Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế

Bồ Tát Đại Thế Chí
Quý vị thấy Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta niệm Phật, chúng ta phải niệm như thế nào thì mới có thể vãng sanh Tịnh Độ? Lão nhân gia dạy chúng ta tám chữ “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Quý vị thấy đó có phải là tam muội hay không? “Nhiếp trọn sáu căn” tức là thâu hồi vọng niệm. Mắt thấy sắc liền khởi phân biệt, chấp trước, tai nghe tiếng cũng vậy, cho đến ý duyên pháp, không gì chẳng như vậy! Tâm ấy là tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, rong ruổi theo bên ngoài. Nay chúng ta muốn tu hành, ắt phải thâu hồi cái tâm lại, thâu hồi mắt từ Sắc Trần, thâu hồi tai từ Thanh Trần. Thật ra, Mạnh phu tử cũng đã từng nói, trong thời đại Mạnh Tử, Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, nhưng Mạnh Tử đã từng nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (đạo học vấn chẳng có gì khác, chỉ cầu sao thâu hồi cái tâm buông lung mà thôi), cũng mang ý nghĩa này. [Ngài nói] đạo lý trong sự học vấn chẳng có gì khác, chỉ là thâu hồi cái tâm, do tâm quý vị buông lung theo bên ngoài. Nhà Phật nói “sáu thức nơi sáu căn rong ruổi bên ngoài, hãy thâu hồi chúng”, Mạnh Tử gọi chuyện đó là “cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ”. Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, tâm liền thanh tịnh, mắt không duyên sắc, tai không duyên thanh, lục căn chẳng phan duyên bên ngoài, tâm liền định, đó là tịnh niệm.
Phải giữ gìn cho tịnh niệm tiếp nối, chớ để cho nó đoạn dứt. Chúng ta biết ý niệm là niệm trước diệt, niệm sau liền sanh. Niệm niệm đều là tịnh niệm thì sẽ thành công. Chúng ta dùng phương pháp gì? Dùng trì danh niệm Phật, đó là một loại phương pháp trong vô lượng pháp môn. Trong Tịnh Độ Tông, tuy đức Phật cũng dạy rất nhiều phương pháp niệm Phật, nhưng phân chia tổng quát thì có bốn loại như Thập Lục Quán Kinh đã nói: Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật, có bốn loại ấy. Trong bốn loại lớn đó, mỗi loại còn có thể chia ra thành rất nhiều loại. Chúng ta dùng chấp trì danh hiệu [là phương pháp mà] kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà đều nói, trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” là nói đến Trì Danh Niệm Phật. Nói cách khác, giữ cho tâm chúng ta định trong câu Phật hiệu, khiến cho câu Phật hiệu niệm niệm tiếp nối, đó là Niệm Phật tam muội. Kinh luận Tịnh Tông lại nói “Niệm Phật tam muội, tam muội trung vương” (Niệm Phật là vua trong các tam muội), câu này rất quan trọng. Ở đây, cụ Niệm Tổ dùng Trí Độ Luận để nói, trong Trí Độ Luận nói “bách bát tam muội”, tức là nói đến một trăm lẻ tám loại, đều là nói quy nạp. Một trăm lẻ tám loại triển khai sẽ thành trăm ngàn tam muội, vô lượng tam muội, có ý nghĩa này.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 125
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Huệ Trang, Trịnh Lộc và Đức Phong
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *