Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Cái gì là công đức chân thật?

🩸 Bạn xem câu: “Tu chư công đức, nguyện sanh Tịnh Độ”. Cái gì gọi là công? Cái gì gọi là đức? Điều này bạn không thể không biết. Nói một cách đơn giản, công là công phu, đức chính là thứ bạn thu hoạch. Người Trung Hoa thường nói: “Một phần cày cấy, được một phần thu hoạch”, bạn đã hạ công phu thì bạn mới có thể thu hoạch, thu hoạch chính là đức. Chữ “đức” này cùng với chữ “đắc” tức là đạt được cùng một ý nghĩa. Bạn có công thì bạn mới có đức, công đức nhất định là phải do chính mình tự tu, tuy chúng ta hồi hướng cho người khác nhưng người khác thật sự có nhận được hay không? Nếu chí thành hồi hướng thì sẽ được lợi ích, không thể nói là họ không được lợi ích, nhưng họ nhận được có giới hạn, họ nhận được là phước đức. Phước đức của chúng ta họ có thể nhận được, công đức chân thật thì họ không nhận được.
🩸 Cái gì gọi là công đức chân thật? Chúng tôi xin nêu lên một thí dụ đơn giản, trì giới thì có công, thanh tịnh bình đẳng chính là đức, chúng ta trì giới thì sẽ được gì? Sẽ được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm thanh tịnh này không có cách nào cho người khác được, họ phải tự tu, chứ họ không nhận được. Tu định thì có công, tu định chính là tu thanh tịnh bình đẳng sẽ có công, khai trí huệ là đức. Trí huệ của tôi không có cách nào cho bạn được, tâm thanh tịnh của tôi không có cách nào cho bạn được. Cho nên bạn phải biết không có cách nào đem công đức cho người khác được, phước đức thì có thể cho được.
🩸 Phước báo hiện tiền của chúng ta, phước báo thật sự là từ ba loại bố thí mà có, cho nên chúng ta không thể không có phước. Nhất định phải biết nhà Phật thường nói: “Phước huệ song tu”, học Phật không thể không có phước. Phải có huệ, phải có phước. Huệ là đứng thứ nhất, phước cũng là đứng thứ nhất, phước không thể xếp thứ hai. Vì sao vậy? Chúng sanh ở thế gian này ai mà không ham thích phước báo? Bạn là người học Phật có trí huệ đầy đủ mà không có phước báo, người ta nhìn thấy bạn sẽ nghĩ “tôi không cần học Phật đâu, vì bạn không có một chút phước báo nào”, thế nên bạn không thể tiếp dẫn chúng sanh được. Nếu bạn muốn độ chúng sanh thì bạn phải thể hiện ra phước báo to lớn của mình, người ta nhìn thấy sẽ ngưỡng mộ, sẽ học theo bạn. Cho nên kinh Phật có nói, Bồ Tát thị hiện thành Phật phải mất thời gian 100 kiếp để tu phước. Tu phước là 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, mỗi một tướng tốt là phước báo, có phước tướng là do tu nhân mà có. Thật ra trên lý mà nói thì không cần, nhưng Phật phải làm như vậy để cho chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết việc tu phước là vô cùng quan trọng. Phật có tướng hảo trang nghiêm, nên khi tôn giả A Nan xuất gia, không có gì khác chỉ là nhìn thấy tướng hảo trang nghiêm của Phật mà Ngài vô cùng ngưỡng mộ. Ngài biết cái tướng tốt này chắc chắn không phải do cha mẹ sanh ra, chắc chắn là do tu mới có được, vì vậy Ngài mới xuất gia theo Phật tu học. Thích Ca Mâu Ni Phật hỏi Ngài A Nan: “Tại sao ông phát tâm xuất gia?” Ngài A Nan thành thật trả lời: “Bởi vì con nhìn thấy Thế Tôn có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, con cũng muốn trong tương lai tu được giống như Ngài, vì vậy con mới phát tâm.” Do vậy mới biết phước báo có tướng hảo là phương tiện đầu tiên để tiếp dẫn chúng sanh. Phật muốn phổ độ chúng sanh mà không có phước báo, không có tướng hảo quang minh thì làm sao độ chúng sanh được? Cho nên chúng ta phải chú ý đến điều này.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH VÔ LƯỢNG THỌ – TẬP 340
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG
Xin Thường Niệm: A DI ĐÀ PHẬT 🙏🙏🙏
NGUYỆN TINH TẤN TU HÀNH CẦU SANH TỊNH ĐỘ _(())_
HOAN NGHÊNH CHIA SẺ, CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG, TUYÊN LƯU PHẬT PHÁP _(())_
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *