Người giác ngộ thường hành bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, định huệ sáu Ba La, họ là Bồ Tát. Chúng ta là người mê. Người mê ở nơi đó học, có học cũng không giống. Bạn tỉ mỉ mà quán sát, bạn liền có thể thể hội được. Học không giống được, đây chỉ mới gọi là phát tâm tu hành. Phát nguyện là đầu tiên, bạn phải phát tâm trước.Thế nhưng phát tâm, chúng ta tỉ mỉ mà quán sát trong Tam Phước, nó là giai đoạn thứ ba. Học Phật cần phải từ trên nền tảng mà định đặt nền móng. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện”, đây là gốc. Nếu như các vị chân thật thể hội được tường tận, ngày nay bao gồm hết thảy người tu hành, tại vì sao không thể thành tựu? Công phu vì sao không thể có lực? Thì bạn liền tìm ra được nguyên nhân. Cho nên học Phật phải học từ đâu? Phải học từ hiếu thuận cha mẹ. Bạn có tận hiếu đạo hay chưa? Học từ phụng sự sư trưởng, người Trung Quốc chúng ta gọi là “hiếu thân tôn sư”. Không làm được bốn chữ này, bạn ở nơi Phật pháp không luận là tinh tấn thế nào, không luận dụng công thế nào, thành thật mà nói, công phu của bạn sẽ không có lực, bạn làm sao có thể có được thành tựu?
Người sơ học chúng ta đến đâu để tu lục độ? Tu ở ngay trong nhà. Làm thế nào tu bố thí? Hiếu thuận cha mẹ chính là tu bố thí. Bạn dùng sức lực của bạn phụng sự cha mẹ, đó là bố thí. Đối với cha mẹ phải nên nói cúng dường, cúng dường cha mẹ, rất chu đáo mà chăm sóc đời sống của cha mẹ, đó là nội tài bố thí, chăm sóc họ, vì họ phục vụ, hầu hạ họ. Dùng trí tuệ của chúng ta, ở ngay trong đời sống của họ, họ có những tập khí thị hiếu, chúng ta đều có thể nghĩ đến, hầu hạ chu đáo đến cùng, đây là thuộc về pháp bố thí. Cúng dường tài lực, lao lực là thuộc về tài bố thí. Có thể khiến cho họ yên tâm, khiến cho họ an vui, lìa khỏi tất cả lo buồn là bố thí vô úy. Ba loại bố thí phải bắt đầu từ nơi đâu? Bắt đầu làm từ cha mẹ của bạn, làm từ thầy giáo của bạn.
Thầy giáo dạy bảo chúng ta, chúng ta mới được khai mở, mới có trí tuệ, mới hiểu được những sự việc, ân đức của thầy làm sao có thể quên được? Thường hay nhớ nghĩ đến thầy, chỉ cần biết thầy vẫn còn ở đời, ngày lễ ngày tết luôn phải có sự quan tâm, có sự biểu thị, có thời gian rảnh phải thường đi thăm thầy. Nếu thầy có bất cứ thiếu kém nào, phải chăm sóc chu đáo giống như cha mẹ. Thầy là người rất khổ cực, đặc biệt là vào thời trước, không như hiện tại. Thầy giáo hiện tại của trường nhận tiền lương, vào thời trước không có. Vào thời trước thầy giáo dạy học, học trò cúng dường đối với thầy là tuỳ ý. Nhà giàu có thì cúng dường nhiều một chút, nhà nghèo khổ thì không có cúng dường, thậm chí người rất nghèo khổ, thầy giáo còn hỗ trợ cho học trò, việc này hiện tại không xem thấy. Thời trước thầy giáo là người đi dạy học, thầy giáo hiểu được đạo đức nhân nghĩa, họ là mô phạm của xã hội, họ không xem trọng đời sống vật chất mà họ xem trọng đời sống tinh thần, toàn tâm toàn lực chăm sóc học trò. Bạn nói xem, ân đức này bao lớn! Không chỉ ân huệ đối với học trò mà đối với toàn thể xã hội, toàn thể quốc gia dân tộc, họ có đại công đức chân thật.
Vào thời xưa, xã hội chúng ta cũng có giai cấp, thế nhưng không như Ấn Độ nghiêm khắc đến như vậy. Giai cấp của Trung Quốc cũng có bốn loại là sĩ, nông, công, thương. Sĩ là người đi học, giai cấp tri thức, ở trong xã hội thì địa vị này rất cao cả, thế nhưng người đi học rất là kham khổ. Những người nào có tiền? Người buôn bán có tiền. Người buôn bán địa vị trong xã hội được xếp sau cùng. Hiện tại thì đảo ngược rồi, hiện tại có tiền là đệ nhất, người đi học thì lại xếp ở sau cùng, đã không còn như trước nữa. Bạn nói xem, bi ai cỡ nào! Xã hội làm sao mà không đại loạn! Động loạn của xã hội, cội gốc của động loạn chúng ta tường tận, chúng ta biết được, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, nhắc thức đại chúng xã hội biết được chủ nghĩa công lợi kém khuyết rất nhiều. Tổng quy kết lại, những việc này đều thuộc về vấn đề giáo dục. Giáo học của thời xưa cùng quan niệm giáo học của hiện tại (hiện tại chúng ta gọi là giáo dục triết học) hoàn toàn không như nhau. Nhân sĩ có tâm, chí sĩ có lòng nhân, phải ở ngay chỗ này mà hạ công phu, phải vào sâu mà tham khảo thì mới có thể chân thật giúp đỡ xã hội giải quyết vấn đề này, đạt đến xã hội thịnh trị dài lâu, cầu lấy phước lợi chân thật cho tất cả chúng sanh. Con người như vậy chính là Bồ Tát.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 75.