Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đạt đến Bất Niệm Tự Niệm

Niệm Phật là một kỹ xảo tu hành vì không niệm Phật liền khởi vọng tưởng
Vừa rồi có một vị đồng tu gởi đến tôi một bức thư nói rằng: Anh trước khi tĩnh tọa niệm Phật thường đem Kinh A Di Đà đọc qua một lần, sau đó đọc chú Vãng Sanh ba lần, tiếp đó là đọc thầm Thánh hiệu A Di Đà Phật, anh cảm thấy công phu tương đối là có sự đắc lực. Nhưng rất nhiều lần khi anh đang đọc tụng Kinh A Di Đà, một biến Kinh còn chưa đọc tụng xong, thì tự động trong tâm anh khởi lên câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật rõ rõ ràng ràng, không nhanh không chậm trầm tĩnh nhẹ nhàng. Anh hỏi tôi loại niệm Phật này có phải là Bất Niệm Tự Niệm mà trên sách các Tổ sư đã nói hay không?
Không phải vậy, đây không phải là Bất Niệm Tự Niệm, chúng ta đối với cái hiện tượng này không nên hiểu lầm. Vậy cái hiện tượng này là gì? Là công phu niệm Phật của ta vừa mới được đắc lực, đây là một hiện tượng tốt. Nói đến Bất Niệm Tự Niệm cái công phu này rất cao, chúng ta có thể nói là còn cách nó rất xa rất xa. Cái Bất Niệm Tự Niệm này cũng giống như trong trường học là lớp tiến sĩ, còn chúng ta hiện nay chỉ là đang học lớp mẫu giáo mà thôi, chưa thể đạt được cảnh giới đó. Nếu ta chân thật đạt được Bất Niệm Tự Niệm rồi thì ta sẽ không có những nghi hoặc này khởi lên trong tâm, nói thật là trong tâm lúc đó cực kỳ thanh tịnh, ngoài một câu A Di Đà Phật ra thì bất cứ một ý niệm nào cũng đều không có. Cho nên hễ chúng ta vẫn còn có vọng niệm, vẫn còn có nghi hoặc, vẫn còn có chấp chước….thì dù công phu niệm Phật của ta có bao nhiêu đắc lực, thì cũng không thể xem như mình đã đạt đến Bất Niệm Tự Niệm được.
Tuy nhiên cái cảnh giới công phu đắc lực này là một cảnh giới tốt. Loại cảnh giới này hầu như người niệm Phật tinh tấn nào cũng đều đã từng trãi qua, đều có cái cảnh giới này. Nếu chúng ta có thể luôn duy trì cái cảnh giới này thì rất tốt. Chúng ta ở đây cần phải ghi nhớ rằng dù đây là cảnh giới tốt, nhưng tuyệt đối đừng chấp chước nó, cũng đừng để tâm đi tìm cách lý giải nó, phỏng đoán nó, bởi vì nếu chúng ta quá chấp chước nó thì nhất định là tự mình đang gây ra phiền phức cho mình, ma chướng lập tức hiện tiền.
Phàm là khi bước vào thời khóa công phu chính, thì trước khi niệm Phật thường sẽ đọc tụng một bộ Kinh, tụng Chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh…mục đích của việc đọc tụng này chính là để định tâm, khi tâm đã an Định thì đề khởi câu Phật hiệu sẽ dễ dàng đi đến chổ đắc lực. Nhưng nếu như bản thân ta tâm rất thanh tịnh, công phu dễ đắc lực, tâm dễ dàng nhiếp vào trong câu Phật hiệu, thì Kinh và Chú cũng không cần phải đọc tụng nữa, trực tiếp đề khởi câu Phật hiệu là được.
Hoặc trong lúc công phu, chúng ta niệm Phật cũng niệm được thanh tịnh, đột nhiên trong tâm tự động lưu xuất ra một đoạn Kinh văn A Di Đà, hoặc có khi là một đoạn của Chú Đại Bi, hoặc là Chú Vãng Sanh…Lúc này chúng ta không nên tùy thuận theo tự nhiên, cũng tức là không nên tùy thuận theo đoạn Kinh văn lưu xuất ra mà đọc, chúng ta cần phải chuyên tâm chú ý hơn nữa trên câu Phật hiệu. Nếu Kinh văn cứ mon men xuất hiện thì chúng ta cần phải đề cao cảnh giác đây chỉ là một loại tạp niệm mà thôi, chúng ta không cần phải đề ý đến nó, nó có khởi dậy thì cũng cứ mặc kệ nó, cứ chuyên chú vào trong câu Phật hiệu. Thời gian lâu rồi thì công phu niệm Phật sẽ được đắc lực, khi đó cái hiện tượng này sẽ không còn nữa. Nói một cách khác thì đây chính là trong lúc dụng công niệm Phật, công phu của ta không đủ để chế phục tập khí phiền não của chính ta, cho nên mới có cái hiện tượng này xuất hiện.
Có nhiều vị đồng tu khi tọa thiền niệm Phật cảm thấy như chính mình đã nhập vào trong cảnh giới, lúc này trên đỉnh đầu như có ánh sáng mãnh liệt như ánh sáng mặt trời vậy đang chiếu vào. Cái hiện tượng này nếu ta không để ý đến nó thì sẽ là cảnh giới tốt. Trên Kinh, Phật có nói với chúng ta:
“Phật quang là dịu dàng mát mẽ, khi chiếu vào thân thể thì vô cùng dễ chịu. Còn ánh sáng của ma thì nó rất khó chịu, giống như ánh sáng mặt trời”.
Chúng ta phải nên biết, cái ánh sáng này cũng có thể là Phật quang, cũng có thể là ma quang. Tuy nhiên cho dù là Phật quang hay là ma quang chúng ta tuyệt đối cũng đừng nên để ý đến nó, hãy cứ chuyên tâm niệm Phật cho thật tốt là được. Bởi vì nếu ta để ý, chấp vào nó, ưa thích nó, thì mỗi khi bước vào thời công phu trong tâm sẽ có sự mong ngóng, tâm không thể thanh tịnh mà niệm Phật. Ma biết được chúng sẽ biến hóa ra những cảnh giới này ngày ngày dụ hoặc ta, lôi kéo ta chìm đắm sâu vào trong đó, để rồi chúng từ từ chiếm lấy thân và tâm ta, khiến cho ta tẩu hỏa nhập ma, dần dần trở nên điên loạn, không cách nào có thể làm chủ lấy thân và tâm mình nữa. Một người một khi bị tẩu hỏa nhập ma thì đành chịu, không cách nào kéo họ trở lại là một người bình thường được nữa.
Đối với người niệm Phật, trên con đường tu chắc chắn là không tránh khỏi ma chướng. Tuy nhiên nếu chúng ta cứ giữ chặt lấy câu Phật hiệu ở trong tâm, dù bất cứ cảnh giới nào xuất hiện hãy cứ mặc kệ nó, đừng quan tâm, cũng đừng tìm cách lý giải nó, chúng ta chỉ quan tâm duy nhất đến câu Phật hiệu chúng ta đang niệm mà thôi, được vậy thì sẽ tránh được rất nhiều ma chướng, con đường tu hành cũng sẽ là một mảng quang minh.
A Di Đà Phật!
_ Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không_
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *