Đại Thế Chí Bồ Tát đã khẳng định với chúng ta:
– Nhớ Phật, niệm Phật hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa.
Nhưng tại sao chúng ta niệm Phật đã lâu mà vẫn chẳng thấy được Phật?
Đây là do chúng ta đã hiểu sai từ “niệm Phật”, dẫn đến hành trì không đúng, cho nên không cách gì thấy được Phật.
Chữ Niệm có nghĩa là nhớ, là nghĩ, người thế gian hay dùng từ hoài niệm để tưởng nhớ về một sự việc nào đó.
Niệm Phật là nhớ, là nghĩ đến Phật, chúng ta mỗi ngày niệm A Di Đà Phật là nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật, nhớ nghĩ đến hạnh nguyện tu tập của Phật.
Chứ chẳng phải niệm Phật là đem danh hiệu của Phật đọc suông ở trên miệng, cách này thì không được, không thể cảm đến A Di Đà Phật, càng không thể thấy được Phật.
Chúng ta thấy được lão Hoà Thượng Hải Hiền, khi còn tại thế có người đến hỏi Ngài:
– Hoà Thượng đã từng gặp A Di Đà Phật chưa ?
Ngài không hề giấu giếm, rất chân thật mà nói rằng:
– Tôi đã gặp A Di Đà Phật.
Người đó lại hỏi rằng:
– Vậy A Di Đà Phật đã nói gì với Hoà Thượng?
Ngài trả lời rằng:
– Tôi nhiều lần năn nỉ lão Phật gia rước tôi về Tây Phương Cực Lạc, nhưng Phật không đồng ý. Phật muốn tôi ở lại thế gian này để biểu pháp.
Chúng ta biết được lão Hoà Thượng Hải Hiền không hề biết chữ, năm 23 tuổi Ngài xuất gia, người thầy thế độ cho Ngài vốn là truyền thừa của hệ Bạch Vân, tông Lâm Tế, nhưng lại chưa bao giờ truyền dạy Ngài tham Thiền, cũng không dạy cho giảng Kinh nói Pháp, chỉ truyền cho 6 chữ Hồng Danh Nam Mô A Di Đà Phật, dặn bảo cứ niệm.
Ngài là một học trò rất biết vâng lời, sư phu dạy Ngài niệm thì Ngài cứ thế mà niệm đến cùng, chưa từng gián đoạn.
Những người dân ở xung quanh ngôi tự viện của Ngài ở đều biết Ngài có thần thông. Khi gặp người bị bệnh, Ngài tùy tiện hái đám cỏ ven đường đưa cho người bệnh đem về nấu uống, bất cứ bệnh gì cũng chữa khỏi, đây là hốt cỏ thành thuốc.
Ngài chỉ với một câu A Di Đà Phật này đã niệm thành công, đạt đến Niệm Phật Tam Muội. Vì nếu không đạt đến Niệm Phật Tam Muội thì không thể hiển lộ thần thông, càng không thể thường thường gặp A Di Đà Phật như vậy.
Ngài từ khi học Phật cho đến lúc vãng sanh, hơn 90 năm mỗi ngày đều làm công việc nhà nông rất nặng nhọc, Ngài dùng hai bàn tay của mình đã khai khẩn hơn 200 mẩu đất hoang thành đất màu mỡ, trồng trọt các thứ ngũ cốc, rau màu để cúng dường cho tất cả người dân trong vùng, nhưng câu Phật hiệu chưa từng gián đoạn trong tâm Ngài.
A Di Đà Phật muốn Ngài ở lại để biểu pháp cho mọi người xem chính là biểu diễn cái pháp này.
Người thế gian luôn than thở nào là công việc, nào là trách nhiệm khiến cho vô cùng bận rộn, chẳng có thời gian để niệm Phật. Nay Ngài biểu diễn cho mọi người xem công việc bận rộn và việc niệm Phật đều chẳng liên quan với nhau.
Ta vẫn có thể vừa làm việc, vừa niệm Phật, tay làm miệng niệm chẳng có chướng ngại. Nếu như công việc đòi hỏi phải suy nghĩ, phải tư duy thì ta tạm thời buông câu Phật hiệu xuống, làm việc cho thật tốt.
Xong việc rồi thì lại đề khởi câu Phật hiệu trở lại. Vậy thì cái gì có thể chướng ngại được việc niệm Phật của ta đây ?
Chỉ có tự ta làm chướng ngại ta mà thôi, công việc và trách nhiệm chẳng thể chướng ngại được ta.
Một phương châm đối với người niệm Phật muốn đạt được thành tựu, đó chính là đừng bao giờ nói là “tôi không thể”, mà hãy nói là “tôi có thể làm được, tôi nhất định cố gắng mà làm”.
Như vậy, thì ta mới có thể từng bước từng bước vượt qua các chướng ngại về tâm lý, về nghịch cảnh, để đi đến thành tựu đạo nghiệp.
Muốn thấy Phật, luôn gần gũi với Phật không hề khó, chỉ cần chúng ta chịu niệm và chân thật niệm Phật thì ai ai cũng giống như Đại Thế Chí Bồ Tát chổ nói đó: “Nhất định thấy Phật, cách Phật không xa”.
Chúng sanh niệm A Di Đà Phật là nhớ tưởng A Di Đà Phật ở trong tâm của chúng sanh. Phật nhớ chúng sanh là nhớ chúng sanh ở trong tâm của Phật. Tâm tâm tương đồng, thì đâu có cái đạo lý không thể gặp nhau chứ !
Chủ giảng : Lão pháp sư Tịnh Không
Xin Thường Niệm : A Di Đà Phật