Nay chúng ta chấp trước giả tướng quá mức, nên tương phản với chân tướng của vũ trụ và nhân sinh mà không biết, do mê mất, coi Giả là Chân, hoàn toàn mê mất Chân. Đã mê mất chân tướng, bèn chuyên làm chuyện giả.
Lục đạo luân hồi là giả, đúng là giả, nhưng nếu quý vị chẳng giác ngộ thì vẫn đau khổ thật sự trong cái giả ấy. Ví như nằm mộng, mộng là giả, mỗi tối gặp ác mộng, mỗi đêm khiếp sợ đến nỗi khắp thân mướt mồ hôi lạnh, cuộc sống ấy cũng chẳng dễ sống! Luân hồi trong lục đạo là gặp ác mộng, quý vị tiếp tục gặp ác mộng, vĩnh viễn chẳng thể tỉnh giấc, cũng là chuyện rất đáng thương xót!
Chư Phật, Bồ Tát trông thấy, nói quý vị là “kẻ đáng thương xót”. Nếu là thật, đức Phật chẳng thể nói là “đáng thương xót”; do là giả, mà lại chịu tội ấy trong cái giả ấy, hứng chịu sợ hãi, nên rất đáng thương, là kẻ rất đáng thương xót!
“Thập phương cầu chi, chung bất khả đắc cố” (mười phương cầu mà trọn chẳng thể được), chúng ta đích thực phải giác ngộ điều này, tâm bất khả đắc. Vừa mở đầu, kinh Lăng Nghiêm liền nói sự thật này. Lại thưa cùng quý vị, tìm tâm chẳng thấy, mà Sắc cũng chẳng tìm thấy, tâm không thể được, Sắc cũng chẳng thể được.
Quý vị chớ có nghĩ sắc tướng của hết thảy vật chất là có thể đạt được; giả trất, chẳng thể được! Nay quý vị có của cải, có hết thảy những thứ vàng, bạc, vật báu trong thế gian này, vinh dự, địa vị, quý vị nghĩ chính mình đã đạt được. Giả trất! Chẳng thật! Chẳng phải là sau khi đã chết mới biết là giả, do chẳng thể mang theo thứ gì! Đến khi ấy mới giác ngộ, đã trễ quá rồi!
Trên thực tế, mỗi đêm quý vị đều chết một lần. Khi quý vị ngủ, chẳng phải là giống như người đã chết hay sao? Quý vị ngẫm xem, khi quý vị ngủ say, người ta khiêng thân thể quý vị đi, quý vị cũng chẳng biết! Khi ngủ say, thứ gì là quý vị? Quý vị vẫn chẳng giác ngộ ư? Người chết bất quá là ngủ không thể thức dậy đó thôi! Mỗi ngày đều phải chết một lần, rất đáng sợ!
Trong Phật pháp có nói khai ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ điều này, thật sự hiểu chân tướng, giác ngộ sự thật này. Hết thảy các pháp trong thế gian này, nếu quý vị nói cái này là của ta, cái kia là của ta, đức Phật trông thấy, sẽ quở “kẻ si nói chuyện trong mộng”. Chẳng sai tí nào! Xác thực là nói mớ! Đừng nói vật ngoài thân chẳng phải là của quý vị, thân thể cũng chẳng phải! [Biết như vậy thì] mới thật sự hiểu bốn câu trong Tâm Kinh đôi chút, thân thể là sắc tướng, “Sắc chẳng khác Không”, chẳng khác gì Không! Sắc là Không, chẳng thể được!
Biết chân tướng sự thật này, chư vị phải biết, phải giác ngộ: Ta chẳng dùng giả tướng này để tạo tội nghiệp nữa, làm như vậy chẳng đáng! Quý vị dùng giả tướng để tạo tội nghiệp thì nói cách khác, mỗi ngày quý vị đang làm gì? Tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo. Nay quý vị đang làm gì? Nay đang tạo tác ba ác đạo, nay đang tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo, phàm phu hằng ngày làm chuyện này.
Người thật sự giác ngộ, người triệt để giác ngộ, làm gì? Ta hôm nay làm chuyện để sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nay ta đánh điện báo tới A Di Đà Phật, cùng Ngài giao tiếp qua lại. Quý vị niệm một câu Phật hiệu, mỗi tiếng đều có cảm ứng, khác hẳn! Một đằng là quyết định vãng sanh thành Phật, một đằng là quyết định phải luân hồi trong tam đồ lục đạo, làm sao giống nhau cho được? Phải thật sự giác ngộ điều này !
Trích A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – tập 158
Người giảng : LÃO PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG