Con người rốt cuộc đến thế gian này là để làm gì? Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta, tất cả chúng sanh lục đạo luân hồi là đến để đền trả nghiệp báo. Đây nghĩa là gì? Ở đây nói là chân tướng sự thật, bạn đến thế gian này là vì cái gì? Nhân mà các vị tạo trong quá khứ thì đời này đến thọ quả báo, trong quá khứ mà tạo nhân thiện bạn đến hưởng phước, trong quá khứ mà tạo nhân ác thì bạn đến thọ tội, nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai. Đây là Phật đã nói với tất cả chúng ta. Tại vì sao lại có hiện tượng luân hồi? Điều này Phật cũng đã nói rõ, do vậy chúng ta không thể không tiếp nhận sự giáo dục.
Nếu tiếp nhận giáo dục vậy thì sẽ khác rồi, thì như Thiền Sư Vân Cốc trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đã nói, tuy có vận mạng nhưng vận mạng có thể sửa đổi. Vậy chúng ta liền hiểu được mục đích của cuộc đời là đến đây để cải tạo vận mạng. Chúng ta có đem vận mạng của chính mình cải tạo lại hay không? Hiệu quả của việc cải tạo như thế nào? Việc này rất quan trọng, nhất là sau khi học Phật. Mục đích của chúng ta là cải ác thành thiện, cải mê thành ngộ, cải phàm thành Thánh, đây là mục tiêu của chúng ta.
Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Ý nghĩa là cùng chúng sanh đối đãi bình đẳng, hòa thuận chung sống, mỗi ngày cùng tất cả chúng sanh sống một cuộc sống vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Họ không hiểu, nhưng ta hiểu, cho nên ta phải lễ kính họ trước, ta phải yêu thương họ trước, ta phải giúp đỡ họ trước. Giáo hóa hết thảy chúng sanh, học Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo thì cuộc đời này chúng ta không uổng phí, cuộc sống của đời này sẽ vô cùng có ý nghĩa, vô cùng có giá trị. Chư vị đồng học trong thời gian ở lớp bồi huấn này ít nhất cũng phải đem sự việc này làm cho rõ ràng minh bạch.
Kế đến, mục đích ý nghĩa của chúng ta phải nên thực tiễn như thế nào? Đây không phải là câu nói suông, phải thực tiễn thế nào? Vậy thì bạn phải nghĩ xem sau khi tốt nghiệp sẽ đi đến nơi nào? Phương hướng của việc đi đâu không có nhất định, nhưng mà có một nguyên tắc quyết định không thể nào được thay đổi, đó chính là cơ hội để giảng Kinh. Ở nơi nào có cơ duyên để giảng Kinh thì chúng ta đi đến nơi đó, không có cơ duyên để giảng Kinh thì không thể đi. Tại sao vậy? Sau khi chúng ta học rồi, những phương pháp này bạn đã học được rồi, sau khi học rồi phải dày công tập luyện trên giảng đài, đặc biệt là mười năm đầu tiên. Bởi vì mười năm đầu tiên là cắm rễ, bạn phải giảng ở trên giảng đài mười năm thì cái gốc của bạn mới vững chắc, bạn mới có thể trở nên không thối chuyển.
Nếu bạn không có mười năm, đương nhiên mức thấp nhất là một tuần lễ giảng một lần. Nếu như có thể trong một tuần mà giảng ba lần là tốt nhất. Cứ như vậy mà bạn có thể giảng được 5 năm. Sau 5 năm thì cũng phải nên mỗi ngày giảng một lần, bạn mới có thể thâm nhập Kinh tạng, mới có thể giữ cho mình không bị thoái chuyển, bất luận là hành môn hay giải môn bạn đều có thể giữ gìn được.
Cho nên, ở những nơi nào cho ta được cơ hội giảng Kinh, thì chúng ta phải nên trụ ở những nơi đó. Nhất định không nên mù quáng rằng chúng ta phải đi theo Pháp sư Tịnh Không, thân cận Pháp sư Tịnh Không, vậy là sai rồi. Bạn bên cạnh tôi, tôi không có nhiều cơ hội như vậy để giúp bạn lên giảng đài, vậy phải làm sao? Huống hồ tôi bất luận là giảng Kinh ở đâu, chúng tôi hiện tại coi trọng nhất là việc thu hình, làm VCD để lưu hành, việc này còn quan trọng hơn cả việc phát trên sóng truyền hình. Chúng tôi làm ra những VCD này, các vị đồng học quyết định đều có thể nhận được, các vị được ưu tiên trước nhất. Những thứ này cung cấp cho mọi người để làm tham khảo, giúp đỡ mọi người phá trừ nghi hoặc, đoạn nghi sanh tín, chân thật thành tựu, vậy thì các vị bền tâm vững chí, dốc lòng nỗ lực mà luyện tập ở trên giảng đài.