Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Bỉ Phật giáo ngã niệm Phật tam muội (sự niệm và lý niệm)

Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương

Vô Lượng Thọ Phật dạy Đại Thế Chí Bồ Tát pháp Niệm Phật Tam Muội. Tam Muội là tiếng Phạn, nghĩa là Chánh Thọ. Niệm Phật, niệm thật hoan hỷ phi thường, niệm đến mức tinh thần no đủ, càng niệm càng lên tinh thần, là đạt Niệm Phật Tam Muội. Cảm thọ của phàm phu gồm năm thứ: khổ, sướng, buồn, vui, xả. Từ trời Dục Giới trở xuống, có đủ năm thứ này. Không có năm thứ này thì cuộc sống luôn bình ổn. Trời Sắc Giới khổ, sướng, buồn, vui đều chẳng có, chỉ có mỗi Xả thọ, chia thành tám đẳng cấp Tứ Thiền Bát Định. Do chẳng thể giữ được Định ấy vĩnh cữu, giống như đá đè cỏ, nên chỉ là tạm thời; nếu như đoạn dứt được cái gốc, liền thành tam muội.

Niệm Phật có Sự và Lý, Sự Niệm là nhất tâm nghĩ nhớ, chẳng quản là Sự hay Lý, mấu chốt là Nhất Tâm, hễ có tạp niệm vọng tưởng thì chẳng phải là Nhất Tâm. Thông thường, quá nửa người đời dùng tạp tâm niệm Phật, chứ nếu thật sự nhất tâm, sẽ trong một thất hay hai thất liền đắc tam muội.

Về Lý Niệm, niệm chính là Thỉ Giác, Phật là Bổn Giác. Bổn và Thỉ hợp nhau, Thỉ – Bổn chẳng hai, gọi là Niệm Phật. Lý niệm tức là Thật Tướng Niệm Phật. Người sơ học rất khó thực hiện được, hãy nên hạ thủ bằng Sự Niệm, từ Sự Nhất Tâm niệm đến Lý Nhất Tâm. Từ bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên mới thuộc về Lý Niệm, từ Thập Tín trở xuống đều thuộc về Sự Niệm. Niệm Phật có bốn cách:

– Một là Thật Tướng Niệm Phật, tức là niệm đức Phật nơi tự tánh, hiểu cặn kẽ chân tánh của tự tâm, chẳng dùng tâm ý thức, chúng ta chẳng thực hiện nổi.

– Hai là Quán Tưởng Niệm Phật như mười sáu phép quán. Lúc tâm tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm tưởng Phật biến thành Phật, tưởng cái gì liền biến thành cái đó. Tưởng chỗ nào có bệnh, chỗ ấy bèn có bệnh, thật đúng là chỗ nào cũng bệnh. Ngày ngày nghĩ tưởng khổ não, sao quý vị đoạn phiền não cho được? Mười sáu phép quán, tu phép nào cũng có thể thành tựu. Mười hai phép quán đầu đều là quán tưởng, phép quán thứ mười ba là quán tượng, phép quán thứ mười sáu sau rốt là Trì Danh Niệm Phật.

– Ba là Quán Tượng Niệm Phật, quán tượng Phật vẽ, đắp, hay đúc. Kinh dạy: “Đứng lên chắp tay, nhất tâm quán Phật”. Trong nhà nếu có điện thờ Phật, nếu có thời gian rảnh rỗi, chẳng được lìa khỏi Phật đường.

– Bốn là Trì Danh Niệm Phật, nhất tâm chấp trì danh hiệu, chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn. Đây là điều Đại Thế Chí Bồ Tát gọi là “tịnh niệm tiếp nối”. Trong bản chú sớ Quán Kinh, Thiện Đạo đại sư chỉ dạy vô cùng tường tận, phải tin vào lời Phật, đặc biệt là kinh Vãng Sanh. Ngoại trừ ba kinh Tịnh Độ ra, còn có Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương. Dẫu cho cổ Phật tái lai, thuyết pháp hoàn toàn mâu thuẫn với những kinh trên cũng chẳng tin theo.

Tiếng Phạn “tam muội”, Tàu dịch là Chánh Định, còn dịch là Chánh Tư. Tứ Thiền Bát Định của thế gian chẳng thể gọi là Chánh Định Chánh Tư, bởi chẳng thể giữ được chúng vĩnh cửu, chỉ tạm thời đè ép được phiền não chứ không đoạn được phiền não; còn Chánh Tư Duy đã ly khai vọng tưởng. Phàm phu khởi tâm động niệm không gì chẳng phải là tội, thiện ác hỗn tạp. Nhất tâm niệm Phật chính là Niệm Phật Tam Muội, cảnh giới ấy có sâu cạn khác nhau, công phu chẳng giống nhau. Đọc truyện ký xưa nay, thấy rất nhiều người niệm Phật ba năm liền có thể sanh tử tự ý, tùy nguyện vãng sanh, xem thế giới này có ai hữu duyên chăng, nếu vẫn còn có cơ duyên để độ, bèn chẳng ngại lưu lại thêm một thời gian nữa, nếu không sẽ sớm ngày vãng sanh.

Niệm Phật Tam Muội còn gọi là Nhất Hạnh Tam Muội, cũng gọi là Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội, Bát Nhã Tam Muội, Phổ Đẳng Tam Muội. Từ xưa, tổ sư đại đức đem hơn ba trăm hội giảng kinh trong cả một đời giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chia thành môn loại khác nhau, gọi là “phán giáo”. Tông Thiên Thai chia thành tám giáo, tông Hiền Thủ chia thành năm giáo. Ở đây, theo tông Hiền Thành chia thành Tiểu, Chung, Thỉ, Đốn, Viên.

Niệm Phật Tam Muội có Sự Niệm và Lý Niệm. Phàm những gì trọng nơi sự tướng là thuộc về Tiểu giáo sơ cấp, giống như tiểu học. Các tông khác: Tiểu chẳng thông Đại;pháp môn này tuy có thứ lớp nhưng cũng viên dung. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ giảng về Nhất Hạnh Tam Muội rất tường tận, Ngài truyền dạy Thiền Tông đốn ngộ. Thiền được nói trong Thiền Tông chẳng phải là Thiền Định trong Lục Độ, mà là Bát Nhã Ba La Mật. Vừa mở đầu Đàn Kinh, Lục Tổ dạy mọi người niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, minh xác Thiền Tông tu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

“Nhất Hạnh” nghĩa là ý chuyên chú, pháp môn Tịnh tông từ Sự Niệm có thể nhập Lý Niệm, cũng thuộc vào Nhất Hạnh Tam Muội, thuộc về Đốn Ngộ. Sau khi ngộ khởi tu, chưa thấy ai cũng có thể đốn chứng. So với Thiền Tông, Niệm Phật không đốn ngộ bằng, nhưng về mặt đốn chứng lại trỗi hơn Thiền Tông. Một đằng siêu thắng về mặt Ngộ, một đằng siêu thắng về mặt Chứng. Nhưng ngộ rồi chẳng nhất định sẽ chứng, bởi thế, cổ đức nói:

Đản đắc kiến Di Đà,
Hà sầu bất khai ngộ.
(Chỉ được thấy Di Đà,
Lo chi chẳng khai ngộ?)

Thấy đức Di Đà, tự nhiên khai ngộ, bởi thế so với Thiền Tông, Niệm Phật phải thù thắng hơn!

Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội thuộc vào cảnh giới Đại Thừa Chung Giáo, niệm một câu A Di Đà Phật bao gồm danh hiệu hết thảy chư Phật, chẳng sót một đức Phật nào. Tựa đề kinh A Di Đà vốn là “Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm). Hết thảy chư Phật đều vì chúng sanh giảng kinh A Di Đà! Phật giảng kinh là ứng cơ thuyết pháp, các kinh điển chủ yếu đều đã được dịch sang Trung Văn, trong đó, kinh khế cơ nhất là kinh A Di Đà, độ khắp ba căn, thâu trọn lợi độn, khiến cho chúng sanh bình đẳng được độ. Vì thế, đại sư Thiện Đạo nói: “Sở dĩ Như Lai xuất hiện trong thế gian chỉ là để nói Di Đà nguyện hải”.

Phật đã vì một sự kiện này mà xuất hiện trong thế gian, vì sao vẫn phải nói những pháp môn khác? Chỉ là do chúng sanh chẳng tin pháp môn này, chỉ có mỗi pháp môn này là pháp môn thành Phật ngay trong một đời. Ai có cơ hội một đời thành Phật thì người đó mới có thể chuyên tâm tin tưởng pháp môn này, nhưng những người như thế rất ít.

Trong cách phán giáo của tông Hoa Nghiêm, Bát Nhã Tam Muội thuộc về Đại Thừa Thỉ Giáo. Sơ Trụ Bồ Tát thật sự là bước mở đầu của Đại Thừa, Sơ Trụ phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Vì thế, gọi là Đại Thừa Thỉ Giáo. Nếu quý vị có dịp, hãy đọc cuốn sách vỡ lòng của Đại Thừa là Đại Thừa Khởi Tín Luận. Luận ấy là sách giáo khoa của Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, đương nhiên chúng ta xem chẳng hiểu!

Tiểu Thừa La Hán, Bích Chi Phật đã đoạn Kiến Tư Hoặc, vượt thoát tam giới lục đạo luân hồi, trong ba đức đạt được Giải Thoát đức, được tự tại; ngoài ra, Pháp Thân đức lẫn Bát Nhã đức đều chưa chứng đắc. Thập Trụ là giai đoạn mở đầu của Đại Thừa, Thập Địa là rốt cục của Đại Thừa. Địa thứ mười gọi là Pháp Vân địa.

Kinh Kim Cang cũng là Đại Thừa Thỉ Giáo, nêu lên những tiêu chuẩn của Bồ Tát, kinh dạy: “Nếu có Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát”. Lìa được bốn tướng mới tính là nhập môn, phân nửa trên là“ly tướng”; phân nửa dưới là: “Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến chẳng phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thì mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến”. “Kiến” là ý niệm, [câu trên đây ý nói] chẳng khởi tâm, chẳng động niệm. Nửa phần sau này là “ly kiến”. Ngay nơi một câu Phật hiệu liền khế nhập cảnh giới này, bốn tướng, bốn kiến đều chẳng có, phương pháp đơn giản, cũng là Đại Thừa Thỉ Giáo.

Cuối cùng là Phổ Đẳng Tam Muội. “Phổ” là phổ biến, rộng lớn vô biên, “Đẳng” là bình đẳng, tận hư không, khắp pháp giới, trọn chẳng có tướng sai khác, thật sự viên mão rốt ráo. Đem câu “nam mô A Di Đà Phật” dịch thành “quy y Vô Lượng Thọ” là Phổ Đẳng Tam Muội. Đem vô lượng công đức Phật A Di Đà đã chứng đắc biến thành cái nhân để tu cho chính mình, nhân tột biển quả, quả thấu nguồn nhân, nhân quả chẳng hai. Ta niệm là niệm Phật A Di Đà trong tâm ta, A Di Đà Phật là chúng sanh trong cái tâm niệm Phật. Chúng sanh, tâm và Phật là nhất tâm, nhất tâm không hai tâm, lập tức trong một niệm công đức viên mãn của chư Phật và chính mình dung hợp thành một phiến. Do đây, ta biết rằng: một câu Phật hiệu gồm đủ cả Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên.

Niệm Phật Tam Muội, cổ nhân gọi là đường tắt, nhưng Trì Danh là đường tắt nhất trong các đường tắt, dễ đi mau đến, xưng danh hiệu Ngài, bổn nguyện như thế. Tâm người phương này tạp loạn, ắt phải làm cho chuyên tâm một cảnh mới hòng được vãng sanh. Tôi thường yêu cầu các vị niệm kinh Vô Lượng Thọ ba ngàn lần, là nhằm tu tâm thanh tịnh, lại dùng lòng tin thanh tịnh kiên định để chấp trì danh hiệu, có thể đạt đến minh tâm kiến tánh, đắc Vô Thượng Bồ Đề, trong một đời có thể đạt được.

Lão pháp sư Đàm Hư khai thị trong Phật thất tại đạo tràng nọ ở Hương Cảng, có lưu lại một cuốn băng thâu âm, Ngài lại nói giọng Thiên Tân, tôi phải nghe hết ba ngày mới hiểu hoàn toàn. Người có thiện căn nghe được cuốn băng ấy có thể vãng sanh, tôi nhờ người làm thành CD, rồi lại chế thành băng thâu âm. Có người chuyên niệm một câu Phật hiệu, rồi đứng mà qua đời hoặc ngồi mà qua đời; người thật, việc thật, bọn họ làm được như thế, thân tâm lẫn thế giới đều buông xuống cả, cái gì cũng chẳng có. Thiện căn của mình có hợp với tiêu chuẩn hay không chính mình phải tự biết. Nếu vẫn là ba tâm hai ý thì chưa đạt được tiêu chuẩn! Cũng chẳng nghĩ đến Phật pháp, thế sự lại càng chẳng tưởng đến. Việc gì cần cứ làm, làm xong không nghĩ đến nữa, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật.

Lại như pháp quán tưởng và quán tượng, cứ chiếu theo Thập Lục Quán Kinh, quán mặt trời lặn, mở mắt, nhắm mắt vẫn có vầng thái dương. Dẫu có quán thành vẫn là chấp tướng, để đạt đến Tây Phương phải bỏ được tướng, nhưng trừ tướng cũng chẳng dễ gì.

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG LƯỢC GIẢNG
(Nguyên tác: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Thân Văn Ký)
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Đệ tử Lưu Thừa Phù bút ký
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT

Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *