Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Chia sẻ Phật pháp trên mạng internet phước báo của bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi, vì bạn giúp tiếp nối Phật huệ mạng

Tây Phương Tam Thánh
Đức Thế Tôn suốt 49 năm giảng kinh dạy học giáo hóa chúng sanh. Pháp vận của ngài có chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp, ba thời kỳ, trải qua ba thời kỳ này. Tuy Đức Phật không còn ở thế gian, ngài đã diệt độ, pháp vận của Phật bắt đầu từ khi ngài diệt độ. “Một thời Phật giáo hóa, trải qua ba thời kỳ chánh pháp, tượng pháp, và mạt pháp. Phật tuy diệt độ, pháp nghi không thay đổi, gọi là thời kỳ chánh pháp”. Thời gian Phật diệt độ chưa xa, những quy củ dạy học đều còn, đều không thay đổi, cũng gần giống như Phật còn tại thế, nên hàng đệ tử đều có thể giữ gìn, đều có thể tuân thủ, y giáo phụng hành, đây gọi là thời kỳ chánh pháp.
“Phật diệt độ lâu”, thời gian ngày càng lâu, “đạo hóa ngày càng sai lầm”, những phương pháp về đạo để giáo hóa chúng sanh, có sự thay đổi, không giống như thời kỳ chánh pháp, đây gọi là “tượng pháp”. Tuy có thay đổi, vẫn được, vẫn còn một chút giống, gọi là tượng pháp.
“Lại chuyển thành không quan trọng, gọi là thời kỳ mạt pháp”. Sau thời tượng pháp, thực tế ngày càng xa giáo pháp của Phật, hoàn toàn khác nhau, đây gọi là mạt pháp. “Như vậy mới nói chánh pháp mới chứng đắc”, đã nói cho chúng ta rất cụ thể. “Tượng pháp hơi giống, mạt pháp trở thành bé nhỏ”.
Bên dưới trong Nhân Vương Kinh Sớ nói rất rõ ràng, nói rõ hơn ở trước. “Có dạy có hành, có chứng đạo quả, gọi là chánh pháp”. Y theo Phật pháp tu hành, tuy Phật không tại thế, thật sự trì giới tu định, đích thực có thể chứng quả A la hán. Chứng quả A la hán không nhiều, nhưng chứng sơ quả, nhị quả nhiều, tam quả cũng không ít. Đây là chánh pháp, có tu có chứng.
“Tượng pháp có dạy có hành, mà không chứng quả, gọi là tượng pháp”. Còn chút tương tự, có giảng kinh, có học thuyết giảng, có thật sự y giáo phụng hành, nhưng không có chứng quả. Đây gọi là tương tự, tương tự tức không phải thuần chân. Càng về sau nữa “tuy có giảng dạy, nhưng không hành không chứng, gọi là mạt pháp”, hiện nay là gì? Mạt pháp là vẫn còn dạy, có giảng kinh dạy học, nhưng không có hành không có chứng. Nếu như giảng kinh dạy học đều không có, thì sau thời kỳ mạt pháp sẽ là diệt pháp. Pháp sẽ diệt, không còn nữa, điều này thật đáng sợ.
Chúng ta đọc đoạn văn này, bản thân chúng ta tự động phát tâm muốn làm đệ tử Phật. Làm đệ tử Phật mà khiến pháp của Phật diệt tận, Đức Phật có hy vọng có đệ tử như vậy chăng? Hàng đệ tử này rất nhiều, như vậy là sao? Lúc Đức Thế Tôn tại thế, ma vương ba tuần nói với ngài, nó muốn hủy diệt Phật pháp. Phật nói với ma ba tuần, pháp của ngài là chánh pháp, không ai có thể hũy diệt chánh pháp. Chỉ nghe nói tà không thắng chánh, không nghe nói tà có thể diệt được chánh. Ma ba tuần nói: Đợi đến thời kỳ mạt pháp, tôi sẽ để cho ma con ma cháu của tôi đều xuất gia, để diệt pháp của ngài. Đức Phật nghe vậy không nói lời nào, chỉ rơi nước mắt.
“Tuy có dạy giáo pháp, nhưng không hành không chứng”, chúng ta phải đem nó từ diệt pháp trở về mạt pháp, lại từ mạt pháp trở về đến tượng pháp, từ tượng pháp trở về đến chánh pháp. Cứ như vậy mà suy yếu dần, chúng ta lại nghĩ cách để đưa nó lên, muốn ngay lúc này làm đến tượng pháp, còn chánh pháp thì không làm được. Ta chỉ có thể nâng lên một đoạn, quý vị không thể tiếp tục nâng cao thêm nữa, nâng cao thêm nữa là việc của người đời sau. Phật pháp thật sự có thể khôi phục đến tượng pháp, khôi phục đến chánh pháp, phải có người thật sự nổ lực, cần mấy đời? Chúng ta nghĩ ít nhất phải trên năm đời, lời này căn cứ vào đâu? Căn cứ vào Thiền tông của tổ sư Đạt Ma truyền đến Trung quốc, thiền tông truyền đến Trung quốc, truyền cho mấy người? Truyền một người, ngài truyền cho một mình ngài Huệ Khả, Huệ Khả cũng truyền cho một người. Truyền đến đời thứ sáu, Ngũ tổ truyền cho Lục tổ, Lục tổ mới phát triển Thiền tông rộng rãi, truyền cho 43 người. 43 người này lại tiếp tục truyền bá rộng ra, truyền ra khắp Trung quốc, thiền tông khai hoa kết trái ở Trung quốc.
Bởi thế ngày nay quan trọng nhất là thắp lửa tương truyền, không được để nó tắt mất, một người hai người cũng rất đáng quý, như vậy thì không đến nỗi đoạn tận. Một người hai người này, chẳng những phải giảng mà còn phải hành.
Tịnh tông chứng quả chính là vãng sanh, dễ dàng, không khó. Thiền đại triệt đại ngộ không phải là việc dễ làm. Hoàng Niệm tổ nói: từ đây về sau Thiền và Mật đều không có người chứng. Căn tánh chúng sanh không như xưa, học Thiền không thể được định, đừng nói là khai ngộ, đến đắc định cũng không được. Người học Mật cũng không thể tương ưng, họ không làm được tam mật tương ưng. Không có người học, không học nữa. Mặc dù đã học, nhưng một năm giảng được mấy ngày, chỉ làm lấy lệ, không thể kiên trì, nhất định phải kiên trì không thay đổi.
Đức Thế Tôn dạy học suốt 49 năm, chưa từng nghe nói có ngày nào nghỉ. Mỗi ngày đều dạy, không có lúc nào nghỉ, vui vì điều này không hề mệt mỏi, ngày ngày giảng.
Chánh pháp cửu trú là mục đích của chúng ta, niệm niệm không quên. Bởi thế có niệm tất sẽ thành, nhưng chắc chắn không phải vào thời đại của chúng ta, cũng không phải ở đời sau, ít nhất phải năm đời nữa, chúng ta phải nỗ lực đặt nền tảng. Thật sự gặp được người có duyên, người có duyên trong kinh nói rất hay: Họ là người tái sanh. Khi có chúng sanh, trồng các thiện căn, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Đây là người tái sanh, không phải người tái sanh thì không làm được.
Phật diệt độ 3038 năm. 1000 năm chánh pháp đã qua, 1000 năm tượng pháp đã qua đi, mạt pháp 10.000 năm, 1000 năm đầu cũng đã qua đi, năm nay là năm thứ 38 của 1000 năm thứ ba. Bởi thế chúng ta nói chính xác thì mạt pháp vẫn còn 9000 năm. Trong 9000 năm này, Phật pháp có bị diệt tận chăng? Chúng ta đều rất quan tâm đến vấn đề này.
Tôi thỉnh giáo đại sư Chương Gia, Phật pháp có diệt tận chăng? Ngài nói, Đức Phật nói sẽ không sai, ngài không có vọng ngữ. Đức Phật nói thời kỳ mạt pháp còn 9000 năm, nhất định Phật pháp sẽ không bị diệt. Nhưng Phật pháp có hưng có suy, điều này không thể tránh khỏi. Trong 9000 năm có hưng có suy, hiện nay Phật pháp đã suy yếu đến tận cùng, hầu như là diệt pháp. Nhưng sẽ được hưng khởi. Ai có thể phục hưng? Chính như trong bộ kinh này nói: “Khi có chúng sanh, trồng các gốc thiện, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, vì được oai lực của Đức Như Lai này gia trì”. Họ sẽ thừa nguyện tái sanh, khiến Phật pháp được hưng khởi lại.
Những gì trong kinh nói, những người nối huệ mạng Phật, đều là thiện căn vô cùng sâu dày, quá khứ cúng dường vô số chư Phật Như Lai. Được Phật Di Đà gia trì, được Chư Phật gia trì, lại trở về nhân gian. Chỉ có giảng dạy, không có giảng dạy sẽ biến thành diệt pháp. Chúng tôi đã làm suốt 53 năm, 53 năm có giảng dạy, cũng có hành, không có chứng. Hành chưa đủ, chúng ta phải bổ sung việc thực hành, bổ sung bằng cách nào? Giới không có, quy củ cũng không, nên ngày nay tại gia không làm đúng Thập Thiện Nghiệp Đạo; xuất gia không thực hành được Sa Di Luật Nghi, đây là không có hành. “Tuy có dạy, nhưng không có hành, không có chứng”. Đây gọi là mạt pháp, sau mạt pháp là diệt pháp. Vấn đề này vô cùng quan trọng, nếu nói đến dạy cũng không. Nghĩa là giảng kinh cũng không còn thì không gọi là mạt pháp, mà gọi là diệt pháp, pháp sẽ diệt. Còn có giảng kinh, không có tu hành, không có chứng quả, đây gọi là mạt pháp. Giảng kinh cũng không còn, Phật pháp sẽ diệt.
Nói cách khác, ở sau còn 9000 năm, Phật pháp có bị diệt chăng? Đại sư Chương Gia dạy, phải tin vào Đức Phật, Phật pháp không bị diệt. Trong 9000 năm, Phật pháp có hưng có suy, đây là điều tất yếu. Bây giờ chúng ta đã tận mắt chứng kiến, suy yếu đến tận cùng, sẽ có người đứng ra phục hưng Phật pháp, là những ai? Là người tái sanh, không phải người bình thường, là những người có đại thiện căn. Trong quá khứ từng cúng dường chư Phật Như Lai, hiện nay được Phật A Di Đà, được Chư Phật Bồ Tát gia trì, họ đầu thai đến nhân gian, dần dần đưa Phật pháp trở lại hưng thịnh như xưa.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 568
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 31.08.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *