Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Bạn có thể đến Tây phương Cực Lạc thế giới không?

Đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới
NẾU BẠN CÒN CHÁN GHÉT MỘT CHÚNG SANH, BẠN CÒN THÙ OÁN CHÚNG SANH ĐÓ, THÌ BẠN CÓ THỂ ĐẾN TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI KHÔNG? NÓI CHO CHƯ VỊ BIẾT: KHÔNG THỂ ĐẾN ĐƯỢC!
Pháp thứ nhất của Bồ Tát là phát tâm rộng lớn, phát tâm Bồ Ðề. Muốn vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới các vị đồng tu phải ghi nhớ kỹ càng, điều kiện vãng sanh mà Phật nói trong kinh có “hai câu tám chữ”. Trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, không kể là bậc Thượng, bậc Trung, hoặc bậc Hạ đều giống nhau ở chỗ “PHÁT BỒ ÐỀ TÂM, NHẤT HƯỚNG CHUYÊN NIỆM”.
Cái gì là Bồ Ðề tâm? Ðó là tâm muốn độ chúng sanh, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”; nếu bạn còn chán ghét một chúng sanh, bạn còn thù oán chúng sanh đó, thì bạn có thể đến Tây phương Cực Lạc thế giới không? Nói cho chư vị biết: “Không thể đến được”. Ðừng nói một ngày niệm đến mười vạn câu Phật hiệu, niệm một triệu danh hiệu Phật, bạn cũng không vãng sanh được. Tại sao vậy? Bạn không có Bồ Ðề tâm, điều này không thể không chú ý!
Lúc trước thầy Lý thường nói người đời nay niệm Phật, một vạn người niệm Phật chỉ có hai ba người vãng sanh. Không phải họ không tinh tấn, xâu chuỗi niệm Phật không bao giờ rời khỏi tay hết, miệng suốt ngày niệm “A Di Ðà Phật”, “A Di Ðà Phật” không ngừng. Tại sao họ không thể vãng sanh? Vì họ không có Bồ Ðề tâm, không phù hợp tiêu chuẩn để vãng sanh! “Nhất hướng chuyên niệm” họ làm được, nhưng “phát Bồ Ðề tâm” họ chưa làm được thì không thể vãng sanh!
Hôm qua Quán trưởng có nói chuyện với chúng tôi về Khổng Lão Phu Tử; đức học của ngài Khổng Tử có từng giai đoạn, từng giai đoạn thật rõ ràng, đây là gương tốt cho chúng ta noi theo. “Tam thập nhi lập”, ba mươi tuổi mới lập, lập gì vậy? Lập chí hướng. Nhà Nho nói “lập chí” là giống chúng ta nói “phát tâm” trong nhà Phật. Ðức Khổng Tử lập chí là lập chí học tập, cả đời dồn sức vào sự học vấn. Chúng ta hôm nay lập chí phổ độ chúng sanh, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, chí chúng ta lập là chí này. Tứ hoằng thệ nguyện là lập chí, chúng ta thiệt đã lập chưa?
Nhà Nho nói nếu không lập chí thì không có thành tựu gì có thể đề cập đến, tại sao vậy? Bạn không có phương hướng, không có mục tiêu, cho dù nỗ lực thêm nữa cũng sẽ không có kết quả. Pháp xuất thế gian so với pháp thế gian còn phải nghiêm khắc hơn nhiều, nếu bạn không phát tâm thì làm sao được? Cho nên thứ nhất phải phát nguyện, phát Bồ Ðề tâm tức là phát đại nguyện. Quá trình học tập của đức Khổng Tử đáng làm gương cho chúng ta noi theo.
(Trích: Tịnh Tông Nhập Môn, Lão Pháp sư Tịnh Không giảng tại Dallas, năm 1996)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *