Hiện nay, chúng ta thấy có một số đạo tràng chia ra nhiều ban tổ, có tổ in Kinh, cũng có tổ từ tế. Tổ Ấn Quang chỉ có một ban tổ, không có ban thứ hai. Cách làm này là chính xác. Tâm của Ngài chuyên nhất, trí tuệ tăng trưởng. Chúng ta ngày nay nếu muốn giảm bớt phiền não, tăng trưởng trí tuệ, thì hành nghi cả đời của Ấn Tổ rất đáng để chúng ta học tập theo. Sách mà Ngài cả đời đề xướng có ba loại như sau:
Thứ nhất là: Liễu Phàm Tứ Huấn, đây là quyển sách dạy chúng ta hiểu rõ, thông đạt nhân quả.
Thứ hai là Cảm Ứng Thiên Hội Biên, đây là sách của Đạo giáo. Câu nói “tu tập thiện nghiệp” hay “tiêu chuẩn của thiện ác ở đâu” trong Thái Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói rất hay. Tại sao Ngài không dùng Kinh Phật? Vì Kinh Phật nói phân tán ở trong rất nhiều Kinh luận, mà Cảm Ứng Thiên có thể nói là đem tất cả những thiện ác đã nói trong Kinh Phật tập trung lại, cũng giống như hội tập vậy, điều này hay. Chúng ta dùng Cảm Ứng Thiên Hội Biên làm tiêu chuẩn, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện.
Thứ ba là An Sĩ Toàn Thư. Chúng ta dùng quyển này làm tổng kết cho “tu tập thiện nghiệp”. Ở trong An Sĩ Toàn Thư có bốn thiên:
– Thiên thứ nhất là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Đây cũng là sách của Đạo giáo, văn tự còn ít hơn so với Cảm Ứng Thiên. Càng ít thì càng dễ dàng thọ trì. Cảm Ứng Thiên có hơn 1.000 chữ, Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn chỉ có hơn 700 chữ, cũng đều là tiêu chuẩn của thiện ác.
– Thiên thứ hai là Vạn Thiện Tiên Tập, chuyên nói về giới sát.
– Thiên thứ ba là Dục Hải Hồi Cuồng, chuyên nói về giới dâm. Đem “sát” và “dâm” làm trọng điểm quan trọng nhất đặc biệt giới thiệu cặn kẽ.
– Thiên cuối cùng là Tây Quy Trực Chỉ, mong mọi người niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc, vậy là cả đời này của bạn đã viên mãn rồi.
Ba cuốn sách này đều là do người Trung Quốc làm ra, không phải từ Ấn Độ truyền đến, không phải sách phiên dịch. Chúng ta đọc lên thấy rất thuận miệng, đọc những sách này thấy rất quen, toàn bộ tinh túy của Phật pháp ở trong đó cả. Cho nên ngày nay, tiếp theo Cảm Ứng Thiên chúng tôi lại giới thiệu với quí vị Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, đây là việc làm có ý nghĩa rất sâu.
“Liễu đạt nhân quả, tu tập thiện nghiệp”, hai câu nói này chính là sự nghiệp cả đời của Tổ Ấn Quang. Tổ Ấn Quang cả đời đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Hội Biên, An Sĩ Toàn Thư. Nếu như bạn không có duyên tiếp xúc được Phật pháp, mà bạn có được ba bộ sách này, cả đời này bạn thật sự có thể tin, có thể hiểu rõ, có thể y giáo phụng hành, thì bạn chắc chắn vãng sanh làm Phật.
Ba quyển sách này hợp lại, số lượng mà Hoằng Hóa Xã in ra vượt hơn ba triệu bản. Tôi đương thời nhìn thấy điều này thì vô cùng kinh ngạc và tự hỏi, Ấn Quang Đại Sư là Tổ sư một đời, tại sao Ngài không hoằng dương Kinh Phật mà đi hoằng dương những loại sách này? Kinh Phật Ngài cũng in, nhưng số lượng rất ít, tại sao ba bộ sách này lại lưu hành với số lượng lớn như vậy? Ngày nay xem lại, chúng ta mới hiểu được và thật sự thể hội được tâm bi của Tổ Sư. Kinh Phật nói quá sâu, người có thể đọc tụng, có thể hiểu rõ thì không nhiều. Ba bộ sách này dễ lý giải, dễ đọc, dễ hiểu, hoàn toàn khế cơ, khế lý, rộng độ chúng sanh khổ nạn. Ngày nay, chúng ta đọc thấy câu khai thị này của Thế Tôn, thật ra đây chính là sự tổng kết cả đời cứu độ chúng sanh khổ nạn của Tổ Ấn Quang, ngôn ngữ vô cùng đơn giản, nhưng ý nghĩa thật là quá sâu, sâu rộng vô tận. Chúng ta phải thể hội thật kỹ, phải cố gắng nỗ lực học tập thì ở ngay trong đời này chắc chắn có được thành tựu, không cô phụ một đời này, đời này đến nhân gian không hề uổng phí, mục tiêu của chúng ta sẽ đạt được thôi.
[Trích từ Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Giảng ký]
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không