No Image Available

Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát

 Category: Giảng luận  Tags: bồ tátBồ Tát Đạobước đường tuchúng sanhNhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Táttự caotự đạitự mãn |
 Mô tả:

Trên bước đường tu, chúng ta cần nỗ lực đi lên, đừng để lui sụt; vì lui sụt rồi thì tu lại rất khó. Lui sụt nghĩa là để cho nghiệp và phiền não phát sanh. Nghiệp dễ sanh ra và đáng sợ nhất là nghiệp tự mãn. Con người thường ưa tự mãn, tự cao, tự đại, tự thấy mình giỏi nhất, tốt nhất, không ai bằng mình. Phạm sai lầm này chắc chắn dẫn vào con đường tội lỗi. Ở đây, quý vị đã có giảng đường để tu học, có y đồng phục màu hoại sắc, có tâm an lạc và có được sức khỏe tốt. Đó là những thành quả đáng quý, cần giữ gìn và phát triển thêm.

Tâm an lạc và sức khỏe tốt là hai điều quý báu giúp chúng ta dễ dàng làm được Phật sự. Kinh nghiệm hành đạo cho thấy người có sức khỏe tốt, nhưng tâm bất an, cho nên công đức không chứa nhóm được. Vì vậy, trước nhất, chúng ta phải có tâm an lạc; nếu không, dù có tạo được công đức cũng không thể giữ gìn. Đạo Phật là đạo giải thoát, Đức Phật dạy một nghĩa duy nhất là nghĩa giải thoát, tức tâm an lạc. Ý thức như vậy, chúng ta làm được nhiều việc thì tốt, nhưng không làm được cũng không sao. Có tâm an lạc là bảo đảm đời sống tu hành chúng ta thăng hoa. Còn làm được việc, nhưng lại tự kiêu tự mãn, xem thường người khác, sẽ bị tổn giảm phước đức. Hoặc không làm được việc thì thất chí, buồn phiền, chê bai người làm tốt, sẽ bị đọa. Như vậy, thành tựu được việc trên bước đường tu tập tất nhiên là điều tốt, nhưng đừng để phiền não và nghiệp sanh ra. Được việc mà sanh ra phiền não và nghiệp là sự mất mát lớn cho người tu. Phải giữ tâm thanh tịnh. Mười phương ba đời các Đức Phật đều dạy một việc duy nhất là giữ thân khẩu ý thanh tịnh. Ba nghiệp không thanh tịnh thì tất cả việc làm đều trở thành phiền não trần lao nghiệp chướng.

Mùa An cư chúng ta gọi là tịnh nghiệp đạo tràng. Chúng ta đề bảng tịnh nghiệp đạo tràng và chúng ta tuyên cáo trước Hộ pháp Long thiên, trước Phật tử rằng đây là tịnh nghiệp đạo tràng, là mùa cấm túc An cư. Tuyên cáo như vậy xong, Hộ pháp Long thiên sẽ đến xem tịnh nghiệp của chúng ta ra sao. Phật tử thấy vậy cũng nghĩ rằng chúng ta nỗ lực tu hành, nên họ đến cúng dường. Nhưng khi đến, họ thấy quý vị gây nhau là đã phạm tội phá pháp; nói cho dễ hiểu là tội làm đồ giả. Phạm như vậy, phải tự biết là phàm nhân, không phải Thánh, còn sai trái, không thanh tịnh, cần tự khắc phục. Phát hiện ra lỗi nào, chúng ta phải tự sửa đổi; có như vậy mới tiến thân trên con đường đạo hạnh. Nếu không biết sửa đổi lỗi lầm, còn nổi nóng với người chỉ lỗi cho mình là tạo thêm ý nghiệp không thanh tịnh. Chúng ta nói ba nghiệp thanh tịnh trong mùa An cư, mà thực tế không thanh tịnh là đã phạm tội phá pháp. Ngài Nhật Liên dạy rằng đó là tội nặng nhất, nhiều người tu nhưng ít người đắc đạo vì lý do đó. Thiết nghĩ mỗi người phải tự kiểm tra thân tâm mình trước.

Đây là tịnh nghiệp đạo tràng, cho nên vô đây, chúng ta phải bằng mọi cách làm cho mình thanh tịnh. Có Thầy mới tu sơ hạ nói rằng bực tức lắm, vì bị kiềm chế nhiều mặt; nhưng vì nghĩ rằng đang tu trong tịnh nghiệp đạo tràng nên ráng chờ Tự tứ xong, sẽ giải quyết! Nghĩ như vậy vẫn tốt, vì sợ không giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh thì phạm tội, nên phải chờ hạ bảng tịnh nghiệp đạo tràng mới giải quyết. Có thể nói thực sự tu hành, nhờ có giới luật ràng buộc, chúng ta tạm gác mọi điều bất như ý, không giải quyết; nhưng khéo tu, được thân cận thiện tri thức, được nhắc nhở. Nhờ đó, sau ba tháng An cư, nếu chứng được quả Dự lưu, thì nghiệp hết; cho nên ý thức giải quyết của chúng ta cũng không còn là biết ba nghiệp không thanh tịnh đã được tiêu trừ. Riêng tôi, lúc mới tu, cũng rơi vô tâm trạng này. Gặp nhiều điều ức lòng, tôi ráng dằn xuống, chịu đựng bằng cách nỗ lực sám hối, lễ Phật, tụng kinh. Nhờ đem những gì Phật dạy vào tâm, xóa lần nghiệp của mình, nghĩa là tu chuyển hóa lần tâm xấu thành tốt. Từ đó, tôi phát hiện rằng nghiệp tiêu thì người sẽ xử sự tốt với mình. Trước chúng ta lầm tưởng người xấu với mình, nhưng thực họ xấu với “cái nghiệp” của mình. Ngài Huệ Tư dạy rằng người ta chửi mắng “cái nghiệp” của mình, không chửi mắng “mình”. Đừng lầm “nghiệp” và “mình”. Nét mặt hiện tướng dễ ghét là hiện tướng nghiệp, cho nên họ nói mình dễ ghét, mình đồng ý liền; như vậy là họ đã giúp mình xóa nghiệp, đừng lấy “nghiệp” làm “mình”. Trái lại, nghe nói trái tai, mình tự ái nổi giận là đã phát triển nghiệp làm cho công đức mất lần.
Mới vào hạ, chúng ta chưa quen; vì mỗi người ở một chùa, sinh hoạt khác nhau, cho nên sống chung đương nhiên có đụng chạm. Tuy nhiên, thực tu, chúng ta chuyển hóa lần bằng cách ý thức rằng tất cả người tu đều có cùng một mục tiêu và cùng một việc làm. Mục tiêu và việc làm giống nhau thì một khoảng thời gian sẽ giống nhau. Thật vậy, ở một số tịnh nghiệp đạo tràng, tôi thấy có nhiều người cùng suy nghĩ, cùng việc làm, nên lâu ngày ngoại hình của họ cũng giống nhau. Trong kinh diễn tả các Đức Phật đều giống nhau, đều có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đều có Tứ Vô lượng tâm, từ bi hỷ xả, v.v…
Mỗi người nghĩ một cách, sống một cách, thì không giống nhau. Vì thế, biểu tượng của các vị Bồ tát không giống nhau, vì mỗi vị Bồ tát có một hạnh nguyện riêng, hành động khác, suy nghĩ khác, nên các ngài hiện tướng khác nhau. Ngài Trì Địa Bồ tát chân lấm tay bùn. Việc tu hành của ngài là bắt cầu làm đường, không tụng kinh, nhưng dành thì giờ cho việc phục vụ chúng sanh. Trong hội Pháp Hoa, Đức Phật cho biết vị Bồ tát này có công đức đệ nhất, ngài làm việc với ý thức hòan toàn vì chúng sanh, vì thương Phật. Thiền định của ngài Trì Địa là như vậy.
Ban đầu chúng ta không hòa hợp được, vì nghiệp khác nhau; nhưng vào tịnh nghiệp đạo tràng, tất cả chúng ta cùng sám hối, cùng tụng kinh, cùng Thiền định, cùng quả đường, cùng chấp tác, nghĩa là cùng làm một việc, cùng một suy nghĩ. Tu hạnh Thanh văn của chúng ta có điều lợi là từ sai khác, lần lấy tâm Phật, hạnh Phật làm tâm hạnh mình, chúng ta lần lần giống Phật. Có như vậy, mới thấy tất cả bạn tu gần gũi, thân thương hơn, là gia đình mình, thể hiện đúng ý nghĩa xuất gia là bỏ nhà thế tục vào nhà Phật. Người đi tu nhớ nhà, về thăm gia đình, tuy thân xuất gia, nhưng tâm không vào đạo, một lúc phải hoàn tục, vì tâm là chính yếu quyết định mọi việc.
Xuất gia rồi, lấy chúng xuất gia làm quyến thuộc Bồ đề. Tôi trọn đời dành thì giờ thăm viếng, trao đổi, giúp đỡ, sách tấn Tăng Ni trên bước đường tu, vì tôi coi Tăng Ni, Phật tử là Bồ đề quyến thuộc. Không về thăm nhà không có lỗi, nhưng không thăm Tăng Ni trường hạ cảm thấy mình thiếu trách nhiệm. Coi người tu là Bồ đề quyến thuộc, từ đó chúng ta mới có đời sống tu hành, chính yếu là đời sống tâm linh. Phát hiện và sống được với đời sống tâm linh, tức sống với Bồ đề tâm, phát huy Bồ đề tâm mới là chí đạo. Từ đây mới khởi tu là tu trên Bồ đề tâm thì kết quả đạt được sẽ rất lớn lao. Lúc đó, đối với bạn đạo, chúng ta cũng quan hệ với họ qua Bồ đề tâm, cho nên không có khoảng cách không gian, thời gian ngăn ngại giữa ta và bạn đạo. Đó là điều quan trọng cần phát huy. Thí dụ tôi ở thành phố Hồ Chí Minh, quý vị ở Tiền Giang. Nếu chấp vào thân mạng, vào không gian thì chúng ta cách nhau xa và mỗi lần thăm nhau cũng tốn thì giờ. Nhưng đứng trên Bồ đề tâm, không lúc nào mà tôi không có mặt ở đây và trong tâm của quý vị lúc nào cũng nghĩ đến tôi.
Chúng ta luôn thương tưởng Phật, Bồ tát, Thánh Hiền, các bạn đồng tu; không có tình cảm thánh thiện đó, khó đắc đạo. Đó là điều quan trọng mà tôi muốn nhắc nhở tất cả quý vị. Như quý vị đã biết tôi tu Pháp Hoa. Nhiều người thường nghĩ rằng tu Pháp Hoa, mỗi ngày tụng cho hết một bộ kinh Pháp Hoa. Ba tháng tụng chín mươi bộ Pháp Hoa và ráng tụng chẵn một trăm bộ. Tụng như vậy cũng có công đức, vì đã cố gắng tập trung vào việc tụng kinh, ba nghiệp chúng ta theo đó được thanh tịnh. Vì lỡ phát nguyện, phải ráng tụng, nhờ đó cũng tự cắt bỏ được nghiệp trần lao. Đó là kinh nghiệm của tôi ở giai đoạn đầu, hay đặt chỉ tiêu cho mình là mùa An cư này sẽ tụng kinh nào, tụng bao nhiêu bộ. Với tinh thần phấn đấu này, nghiệp không thể phát sanh. Và tu Pháp Hoa, bước thứ hai, tôi triển khai việc tụng kinh văn ở khía cạnh khác. Tụng kinh văn có phước, nhưng ít. Tụng kinh phải hiểu nghĩa lý và ứng dụng vào cuộc sống có kết quả tốt mới là điều quan trọng. Từ đó, tôi đặt mục tiêu cần hiểu nghĩa lý của kinh. Kinh Pháp Hoa nói về nhân hạnh Bồ tát, gọi là giáo Bồ tát pháp là pháp Phật dạy Bồ tát tu hành. Chúng ta suy nghĩ Bồ tát tu thế nào và bắt đầu làm theo các ngài cho được kết quả tốt đẹp. Bước thứ hai, ít tụng kinh, nhưng bắt đầu suy nghĩ về việc làm của các Bồ tát. Trong kinh Pháp Hoa, quyển thứ bảy nói về các Bồ tát là Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, Diệu Trang Nghiêm và Phổ Hiền. Mỗi vị Bồ tát này có một hạnh khác nhau mà vị nào cũng tài giỏi xuất sắc và cũng rất dễ mến để chúng ta bắt chước tu theo.
Theo tôi, Bồ tát Dược Vương rất dễ mến. Ngài còn có tên là Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến là Bồ tát mà ai cũng muốn gặp, nên tôi khởi tu theo hạnh của ngài. Vì sao ngài có tên như vậy. Trong kinh nói Bồ tát này tu chứng được pháp Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn đà la ni, nghĩa là làm được như ngài thì gặp người nào, chúng ta cũng hiểu được họ. Thực tế cho thấy nhiều người thường phạm sai lầm, thích bắt người nghe mình, hiểu mình, mà không chịu hiểu người ta muốn gì. Áp đặt người ta nghe theo, chẳng ai nghe đâu. Quan trọng là phải hiểu người, trong kinh gọi là đà la ni, hay huệ giải nhờ có trực giác giúp chúng ta nhận ra được.
Hiểu người nghĩ gì, muốn nói gì là phải có đà la ni huệ giải và muốn có đà la ni huệ giải, phải bắt đầu lóng nghe trước. Đa số người muốn nói mà không muốn nghe, không nghe làm sao hiểu được. Nghe nhiều, ít nói là hướng tu của Bồ tát Dược Vương. Tăng Ni nào lập hạnh tu của Bồ tát này lần lần dễ mến, vì ít nói, thường nghe người khác nói. Nghe điều gì tâm đắc, mỉm cười gật đầu, họ sẽ thích và thương mình liền vì nghĩ rằng mình hiểu họ, cho nên có điều gì họ cũng muốn tâm sự với mình. Tôi phát hiện hạnh nguyện của Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát như vậy, nên tôi tập lóng nghe và dùng hiểu biết Phật pháp để giải thích, mở lối thoát cho họ. Không phải nghe rồi kể cho người khác. Thật vậy, người ta muốn gặp tôi để tâm sự, trút những nỗi khổ niềm đau của họ và mình khách quan, nên thấy sáng hơn, mới cho họ lời khuyên chính xác có lợi cho họ, họ mới muốn gặp.

Phật giới thiệu Bồ tát Dược Vương, nhằm chỉ dạy chúng ta tu Bồ tát đạo phải biết lóng nghe, thông cảm và giải quyết tốt đẹp cho người, mới tạo thêm được Bồ đề quyến thuộc. Trì tụng Pháp Hoa, chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu hành trạng của các vị Bồ tát. Học theo hạnh nguyện của các ngài, tâm hồn chúng ta sẽ giống các ngài, vì chúng ta có suy nghĩ giống và chúng ta áp dụng được hạnh đức của các ngài thì hành động và việc làm của chúng ta cũng giống các ngài. Học hạnh Bồ tát để tự trang nghiêm thân tâm như vậy, chúng ta sẽ thành tựu công đức, là người khách quý mà chúng sanh hằng mong đợi.

(Bài giảng trường hạ Linh Phong, Tiền Giang)


 Trở lại