Có thể giúp hết thảy chúng sanh vượt qua hết thảy khổ nạn, nhất định phải nương vào Phật Pháp, cho nên Phật Pháp mới là chân thiện tri thức của chúng sanh. Trong Phật Pháp đặc biệt là Pháp Ðại Thừa, Pháp ngày nay chúng ta tu học là phần thù thắng, tinh hoa nhất trong Ðại Thừa, bao gồm Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Chúng ta có được lợi ích, chúng ta tuân giữ giáo giới của Đức Phật phải nên giới thiệu rộng rãi lợi ích này cho hết thảy chúng sanh. Ðó là gì? Hồi hướng pháp giới, chẳng hưởng riêng mình, phải đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh, nhất định không sợ gian khổ, sốt sắng nỗ lực mà làm.
Sống một ngày thì làm một ngày, đến hết đời này phải làm việc này cho tốt đẹp, đó gọi là công đức viên mãn. Không sợ gian khổ, không thể tham hưởng thọ ngũ dục lục trần trong thế gian, lãng phí mạng sống quý báu của mình. Nếu Bồ Tát tham hưởng thụ, trong đó có thể được tự lợi, không thể lợi người, điểm quý báu của Phật Pháp là ở chỗ lợi người. Muốn lợi người thì nhất định phải buông bỏ sự yên vui của riêng mình. Lúc trước thầy Lý nói với tôi đâu có ai mà không thích ở túp lều trên núi? Ðó là sự hưởng thụ cá nhân, hưởng thụ niềm vui đại tự nhiên, tiêu dao sơn thủy, niềm vui hạng nhất trong đời người. Nhưng làm vậy không thể đem lại lợi ích cho chúng sanh, chỉ có thể tự lợi, chẳng thể lợi người. Phật, Bồ Tát, và những người đắc đạo minh tâm kiến tánh đích thật có thể hưởng thụ vì họ đạt được đại tự tại. Nhưng họ buông bỏ sự hưởng thụ của mình, chẳng từ lao nhọc mỗi ngày giáo hóa chúng sanh, đi vào đô thị, thôn trang chỉ cần có người chịu nghe, chịu tiếp nhận, đúng như câu “Trong cửa nhà Phật không xả một ai”, các ngài đều hoan hỷ, sẵn sàng giải thích, thuyết giảng tường tận cho người.
Cả đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, giảng Kinh thuyết Pháp bốn mươi chín năm chẳng gián đoạn, mỗi ngày đều phục vụ cho mọi người, giảng giải cho đại chúng, mãi cho đến già cũng chưa từng buông bỏ công việc giảng Kinh thuyết Pháp dạy dỗ chúng sanh, rất đáng cho người đời sau chúng ta tôn kính, đáng cho người đời sau bắt chước. Chúng ta có khi nào nghe, coi trong Kinh thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi nghỉ mát ở chỗ nào đó chăng? Chưa từng thấy qua. Ngày nay dù công việc rất gian khổ, mỗi ngày đều phải làm việc, [người ta] vẫn tìm thời gian đi nghỉ mát, chưa bao giờ nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi nghỉ mát cả. Cũng chẳng nghe một ngàn hai trăm năm mươi người đệ tử của Phật đi nghỉ mát, chưa hề nghe tới. Ở đây chúng ta lập Phật Học Viện, nghe nói còn có nghỉ mùa Hè, nghỉ mùa Ðông, còn nghỉ học, do đó những điểm này chúng ta phải nghĩ tới. Tương lai lập Phật Học Viện nhất định phải nghỉ hè, phải tùy thuận thế gian, vì trường học trong thế gian đều nghỉ hè. Nhưng khi chúng ta nghỉ hè thì phải làm sao? Phải làm gì?
Hy vọng mọi người học theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đi khắp nơi giảng Kinh thuyết Pháp để nghỉ mát, đem những điều bạn đã học trong khóa học này tìm một chỗ để giảng Kinh trong dịp nghỉ hè, làm vậy thì dịp nghỉ hè này bạn chẳng luống qua, lợi dụng khoảng thời gian này kết pháp duyên với hết thảy chúng sanh. Nếu các bạn có ý này, tôi có thể sắp xếp cho các bạn, mời nhiều chỗ ở nước ngoài gởi thiệp mời các bạn, nghỉ hè một tháng thì giảng Kinh một tháng, nghỉ hè hai tháng thì giảng Kinh hai tháng, chẳng luống qua. Không thể nghỉ hè rồi đi du ngoạn sơn thủy, vậy thì sai rồi! Nếu nghỉ hè như vậy, những gì bạn học được trong học kỳ này đều mất hết, bạn làm sao tiến bộ được? Tiến bộ là niệm niệm đều cần cù gắng sức, chẳng buông bỏ, phải hiểu đạo lý này.
Trích lục : Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký – Tập 38 / Trang 586
Chủ Giảng: HT. Thượng Tịnh Hạ Không.