Trích: Nhân Thức Phật Giáo, tập 01 | Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không)