Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Có câu nói rất đúng “ngẩng đầu ba thước có thần linh”

Tâm trụ nơi danh hiệu A Di Đà Phật
Hoặc tại chư tỷ đây là cõi quỷ, những cơ quan làm việc trong cõi ngạ quỷ, biện luận trong những pháp đình đó, có người nói họ tạo bao nhiêu tội nghiệp, họ chẳng nhìn nhận nên phải ở đó biện luận. Người thế gian có khi quên mất những tội nghiệp mà mình đã tạo, có khi cố ý không nhìn nhận. Nhưng ở cõi âm, quỷ thần có sổ sách ghi chép, có câu nói rất đúng “ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Trong kinh đức Phật nói khi một người sanh ra liền có hai vị thần theo sát bên mình, một thần gọi là ‘Đồng Sanh’, một thần gọi là ‘Đồng Danh’, hết thảy những hạnh nghiệp mà bạn đã tạo, họ đều ghi chép lại. Đến lúc lâm chung nếu gặp vua Diêm La, những hồ sơ ở chỗ vua Diêm La rất đầy đủ, từng ly từng tí trong đời bạn đều chẳng chối cãi gì được, thế nên phải đến đó để biện luận. Sau khi phán định thì sẽ ‘cư nghiệp thọ sanh’, bạn đến cõi nào đầu thai thì phải đi thôi. Trong kinh Địa Tạng nói rất rõ ràng, vua Diêm La có quyền tăng thêm tội của bạn không? Hoặc là xá miễn tội của bạn không? Chẳng có quyền lực, Ngài rất công bằng, chánh trực, y theo những gì bạn đã tạo mà phân phát, Ngài chẳng có quyền lực tăng thêm tội, và cũng chẳng có quyền ân xá cho bạn; nếu nói Ngài tăng thêm hoặc ân xá tội của bạn thì Ngài phạm pháp. Do đó tiền đồ cả đời của mình đích thật là do chính mình nắm lấy, chẳng phải do họ chủ tể, [chúng ta] nhất định phải biết việc này.
Đến lúc đó người chết ở âm ty gánh chịu những sự phán xử này, lúc còn chưa định án thì họ rất buồn khổ, ‘thiên vạn sầu khổ’, đó là lúc chưa định án. Sau khi phán xử xong nếu là ác nghiệp nặng thì chắc chắn phải đi vào tam ác đạo thọ sanh. Thọ sanh trong tam ác đạo cũng có nghiệp duyên, trong cõi súc sanh tìm cha mẹ, cha mẹ ấy trong đời trước đều có duyên phận với họ; trong cõi ngạ quỷ và địa ngục thì phần nhiều là hóa sanh, trong cõi ngạ quỷ cũng có thai, noãn, thấp, hóa sanh, trong địa ngục thì hoàn toàn là hóa sanh. Nếu chẳng là hóa sanh, mà là thai sanh, là noãn sanh thì nhất định phải tìm cha mẹ. Đức Phật đã dạy rất rõ ràng, duyên này nói chung chẳng ra ngoài bốn thứ: ‘Báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ’, nếu không giác ngộ thì nhiều đời, nhiều kiếp phải làm những việc như vậy. Sau khi giác ngộ rồi thì sẽ khác, sau khi giác ngộ thì trong vòng một niệm, chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển nghiệp báo thành thị hiện. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở cõi người, nên dùng thân gì để độ thì hiện thân ấy. Cho nên chuyển cảnh giới thật sự là ở trong vòng một niệm, một niệm này của chúng ta có thể chuyển trở lại hay không? Nói trên lý luận thì tuyệt đối có thể, trên sự tướng thì phải coi trình độ giác ngộ của bạn. Nếu bạn thật sự đã giác ngộ thì sẽ chuyển trở lại rất dễ dàng.
Làm sao biết mà chuyển trở lại? Người chuyển trở lại tuyệt đối chẳng có tự kỷ (chính mình), nếu còn có Ta thì dứt khoát chưa chuyển. Vì bạn còn ngã chấp, đó là phàm phu, chẳng phải Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát chẳng có Ta. Nếu dùng tiêu chuẩn kinh Kim Cang thì chư vị sẽ dễ hiểu ‘Chẳng có tướng tôi, chẳng có tướng người, chẳng có tướng chúng sanh, chẳng có tướng thọ giả’ thì bạn đã chuyển trở lại rồi. Nếu bạn vẫn còn bốn tướng trên thì bạn còn chưa chuyển. Có muốn chuyển cách mấy, có nỗ lực cách mấy để chuyển thì cũng chẳng chuyển nổi, tại sao? Vì bạn còn tưởng, còn niệm, tưởng là vọng tưởng, bạn có phân biệt, có chấp trước thì bạn sẽ chẳng chuyển nổi. Do đó chân chánh muốn chuyển trở lại thì phải buông xuống hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh thì bạn sẽ chuyển trở lại. Thân này của chúng ta có được từ cha mẹ, là thân nghiệp báo, một khi chuyển trở lại liền thành hóa thân thị hiện, nhất định chẳng có sanh tử, chẳng có phiền não, tuyệt đối chẳng có nhân ngã, thị phi, đó tức là bạn đã chuyển trở lại. Khi thật sự chuyển xong, thì đời sống, công việc đều giống như bình thường chẳng thay đổi gì hết, chỉ có trong tâm thay đổi. Lúc trước là vì mình, hoặc vì gia đình, hoặc vì đoàn thể [của mình], hiện nay thì vì tận hư không, trọn khắp pháp giới, chẳng khác gì với sự thị hiện của chư Phật, Bồ Tát. Như vậy thì gọi là siêu phàm nhập thánh, thật sự liễu sanh tử, xuất tam giới, nhập cảnh giới của Phật, Bồ Tát. Chúng ta học Phật phải có thể khế nhập vào cảnh giới này thì mới là thành tựu rốt ráo. Muốn nói đến phương pháp dụng công, nói thật ra chính là ‘nhìn thấu, buông xuống’, thật sự nhìn thấu, thật sự buông xuống mới được.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (TẬP 27) ÂN SƯ HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *