Ngày nay chúng ta thấy được có rất nhiều người niệm Phật nhưng lại không được mấy người có thể chân thật mà niệm Phật, đa phần đều là tuỳ thuận vào tập khí của chính mình mà ngày ngày khởi dậy vọng tưởng phiền não, cũng như là tạo tác. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này rất rõ ràng qua cách xử sự của họ trong cuộc sống hằng ngày, họ vẫn còn rất nhiều tham, sân, si, mạn….và đặc biệt là họ vẫn không xem trọng việc niệm Phật. Họ chẳng phải là không biết niệm Phật rất tốt, nhưng họ chỉ xem là thứ yếu, luôn xếp sau tất cả những việc khác, họ vẫn là coi danh văn lợi dưỡng, ăn uống ngủ nghỉ là quan trọng nhất. Vậy đời này họ có thể thành tựu hay không? Rất khó thành tựu.
Nếu muốn trong đời này có thể thuận lợi mà vãng sanh thì cần phải triệt để buông xuống. Buông xuống là buông cái gì vậy? Buông xuống những tập khí xấu ác của chính mình, không nên tiếp tục tuỳ thuận theo chúng để mà tạo nghiệp nữa. Còn đối với danh văn lợi dưỡng thì sao? Phải biết khước từ. Từ đó thật thật thà thà mà niệm Phật thì trăm người tu, trăm người đều được vãng sanh vậy.
Thế nhưng cái phiền phước lớn nhất của chúng ta đó là chẳng thật thà. Đôi khi nghĩ đến luân hồi đáng sợ cũng muốn dừng bước, nhưng lại chẳng chịu thoái lui hoàn toàn. Rất muốn thoát khỏi luân hồi lục đạo, nhưng lại chẳng thể xả bỏ nổi bất cứ thứ gì, trong tâm vẫn rất lưu luyến tất cả mọi chuyện của thế gian này.
Cho nên, Phật luôn răn dạy chúng ta cần phải lấy khổ làm thầy. Vì sao? Vì một người luôn sống 1 cuộc sống rất khổ thì người này sẽ không còn có chút gì lưu luyến cái thế gian này nữa, từ đó mới có thể chuyên tâm tinh tấn mà học Đạo, mong sớm ngày thoát khỏi luân hồi sanh tử. Cổ nhân có câu:
– “Giàu sang khó học đạo”.
Vì sao? Vì ở nơi đây bạn có sung sướng, có hưởng thụ vậy thì bạn sẽ chẳng thể buông xuống nổi, con đường giải thoát của bạn sẽ trở nên khó khăn phi thường. Nếu chúng ta chịu suy nghĩ cặn kẽ thì sẽ thấy được đức Phật nói lời này là rất có đạo lý. Chúng ta nếu thật sự muốn buông bỏ tham, sân, si….thì phải làm sao? Phải ngược đãi chính mình 1 chút.
Tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam 10 năm thấy rằng mỗi ngày thầy chỉ ăn 1 bữa, thức ăn lại vô cùng đạm bạc. Thầy là tự mình nấu ăn, nồi và chén của thầy chỉ là 1 cái chảo nhỏ có tay cầm mà thôi. Vì thầy là người tỉnh Sơn Đông nên rất thích ăn mỳ, thầy rất ít ăn đồ ăn, chỉ thêm vài cọng rau trong mỗi bữa ăn mà thôi. Người khác khi nhìn vào thức ăn của thầy đều nói rằng thức ăn như vậy làm sao ăn nổi, vậy mà thầy vẫn ăn như thế mỗi ngày. Quần áo của thầy mặc được vá đi vá lại rất nhiều chỗ, là ai đã vá cho thầy? Là chính thầy tự vá. Nếu đưa cho người khác vá dùm thì họ nhất định không làm, nhất định sẽ đem vứt vào thùng rác rồi mua quần áo mới để cúng dường cho thầy. Vậy có ai cúng dường quần áo mới cho thầy hay không? Có rất nhiều, nhưng thầy không mặc, đều là đem đi cúng dường lại cho người khác mặc. Đây chính là lấy khổ làm thầy đấy.
Trong Giới Kinh, Phật thường nói:
– “Tỳ kheo thường mang 3 phần bệnh”.
Đó là bệnh gì? Đây chẳng phải là Phật kêu ta giả bệnh, mà 3 phần bệnh đó là:
1. Ăn không no.
2. Mặc không ấm.
3. Ngủ không nhiều.
Đây chính là tự ngược đãi chính mình để thời thời khắc khắc không quên mất đi ý niệm thoát ly. Bởi vì nếu như ta không nếu qua sự khốn khổ thì sẽ dể dàng quên mất đi ý niệm muốn thoát ly thế gian này, để rồi sự nghiệp tu hành sẽ trở nên trì trệ dãi đãi. Đến cuối cùng là vẫn phải tuỳ theo nghiệp mà đi thọ sanh, lại tiếp tục trong lăn trong luân hồi lục đạo mà thôi.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không –