Công việc của Hòa thượng Hải Hiền chính là nông canh, Ngài là một nông phu mẫu mực, cũng là một nông phu mô phạm, Ngài có thể lực, thích làm việc; đồng thời, Ngài có thể dụng công phu niệm Phật của Ngài vào trong công việc, như thế, trong công việc Ngài sẽ không cảm thấy mệt, cũng không có phiền chán, mà còn càng làm càng vui vẻ. Ngoài công việc ra, trong xử sự, đối người, tiếp vật hằng ngày, Ngài đã thành tựu sáu ba la mật một cách viên mãn.
Sáu ba la mật cũng gọi là lục độ, tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã (trí tuệ). Sáu ba la mật là một trong những công đức quan trọng của hành môn Tịnh tông, có thể giúp người tu học thành tựu công đức vãng sanh, tích lũy tư lương vãng sanh, còn có thể thành tựu công đức tự thân, nhỏ thì đi vào mỹ mãn gia đình, thành tựu sự nghiệp, lớn thì đi vào hòa bình, an định xã hội.
Nói một cách cụ thể, thích bố thí, có thể đoạn bỏ tham lam keo kiệt, phiền não căn bản từ vô thỉ kiếp đến nay của chính mình, trong tất cả pháp thế gian, xuất thế gian không có một chút tâm tham nào, thì bố thí ba la mật viên mãn rồi. Đối với tất cả pháp thế gian, xuất thế gian, không khởi một niệm ác, trì giới ba la mật viên mãn. Có thể thuận cảnh không sanh tham luyến, trong nghịch cảnh không sanh sân hận, nhẫn nhục ba la mật viên mãn. Trong thiện pháp của thế gian, xuất thế gian dũng mãnh tinh tấn, không có thoái chuyển, tinh tấn ba la mật viên mãn. Trong sinh hoạt thường ngày, duy trì thanh tịnh, bình đẳng, giác, không dao động vì ngoại cảnh, thiền định ba la mật viên mãn.
Trong sinh hoạt hằng ngày, xác thực nhìn thấy “nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” mà Phật nói, tuy là “tất cánh không”, lại không trụ “không”, không những nhìn thấy, còn có thể chân thật lý giải, đây chính là bát nhã ba la mật viên mãn. Sáu ba la mật viên mãn, đây là công phu, công phu đều ở trong nhật dụng bình thường, ở trong xử sự, đối người, tiếp vật. Rời xa cuộc sống, còn có thể đến đâu để tu chứ! Điều thứ nhất trong sáu ba la mật chính là bố thí, là nói lấy tài vật, thể lực, trí tuệ v.v… thí cho người, bố thí có ba loại, tài bố thí, pháp bố thí và vô úy bố thí, Hòa thượng Hải Hiền trọn cả một đời của Ngài đều làm sự việc như vậy.
Ngài năm xưa trên núi Đồng Bách, do rất ít có cư sĩ và của cúng dường, sinh hoạt của các Ngài hoàn toàn dựa vào tự mình gánh vác. Hòa thượng Hải Hiền bấy giờ trẻ tuổi, tất cả tạp vụ trong chùa từ trên xuống dưới, bao gồm quần áo của các sư huynh đệ, Hòa thượng Hải Hiền đều giúp đỡ thu dọn, giặt giũ. Ngài tự làm hết sức mình, nhằm giúp các sư huynh đệ có nhiều thời gian để tu tập. Về sau, lúc Ngài và Pháp sư Hải Mặc, Pháp sư Hải Viên và Pháp sư Thể Quang cùng nhau kết am tranh cộng tu, chùa Tháp Viện phân đất cho ba người, các Ngài dùng cày cấy, Hòa thượng Hải Hiền cũng giúp các Ngài ấy quản lý. Về sau nữa, Ngài gặp Pháp sư Diễn Cường vừa mới xuất gia không lâu, lão Hòa thượng tặng thức ăn, như khoai sọ, để cho Pháp sư an tâm học đạo.
Lão Hòa thượng tặng số khoai sọ cho Pháp sư Diễn Cường là do tự khai hoang trồng lấy. Đất hoang trên núi không có chủ, Hòa thượng Hải Hiền vỡ hoang, trồng khoai lang, khoai sọ, những thứ này chính là nguồn thức ăn chủ yếu lúc bấy giờ của Ngài. Mỗi lần gặp có người tu hành đến trên núi, Ngài luôn muốn phân ra tặng cho họ một ít. Nếu như tặng hết cho người khác, tự mình không đủ ăn, thì Ngài đào thảo dược dùng để thay thế lương thực ăn.
Thời kỳ ba năm khó khăn (tức năm 1959 đến năm 1961, lương thực của cả nước thiếu hụt và mất mùa), sinh kế càng thêm gian nan, lão Hòa thượng vẫn làm hết sức mình để bố thí giúp người. Lúc đó, Ngài nhờ vào sự cần lao và trí tuệ của bản thân, cũng cứu được rất nhiều mạng người. Mùa hè năm 1989, địa phương gặp thiên tai lũ lụt, lương thực thiếu thốn. Lão Hòa thượng Hải Hiền tự giác tự nguyện mang 1200 cân tiểu mạch do Ngài cày cấy ở chùa, đích thân đưa đến cho địa phương gặp khó khăn, còn không nhận tiền lương thực. Một cư dân địa phương vì thế ca ngợi lão Hòa thượng “cảnh giới tư tưởng rất cao”, còn nói cử chỉ này của lão Hòa thượng đã phản ánh lòng “yêu nước, yêu đạo, giúp đỡ đất nước, luôn luôn nghĩ đến chúng sanh” của Ngài.
Tài thí có hai loại: Ngoại tài bố thí và nội tài bố thí. Gia đình giàu có của cải, bố thí mà họ làm là ngoại tài bố thí, trong việc tài bố thí của Hòa thượng Hải Hiền đã có nội tài bố thí, cũng có ngoại tài bố thí, ngoại tài là số lương thực mà Ngài cày cấy trồng trọt thu hoạch được, nội tài là thể lực của chính Ngài, tự bỏ công sức cày cấy trồng trọt. Một lần, lão Hòa thượng đã hơn 100 tuổi giống như mọi ngày, sau ngọ không nghỉ ngơi, đến ruộng ngô ngoài chùa để tản bộ. Mảnh ruộng ngô này là của chùa, thu hoạch là khoản trợ cấp sinh hoạt cho Tăng chúng trong chùa và các cư sĩ ngủ lại chùa. Lúc lão Hòa thượng đi đến góc đông bắc của mảnh ruộng ngô này, bỗng nhiên nghe thấy sột soạt, sột soạt một hồi và âm thanh “răng rắc, răng rắc” trong ruộng ngô, Ngài thuận theo âm thanh nhìn vào trong ruộng, chỉ thấy một nông dân trung niên đang bẻ trộm bông ngô, anh ta đem bông ngô bẻ được đều bỏ vào một một túi vải lớn đã được chuẩn bị trước đó.
Lúc này nông dân cũng nhìn thấy lão Hòa thượng rồi, anh ta cảm thấy rất ngại, đứng ở đó, trong một lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Lão Hòa thượng vội vàng ra dấu, nhẹ nhàng an ủi anh ta rằng: “Đừng vội, anh muốn bẻ thì chọn trái to mà bẻ!” Nói xong thì bỏ đi. Lão Hòa thượng Hải Hiền tâm lượng lớn. Ngài không đòi lại bông ngô mà người nông dân trộm đi, cũng không cho anh ta một bài học, mà là tặng cho anh ta, còn bảo anh ta chọn thêm trái to mà hái. Ngài làm như vậy, để cho người nông dân kia mãi đầy lòng cảm ân đội đức, về sau không dám trộm thêm nữa. Sau này mỗi lúc người kia gặp lại lão Hòa thượng, trong ánh mắt tràn đầy sự khâm phục và kính ngưỡng.
Lão Hòa thượng Hải Hiền một đời thích làm việc thiện, thuận tiện cho mọi người, đời sống của bản thân lại vô cùng tiết kiệm, đệ tử của Ngài Pháp sư Ấn Vinh thậm chí một dạo có chút cảm giác sư phụ của cô quá keo kiệt. Ngài không có tâm tham, từng chút một đều là cúng dường cho đại chúng, cúng dường người khác, không hưởng một mình. Tiền người khác cúng dường Ngài, Ngài dùng vào việc in kinh, phóng sanh, dùng vào việc giúp người khác xây đạo tràng, cả đời Ngài giúp người khác xây dựng được 11 đạo tràng! Đệ tử bên ngoài mời Ngài đi, lúc lão Hòa thượng rời khỏi, sẽ để lại chùa toàn bộ tiền cúng dường của cư sĩ, tự mình không lấy một xu tiền. Tài trợ trường học và đạo tràng địa phương mua giống cây, Ngài cũng đặc biệt hào phóng. Còn bản thân Ngài thì sao? Ngoài mấy chiếc áo ra, cái gì cũng không có.
Cho nên Ngài nói, ở trong ngôi chùa nhỏ này của chính mình, ăn là ăn cực, mặc là mặc vá. Ba loại bố thí lão Hòa thượng đều làm được rồi, Ngài thường sanh tâm hoan hỷ. Đối với Ngài mà nói, Ngài hiện tiền thì cuộc sống đang ở Thế giới Cực Lạc, Thế giới Cực Lạc chính ở ngay đây. Phật nói chúng ta biết: Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, cảnh tùy tâm chuyển. Trong cảm nhận của lão Hòa thượng, người người là người tốt, việc việc là
việc tốt, người trộm ngô của Ngài cũng là người tốt, việc anh ta làm cũng là việc tốt.
Bố thí có thể tích lũy công đức, công đức là trợ duyên vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Nếu như làm bố thí còn tham cầu đền ơn, công đức bèn biến thành phước đức rồi, quả báo phước đức ở ba đường thiện, không ra khỏi lục đạo luân hồi. Trên đời người học Phật rất nhiều, tu tập tích lũy một đời đều là phước đức, không phải công đức! Họ để trong tâm toàn bộ những việc tốt mà họ đã làm, không những để trong tâm mà còn thường thường treo ở cửa miệng, chỉ sợ người khác không biết.
Thế nào mới có thể thu hoạch công đức vậy? Nếu như đối với việc tốt mà bản thân đã làm qua không để trong tâm, mà còn gần như quên mất rồi, phước đức liền biến thành công đức rồi. Việc bố thí của lão Hòa thượng Hải Hiền là công đức, việc bố thí của Ngài không cầu đền ơn. Tâm địa Ngài thanh tịnh như thế, một bụi trần không nhiễm, ngoài một câu Phật hiệu ra, trong tâm Ngài cái gì cũng không có.
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)