Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị, Lời dạy của đức phật

Cầu xin cho hết bệnh thì nhất định sẽ mất phần Vãng Sanh

Vãng Sanh Tịnh Độ
Ấn Tổ nói, nếu khi bệnh xuống, mà chư vị phát tâm Niệm Phật cầu xin cho hết bệnh thì nhất định sẽ mất phần Vãng Sanh. Xin hãy lắng nghe cho thật kỹ lời dạy của Tổ. Ngài nói chư vị thực sự muốn đi về Tây Phương, nếu có gặp một căn bệnh ngặt nghèo thì không buồn, không sợ, nhờ vậy mà tinh thần sẽ vững vàng, nhiều khi vui mừng nữa là khác.
Tại sao vậy? Tại vì ta sắp được về Tây Phương gặp A Di Đà Phật rồi, sớm được giải thoát khỏi cái hầm phân nhơ bẩn rồi, sớm xa lìa cõi Ta Bà khổ ải này rồi. Ngài nói: “Ví như ngày hôm nay ta chết đi thì ta về miền Cực Lạc liền, có lý do gì mà phải hẹn đến ngày mai. Dẫu cho sống thêm 120 tuổi cũng đâu có gì phải mừng đối với người muốn vãng sanh thành đạo”. Nếu chư vị có được tâm niệm này thì rất dễ tương ứng với đại nguyện của A Di Đà Phật.
Ở Việt Nam có rất nhiều người vãng sanh. Những người nghèo khó hàng ngày đi bán bánh ú ngoài đường để kiếm tiền sống tạm từng bữa, vậy mà rất dễ vãng sanh. Một ông ăn xin lê lết ngoài đường, cuộc sống quá khổ, khi bị bệnh, đồng tu thấy thương tình tới hộ niệm cho ông. Ông nói:
– Chư vị ơi!… Làm sao giúp cho tôi chết sớm đi, cuộc đời tôi khổ quá rồi!.. Tôi không muốn sống nữa.
Khi ông tha thiết muốn được chết sớm, thì người hộ niệm nói:
– Không chết!… Không chết!…
– Nếu không chết thì tôi còn tiếp tục chịu khổ nữa sao!…
– Không khổ!… Không khổ!… Ông không chết, nhưng ông vãng sanh về miền Cực Lạc. Bao nhiêu năm tháng qua ở đây ông chịu khổ nhiều quá rồi. Như vậy, coi như ông đã trả gần hết nghiệp rồi đó. Vì đời trước ông làm nhiều điều tệ hại, đời này ông phải chịu nạn. Ông chịu nạn càng nặng thì nghiệp chướng của ông càng nhẹ đi. Bây giờ ông đã chán cuộc sống khổ sở này rồi, thì hãy lấy tất cả lòng chân thành niệm Phật, tha thiết cầu nguyện đi về Tây Phương với Phật để hưởng đời an vui Cực Lạc nhé. Hãy chắp tay lại niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật, xin Phật cho con về Tây Phương ngay ngày hôm nay” đi nhé. Thành khẩn mà nguyện.
Người ta dạy cho ông ta như vậy, rồi ông ta làm theo:
– Nam Mô A Di Đà Phật, xin Phật cho con được về Tây Phương Cực Lạc liền đi Phật ơi!…
Chỉ như vậy thôi, mà ông ra đi để lại thoại tướng bất khả tư nghì, bất khả tư nghì.
Còn chúng ta ở đây, có lẽ sướng quá, chưa thấy khổ nên chưa thấy chán cõi Ta Bà. Xin thưa thực, có người tu học theo Phật Giáo mà không dám nguyện vãng sanh, nhiều khi nguyện láo. Hoặc vì không tin lời Phật dạy, hoặc vì thâm tâm còn sợ chết!… Rõ ràng, “Đắc thất nan truy họa phước”, được mất chưa biết đâu là phước hay họa. Người được sống ở nước ngoài đang hưởng phước mà cuối cùng lại dễ bị họa. Những người khổ sở hình như đang bị họa, nhưng nếu gặp được cơ duyên họ dễ lấy cái họa đó mà chuyển thành phước. Rõ ràng “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Họa-Phước không có tự tánh, chỉ do tự con người chiêu cảm lấy… Trong kinh Phật nói: “Nhược năng chuyển cảnh tức đồng Như Lai”. Hay quá chư vị ơi!… Người ta thực sự đối diện với cái khổ nên thực sự chán cảnh khổ, dễ chuyển cảnh giới khổ cực này để đi về Tây Phương thành đạo, hưởng đời đời an vui cực lạc. Còn những người ở nước ngoài không thực sự đối diện với cảnh khổ, họ lấy cảnh vui giả tạm làm vui thực mà chờ đợi cảnh giới đau khổ não nề trong tương lai!…
Chúng sanh sao mà lười biếng việc giác ngộ quá!… Những năm tháng vừa qua mới sống trong những nơi nghèo khổ, chiến tranh triền miên, bom rơi đạn lạc, nhà tan cửa nát… khổ muốn chết luôn! Vậy mà vừa mới đó đã liền quên hết. Những cảnh khổ hiện ra ngay trong đời này mà đã quên rồi, thì hãy nghĩ thử, trong nhiều đời nhiều kiếp khác mình bị nạn trong ba đường ác làm sao còn nhớ. Lúc còn đang bị đọa lạc, sự khổ đau nói sao nên lời! Sanh tử luân hồi khổ đau bất tận!… Nhưng qua một cuộc cách ấm thì quên hết trơn rồi, chúng sanh lại tiếp tục mê mờ lăn xả vào việc tạo nghiệp để chuẩn bị nhận quả báo khổ đau mới trong tương lai. Nếu biết ngộ ra sự thực này, thì chúng ta mới biết sợ, sợ đến rợn tóc gáy luôn. Ấn Tổ nói, lo sợ rằng khi ta chết đi bị đọa vào tam ác đạo mà phải lo niệm Phật. Thật thấm thía quá!…
Trở lại vấn đề hộ niệm, nếu ai quen biết với người bệnh sắp chết mà tới Đạo Tràng cầu xin hết bệnh đó, hãy tới giới thiệu cho người ta pháp vãng sanh đi, hãy khuyên người ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ đi. Chư vị có thể khuyên họ cùng với gia đình tới đây để Diệu Âm khuyên hộ cho. Mình thành tâm khuyên người ta vài lời. Nếu họ tin được thì phước đức cho họ. Còn người ta không tin thì tất cả đều phải tùy duyên, chứ không biết cách nào khác hơn. Chư Phật không độ kẻ vô duyên. Người không tin chư Phật độ không được, thì chúng ta làm cách nào khác hơn…
– Chị ơi!… Hãy tới đây niệm Phật và tha thiết cầu xin vãng sanh đi. “Nam Mô A Di Đà Phật. Xin Phật cho con về Tây Phương Cực Lạc”… Con biết với căn bệnh này, con chỉ còn sống một tháng nữa là nhiều lắm rồi. Xin Phật thương con cho con sớm về miền Cực Lạc.
Nếu người đó phát tâm tin tưởng làm đúng theo, họ sẽ vãng sanh trước mặt chư vị cho chư vị coi. Còn nếu đã đến giai đoạn chờ từng ngày để chết, bệnh viện đã chịu thua rồi, mà cứ khấn nguyện sống thêm được ngày nào hay ngày đó, chạy chữa theo kiểu còn nước còn tát, tâm hồn sợ chết… thì dù cho chúng ta có ngồi bên cạnh niệm Phật cũng không giúp được gì!…
Nói đến đây, Diệu Âm chợt nghĩ tới những người hộ niệm, có người sau khi trợ duyên được mấy mươi người ra đi được tốt lành, thì họ tự tin mà nói rằng: “Tôi có khả năng cứu người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Thật là một lời nói sơ suất!… Xin những người này hãy thành tâm sám hối liền đi. Lời này không đúng đâu, lại mang nặng tính thượng mạn rồi!…
– Nếu người bệnh mà quyết lòng cầu xin hết bệnh, dù chư vị có giỏi cho mấy đi nữa, thì người bệnh cũng mất phần vãng sanh.
– Nếu người bệnh lúc ra đi còn nhớ gia tài, dù chư vị có giỏi cho mấy đi nữa thì người bệnh cũng phải đọa lạc, không thể vãng sanh đâu.
– Nếu người bệnh trước mặt mình thì niệm Phật nguyện vãng sanh. Khi vắng mình rồi, họ nói: “Trời ơi!… Con kiến mà còn muốn sống, thì tại sao lại bắt tôi phải vãng sanh”… Người còn sợ chết, thì dẫu cho người hộ niệm có giỏi cho mấy cũng đành chịu thua. Nhiều khi, xin thưa thiệt, A Di Đà Phật có đứng bên cạnh đó cũng không cách nào cứu người đó thoát vòng sanh tử luân hồi được.
Cho nên, xin chư vị phải hiểu rằng, được vãng sanh hay không là chính ở tại người bệnh.
Trích: Hành Theo Ấn Tổ ( Toạ Đàm 31)
Được gắn thẻ , , , , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *