Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Công đức Niệm Phật: dùng chân tâm diệt trừ vọng tâm, hóa giải nghiệp chướng

Ân sư Tịnh Không
Ác nghiệp từ vô thỉ là do vọng tâm sinh ra, công đức niệm Phật được khởi lên từ chân tâm. Chân tâm như mặt trời, vọng tâm như bóng tối, chân tâm vừa khởi, vọng niệm liền mất, như mặt trời ló dang thì đêm tối không còn. Mấy câu này là nói về công đức của việc niệm Phật, những lợi ích của việc niệm Phật, có thể diệt trừ tội nghiệp, tiêu trừ nghiệp chướng của bạn, vì sao? Ác nghiệp vô lượng vô biên từ vô thỉ kiếp đến nay là do vọng tưởng sinh, vọng là gì? Mê, mê mà không giác, đi ngược lại với tự tánh, nên họ mới tạo tất cả tội nghiệp. Tội nghiệp là gì? Mê lầm ngay từ đầu, cho rằng thân này là của ta, tất cả khởi tâm động niệm đều vì thân này, để thân này hưởng thụ, nhưng thân này là giả, không phải của ta.
Quý vị xem, chúng ta tận tâm tận lực vì nó, thật đáng thương, tạo tội nghiệp đầy thân. Khi có thân, đầu tiên là tự tư tự lợi xuất hiện, vì lợi ích bản thân, ta bắt đầu hại người. Tất cả khởi tâm, động niệm đều vì lợi ích chính mình, hại người lợi mình, khởi tâm động niệm là tổn người lợi mình. Trong quá trình đó ta đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, quả báo là rơi vào trong tam đồ: Địa ngục, ngạ qủi, súc sinh. Bởi thế điều đầu tiên Phật dạy chúng ta: Thân này không phải là tôi, mà thân thuộc về cái gì? Phật pháp gọi thân là ngã sở, chính là tôi sở hữu. Như áo quần vậy, áo quần không phải là tôi, mà nó là sở hữu của tôi, mình phải phục vụ cho áo quần ư? Không, vì sao? Biết nó không phải là của ta, cái gì mới là của ta? Cái gì là của ta? Có, giáo lý Đại thừa cho rằng thường, lạc, ngã, tịnh. Bốn chữ này là chân lý, không phải giả.
Thường là gì? Là vĩnh hằng bất biến, nếu còn thay đổi là vô thường, vô thường là giả, thường là chân. Đại sư Huệ Năng đã thấy nó, khi ngài trình kệ lên Ngũ tổ, câu thứ hai: Nào ngờ tự tánh, vốn không sinh diệt. Không sinh không diệt là thường, vốn không sinh không diệt là thường. Lạc, lạc là thật, khổ là giả, đây là sự an lạc tuyệt đối. Ngày nay chúng ta thường nói khổ lạc là một đôi, kì thực trong vũ trụ không có thứ tương đối. Nhị biên khổ-lạc đều xả bỏ, đó là chân lạc. Tôi có chân lạc, chân lạc là gì? Lạc của đại Niết bàn, cái vui của sự thanh tịnh tịch diệt, Như Lai quả địa thượng mới lãnh hội được. Hiện tại chúng ta đang đánh mất tự tánh, nên hoàn toàn không cảm nhận được, cho dù có nói chúng ta vẫn không tin, không tiếp nhận.
Ngã, có nghĩa chủ tể, tự tại, có chăng? Có, trong bài kệ của đại sư Huệ Năng có nói đến: nào ngờ tự tánh, vốn tự đầy đủ, đó là nghĩa của chữ ngã, thực sự làm chủ tể, chứng đắc đại tự tại. Tịnh, câu thứ nhất ngài nói: Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh. Đầy đủ cả thường, lạc, ngã, tịnh, chỉ vì quên mất tự tánh nên không nhận ra đấy thôi, kiến tánh là thấy ngay, nó là tánh đức, tự tánh chính là chính mình, là ta. Bốn đức của tự tánh: Thường, lạc, ngã, tịnh, minh tâm kiến tánh, khi kiến tánh quý vị liền cảm nhận được ngay, chưa kiến tánh thì bốn chữ kia cũng chỉ là hữu danh vô thực, cần phải nắm rõ.
Vì thế trong giáo lý Tiểu thừa, Phật thường dạy cho chúng ta vô thường, vô ngã, khổ, không, vô thường, Phật luôn nói về những điều này. Đây là nói cho Tiểu thừa để phá tình chấp cho họ. Với Đại thừa, Phật dạy chân thường, thực sự có thường, lạc, ngã, tịnh. Ngày nay chúng ta đang sống với vọng tâm, vọng tâm là gì? Đó là tâm phân biệt, tâm chấp trước, tâm vọng tưởng, quả là một sai lầm. Công đức niệm Phật được khởi lên từ chân tâm, phương pháp niệm Phật của đại sư Ấn Quangphương pháp dùng vọng tâm khôi phục lại chân tâm, vọng tâm có niệm, chân tâm là vô niệm. Vọng tâm ngày nay của chúng ta, quí vị thấy niệm trước diệt, niệm sau liền sinh, mỗi ngày có vô lượng vô biên tạp niệm.
Có rất nhiều người hỏi tôi thuật dưỡng sinh như thế nào để giữ gìn sức khoẻ và sống lâu? Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, nếu sống bằng vọng tâm thì chính ta đã tàn phá sức khoẻ của mình, đang sống mà tàn phá thân thể của mình, đến khi mất sẽ tàn phá linh hồn của mình, thật đáng thương! Khiến cho linh hồn của mình luân hồi trong lục đạo. Cách bảo vệ sức khoẻ đúng đắn là gì? Chân tâm, chân tâm là cách bảo vệ sức khoẻ thiết thực nhất, nhất chân thì tất cả đều chân. Chân tâm là gì? Chân tâm ly niệm, được nói đến trong giáo lý Đại thừa. Vọng tâm là có suy nghĩ, chân tâm không có suy nghĩ. Không có suy nghĩ khó, rất khó thực hiện. Phật, Bồ tát rất thông minh, dùng một phương pháp dạy chúng ta chỉ khởi lên một niệm, ngoài niệm đó ra không có niệm nào khác, niệm đó chính là niệm Phật. Dùng ý niệm A Di Đà Phật đánh tan tất cả những niệm khác, quý vị chỉ giữ lại niệm này thôi, đây được gọi là dùng một pháp trị tất cả pháp. Theo cách đó, đến lúc không còn niệm nào nữa thì nhất pháp đó cũng không cần, thuần chân, chân lý niệm Phật chính là chỗ đó.
Nếu không còn tạp niệm thì quý vị niệm Phật làm gì? Không cần niệm nữa, niệm Phật là sai. Niệm Phật là uống thuốc, chữa bệnh, lành rồi thì uống thuốc làm gì, đấy gọi là thuần tịnh, thuần thiện. Dùng một niệm để ngăn tất cả niệm, căn tánh chúng sinh khác nhau, vọng niệm quá nhiều, nên Phật dùng tám vạn bốn nghìn pháp môn để đối trị tám vạn bốn nghìn phiền não của chúng sinh. Chúng ta có thể làm một phép thử, để xem phương pháp nào tốt, thì sử dụng phương pháp đó, có thể giúp quý vị giảm ít vọng niệm, có hiệu quả đối với mình. Tham thiền cũng được, trì chú cũng được, giữ giới cũng được, niệm Phật cũng được, nghiên cứu kinh giáo cũng được, bởi căn tánh của mỗi người không giống nhau.
Lúc còn trẻ, thầy tôi bảo niệm Phật, tôi không niệm được, vì nghi ngờ pháp môn này, nên không niệm được. Tôi chưa nhận thức rõ ràng về pháp môn này, nhưng tôi rất tập trung khi học tập. Lúc trẻ chúng tôi đã xuất gia, rất đông những vị hoà thượng tiền bối đã phê bình chúng tôi, cho rằng tôi thích giảng kinh, kì thực không phải như thế, họ đã nghĩ sai. Tôi vận dụng phương pháp giảng kinh để đối trị phiền não của tôi, vì vọng niệm nhiều quá. Khi giảng kinh, chúng tôi phải chuẩn bị bài vở, tài liệu, trong lúc soạn bài vở như thế chúng tôi phải chuyên tâm, như thế là giảm thiểu được vọng niệm, phương pháp này rất hiệu quả với tôi, nên tôi đi theo con đường này.
Giảng kinh, là tôi đã đối trị được tập khí phiền não của bản thân, thời gian càng dài thì phiền não càng giảm bớt. Mỗi ngày đều đọc kinh, mỗi suy nghĩ đều nghĩ về những kiến thức trong kinh điển, xa rời những mong muốn thế gian, ít nhất đã 50 năm tôi không để mắt đến báo chí, truyền hình, phát thanh. Bởi thế có người hỏi, không cập nhật những kiến thức, tin tức hiện tại, thầy có gặp những khó khăn trong cuộc sống không. Tôi trả lời có, nhưng đã có những người đồng học, người hảo tâm, khi họ biết được tin tức quan trọng, họ bèn viết vào một tờ giấy đưa tôi xem. Mỗi tuần đều có những người download tin tức trên mạng rồi chép vào mấy trang giấy cho tôi xem, bởi thế những tin tức quan trọng tôi đều nắm được, đỡ bớt rất nhiều việc.
Hai câu nói của cổ nhân mà tôi tin và giữ rất cẩn thận, đó là: Biết được nhiều chuyện thì phiền não nhiều. Những điều không cần biết thì cần gì phải cất công tìm tòi, lại còn chạy vạy nghe ngóng, đó không phải tự mình trói mình sao? Tôi dứt khoát không giây vào những chuyện đó. “Thức nhân đa xứ thị phi đa”, quen biết nhiều người thì thị phi càng nhiều, tất cả đều gây rắc rối cho mình. Bây giờ những người quen biết tôi rất nhiều, tôi không biết họ, họ biết tôi bằng cách nào? Nghe tôi giảng kinh trên truyền hình, vì tôi thường hay đi, những người không quen biết, gặp tôi họ cũng chào hỏi, hầu như nơi nào cũng gặp, nhiều lắm. Họ thấy trên mạng, trên đĩa, truyền hình vệ tinh, người quen nhiều là từ chỗ đó, thật ra tôi không thân quen nhiều người mà chỉ có họ biết tôi, tôi không biết họ.
Liệu có cần thiết phải quen biết người ta không? Không cần thiết, càng ít quen biết, càng ít người qua lại với ta, cuộc sống càng yên tĩnh. Lui tới cũng một vài người bạn cũ, lần hồi những người bạn cũ cũng ra đi. Vì thế thời gian qua, mỗi năm tôi quay lại Đại lục hai ba lần để thăm bạn cũ, bây giờ họ cũng dần vắng bóng. Ông Triệu Phác, lão hoà thượng Danh Sơn, Hoàng Niệm Lão, Phó Thiết Sơn… đều đã mất. Phó Thiết Sơn là một tín đồ Thiên chúa giáo, là một người rất thân thiết với tôi.
Mỗi năm, mọi người muốn thăm nhau một vài lần, nhưng bạn bè trong nước, nước ngoài dần dần đi xa, tôi cũng đã già. Thật sự, tuổi trẻ không nghĩ ra được, nhưng đến độ tuổi này các bạn mới hiểu, không nên ôm đồm nhiều thứ. Rất nhiều hoạt động ở các nơi khác nhau tôi không tham gia, có người đến mời, tôi cử những vị trẻ tuổi, những người đồng tu trẻ tuổi thay tôi tham dự, cũng lợi dụng cơ hội này để dìu dắt họ. Không phải trường hợp bất đắc dĩ thì cố gắng tránh, vui nhất nhất là tu hành, phương pháp tu hành của tôi gồm đọc kinh, giảng kinh, niệm Phật, rất đơn giản. Mỗi ngày tôi dành bốn tiếng để đọc kinh, chia xẻ với mọi người độ bốn tiếng, thời gian còn lại là niệm Phật, không gì vui hơn.
Hỏi tôi chuyện thiên hạ, ngày nay thiên hạ đã thái bình rồi, không có chuyện gì nữa, tôi không biết, hết chuyện, thiên hạ thái bình. Các bạn đến cho tôi hay, hôm nay có một số chuyện, có chuyện đó nữa a, không không quan tâm, tốt hơn hết là đừng nói với tôi, ngày ngày sống cuộc đời êm thấm, biết thêm nữa để làm gì! Bởi thế người ta kháo nhau những tai nạn, tôi không phí lời, cứ chân thành niệm Phật. Tai nạn có xảy ra, sẽ được hoá giải, không có tai nạn, nghiệp chướng được tiêu trừ, không phải như thế sao? Không cần phải tránh, làm sao tìm được nơi thoát khỏi tai nạn.
Người xưa có câu: khó tránh kiếp nạn. Bạn không bị kiếp nạn, dù tai nạn ngay trước mặt, quý vị cũng bình yên vô sự, cần gì phải lo lắng? Lo lắng chính là vọng niệm, là tạo nghiệp, chi bằng niệm Phật, niệm Phật là tốt nhất để tiêu tai miễn nạn. Khi đã hết nghiệp chướng rồi, thì phước huệ sẽ tăng lên, đó là một cơ hội tốt, không cần phải lo lắng vô cớ. Vì thế công đức niệm Phật là từ chân tâm khởi, chân tâm như mặt trời, vọng tâm như đêm tối, khi chân tâm có mặt là vọng tâm biến mất, giống như ánh dương vừa ló thì bóng tối tan đi, ý nghĩa của nó là như vậy.
A DI ĐÀ PHẬT
Tập 400
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Hoan nghênh chia sẻ, lưu thông Pháp bảo công đức vô lượng!
Được gắn thẻ , , , ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *