Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Lúc lâm chung A Di Đà Phật đến tiếp dẫn “bạn vẫn còn những chuyện vụn vặt của gia đình chưa buống xuống”, A Di Đà Phật sẽ không đợi bạn

Nếu không buông xuống được hãy coi những mục cáo phó suốt nữa năm, xem thử có buông xuống được hay không?
Cho nên nhất định là phải buông xuống, tuy thân ở tại gia nhưng tâm đã buông bỏ nhà cửa, đối với nhà tuyệt đối không có một chút lưu luyến nào. Không còn một chút lưu luyến, hoàn toàn không phải là nói đối với gia đình bạn không có trách nhiệm, vậy là bạn sai rồi. Trong nhà Phật có một câu nói: “Làm Hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày”; người tại gia cũng như vậy, bạn ở nhà một ngày thì bạn nhất định phải gánh vác trách nhiệm ở trong nhà, đó là gia nghiệp của bạn. Khi bạn sắp ra đi thì phải buông bỏ hoàn toàn, sắp ra đi bạn muốn buông bỏ được thì lúc bình thường bạn phải buông bỏ được. Bình thường ở trong nhà, người nào bạn cũng quan tâm chăm sóc, nhưng trong tâm phải buông xuống, trong tâm không thể có mảy may ái dục lưu luyến, điều này không thể được, bạn có điều này thì lúc lâm chung sẽ sanh ra sự chướng ngại, sự việc này rất là phiền phức. Vì vậy tâm phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sanh trí huệ, có trí huệ thì quản lý nhà cửa, chăm sóc người nhà rất là chu đáo, rất viên mãn, trong việc này chắc chắn là sẽ không sanh phiền não, không thể không biết điều này.
Trong đoạn kinh này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong chú giải của ông đã trích dẫn rất nhiều kinh điển, những điều này đều đáng để cho chúng ta tham khảo. Điều quan trọng nhất, đối với Tịnh Tông chúng ta phải có niềm tin vững chắc, biết được những điều trong kinh điển đã nói hoàn toàn là lời nói chân thật, toàn là vì tất cả chúng sanh chúng ta, tất cả chúng ta đều có phần. Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện ở thế gian này, giảng kinh thuyết pháp 49 năm, nếu nói bộ kinh này mà những người ở thế gian này như chúng ta đều làm không được, chúng ta nghĩ xem Ngài có nói hay không? Những điều mà Ngài nói chúng ta không thể làm được, chẳng lẽ Ngài trêu đùa chúng ta hay sao? Chẳng lẽ Ngài dụ ta hay sao? Thích Ca Mâu Ni Phật làm sao mà có thể làm những việc như vậy? Chúng ta có thể thông cái đạo lý này thì bạn liền hiểu, hễ là lời Phật nói ở thế gian này thì nhất định đối với người ở thế gian này đều có lợi ích, người ở thế gian này có thể làm được. Người thế gian này không thể làm được thì Phật tuyệt đối không nói, chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Chúng ta qua lại với người thông thường, nhìn thấy người ta làm không được, chúng ta cũng không dụ người ta, cũng không trêu đùa họ, huống chi là Phật không có hí luận, ngày nay gọi hí luận là nói đùa, Phật không nói đùa với chúng ta, mỗi câu nói đều là lời chân thật.
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ chúng ta đã thấy phu nhân Vi Đề Hi vãng sanh, phu nhân Vi Đề Hi không xuất gia, bà là chúng nữ tại gia vãng sanh thượng phẩm. Điều này nói rõ, là tâm của bà xuất gia nhưng thân không xuất gia. Xem thêm trong Vãng Sanh Truyện, bạn hãy xem niệm Phật đường Đông Lâm của Đại sư Huệ Viễn. Niệm Phật đường Đông Lâm có nhiều cư sĩ tham gia niệm Phật, tổng cộng là 123 người, có cả chúng tại gia. Lưu Di Dân không xuất gia, năm đó ông ở trong niệm Phật đường 3 lần thấy A Di Đà Phật. A Di Đà Phật sờ lên đầu của ông, chiếc y của A Di Đà Phật còn phủ lên người của ông, đây là tướng thượng phẩm, vị này cũng không phải là người xuất gia. Hãy xem Kinh Vô Lượng Thọ, bộ kinh này rất là thú vị, phía trước có liệt kê những vị Đại đức, “Hiền Hộ đẳng thập lục chánh sĩ”, 16 vị này đều là Đẳng Giác Bồ Tát, giống như Bồ Tát Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, là Bồ Tát tại gia. Mười sáu vị cả thảy đều là Bồ Tát tại gia, là Đẳng Giác Bồ Tát thì sao không được thượng thượng phẩm vãng sanh chứ? Những điều này chỉ cần bạn tỉ mỉ mà quan sát thì những đồng tu tại gia chúng ta liền phát khởi tín tâm.
Đại sư Huệ Viễn vãng sanh, cả cuộc đời của Ngài ba lần thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng không hề nói với bất cứ ai, điều này là Tổ sư làm một tấm gương cho chúng ta. Chúng ta gặp được chút gì là lập tức đi tuyên truyền, sợ rằng người khác không biết, điều này là sai lầm. Bạn xem Tổ sư 3 lần ở trong định thấy được thế giới Tây Phương Cực Lạc, đó là trong lúc đang chỉ tịnh niệm Phật, nhìn thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài chưa bao giờ nói. Cuối cùng khi Ngài vãng sanh, cảnh giới Tây Phương hiện ra, Ngài mới nói. Ngài nói cảnh giới Tây Phương hiện ra rồi, trước đó Ngài đã nhìn thấy ba lần. Ngài nói tôi nhất định sẽ vãng sanh, nhìn thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài, đi phía sau A Di Đà Phật còn có mấy người quen nữa, có Phật-đà-da-xá, có Pháp sư Huệ Trì, Pháp sư Huệ Vĩnh, cư sĩ Lưu Di Dân, đều là những vị ở Liên Xã vãng sanh cùng đi với A Di Đà Phật đến tiếp dẫn Ngài. Cư sĩ Lưu Di Dân còn nói: “Thưa lão Pháp sư, Ngài phát tâm rất sớm, mà sao Ngài lại đi trễ như vậy?” Những vị này đã đi trước rồi, các vị này đều là thượng thượng phẩm vãng sanh, là thượng phẩm thượng sanh. Ở chỗ này nói rõ với quý vị là cư sĩ tại gia phải phát tâm, phải biết cho rõ ràng.
Bạn xem trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn 53 vị thiện tri thức. Chúng ta từ trên sự tướng mà xem 53 vị này, đây là 41 vị Pháp thân đại sĩ. Ngài đã tham vấn Tỳ Kheo Kiết Tường Vân Sơ Trụ Bồ Tát, Tỳ Kheo Hải Vân Nhị Trụ Bồ Tát, Tỳ Kheo Diệu Trụ là Tam Trụ Bồ Tát, trên thực tế phía trước còn có 3 vị là người xuất gia, phía sau cũng có 2 vị xuất gia, chỉ có 5 vị xuất gia. Trong 53 vị thiện tri thức chỉ có 5 vị xuất gia, tất cả còn lại là người tại gia, điều này đã nói rõ là người tại gia học Phật có nhiều triển vọng, có nhiều thành tựu, chắc chắn không thua người xuất gia. Cho nên nhất định phải dũng mãnh tinh tấn, tu hành đúng theo giáo lý là quan trọng không gì bằng.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ (TẬP 336)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *