Tập khí phiền não nặng nề trong con người phàm phu, làm sao có chuyện không nổi niệm? Nếu không khởi niệm thì đã trở thành Thánh nhân, người phàm không làm được. Bởi thế cổ đức hướng dẫn chúng ta: Không sợ niệm khởi mà chỉ sợ giác chậm. Giác chậm là gì?
Quí vị đã tạo nghiệp, niệm đầu tiên nổi lên, niệm thứ hai là Phật A Di Đà, là không tạo nghiệp, như thế mới gọi là biết niệm Phật
…
Có người nói với tôi: Tiền bạc của con bị người khác lừa mất rồi. Thôi, cho qua, không nghĩ đến nữa, vì sao? Đó là vật ngoài thân, là giả, quí vị vẫn cứ nghĩ đến, đó là một sai lầm. Không có việc đó thì tâm ta mới thanh tịnh, ta niệm Phật mới yên. Bạn làm hại tôi thế nào, tôi vẫn không để ý, bạn muốn, tôi tặng hết. Trong cuộc sống, chúng tôi gặp rất nhiều sự việc tương tự như thế. Đạo tràng, bạn muốn, tôi biếu, ra khỏi cổng. Nếu chúng ta không gặp những chuyện như thế, vui cùng cực, quyết không để những chuyện như vậy trong lòng.
Năm nọ, tôi rời Đài loan, không để ý đến đạo tràng nữa, rời Mĩ, không ngó ngàng gì đến đạo tràng, đến nơi khác, dựng một đạo tràng nho nhỏ, khi dời gót, buông hết. Trong lòng không một chút ràng buộc. Nếu lúc nào cũng nghĩ đến, không phải ta đã tự tìm đến sự rắc rối sao? Nghĩ gì, đó là cái nghĩ của luân hồi sáu đường, nghĩ về địa ngục, đừng nghĩ đến nó nữa. Khi đã chuyển niệm, ta nghĩ ngay đến thế giới Cực Lạc, nghĩ đức Phật A Di Đà, ngoài ra không nghĩ gì khác, bỏ sạch hết. Cho dù trước mặt là vàng bạc ngọc ngà, danh văn lợi dưỡng, nếu có, cứ nghĩ là không có, đừng nghĩ đến nó, nếu có, ta vứt nó sang một bên, ai dùng tuỳ ý, đừng chấp đó là của ta, không có ta, ai đem đi đâu cứ việc, quí vị đã tự tại! Quí vị không còn bị ràng buộc, không lo nghĩ nữa, thực sự buông bỏ, buông bỏ tất cả. Đời này ta chỉ nghĩ đến thế giới Cực Lạc, như thế mới có hi vọng. Đừng có một chút lưu luyến, một chút ràng buộc cũng không có, tất cả đều tuỳ duyên. Có cũng tốt, không cũng chẳng sao, như thế chúng ta mới tự tại.
“Nếu chú tâm vào việc cầu vãng sanh, phải nương tựa vào nó như tấm gương sáng, lúc nào cũng soi, xem ta đến ngang đâu”. Nương tựa vào đâu? Lấy bộ kinh này làm điểm tựa, coi bộ kinh này như một tấm gương, đọc lần nào ta đối chiếu lần đó, xem ta đã thực hiện đến đâu? Liệu ta đã giống Tỉ kheo Pháp Tạng được bao nhiêu phần? Có giống Bồ tát Pháp Tạng? Có giống Phật A Di Đà? Thế giới ta đang sống đã giống thế giới Cực Lạc chưa? Có người nói, không thể nào giống được thế giới Cực Lạc. Tôi nghĩ, không khác thế giới Cực Lạc, sao lại nói không khác? Rõ ràng là khác mà. Đối với môi trường thế giới Cực Lạc, cơ bản con người ở thế giới Cực Lạc không khởi tâm, không động niệm, không có phân biệt, chấp trước. Thế giới này, ta cũng không chấp trước nơi cảnh giới hiện tiền, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy đã giống thế giới Cực Lạc chưa? Hoàn toàn không khác! Khi quí vị có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không giống, xa rời vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tất cả đều giống nhau. Ở thế giới Cực Lạc ngày nào cũng được thấy Phật A Di Đà. Ở đây, trong tâm tưởng của ta ngày nào cũng có Phật A Di Đà, bất cứ giây phút nào cũng niệm Phật A Di Đà, không rời Phật A Di Đà nửa bước, ngày nào cũng đọc kinh Vô lượng thọ, ngày nào cũng được thấy thế giới Cực Lạc. Thực sự làm được ức Phật niệm Phật, hiện tại tương lai sẽ được thấy Phật, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.
“Ta thực hiện đến đâu”, câu này rất thâm thuý, chúng ta cần suy nghĩ, Muốn có nghĩa hi vọng, chúng ta mong được giống như Phật A Di Đà, giống như thế giới Cực Lạc. Giống ở đây, không có nghĩa là bên đó có vàng ngọc làm đất, vàng ngọc là giả, bùn đất cũng không thật, tất cả đều giả, vàng ngọc cũng bằng không, đất cát cũng như vậy, tất cả đều giống nhau, không khác. Tất cả đều do những hạt lạp tử cơ bản kết thành, nhưng khác nhau về cách sắp xếp, ngoài yếu tố này ra, không có gì khác nhau cả. Tất cả pháp đều do tâm tưởng sanh ra, thế giới Cực Lạc cũng thế. Với tâm tưởng, chúng ta đừng khởi tâm, đừng động niệm, đừng phân biệt, đừng chấp trước, cứ bình đẳng, bình đẳng là chân pháp giới. Cho nên thế Cực Lạc với Ta bà là một, không phải hai. Hiện tại chúng ta đang chuyển biến, công phu chưa đầy đủ, một khi đã đầy đủ thì thế giới chúng ta đây là thế giới Cực Lạc. Chúng ta đã hiểu rõ sự thực, phương pháp cũng đã nắm được, bây giờ chỉ nỗ lực làm cho đến nơi đến chốn mà thôi. Yếu tố đầu tiên để công việc được thành công đó là buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, là những cái đó. Chúng ta nghe những lời dạy của Phật, chúng ta không phải là những người thượng căn lợi trí nên không thể cùng một lúc mà buông bỏ tất cả, mà phải thực hiện từng bước. Trước hết là buông bỏ chấp trước, không chấp trước nữa, thực sự không ôm giữ tất cả pháp thế gian hay xuất thế, lúc đó tâm thanh tịnh liền hiện ra, điều này trong kinh đã mô tả “thanh tịnh bình đẳng giác”, đạt được bước đầu thì tâm thanh tịnh liền được, mà đạt được tâm thanh tịnh thì chắc chắn sẽ vãng sanh. Vì sao? Vì “tâm tịnh thì cõi Phật cũng tịnh”, ta chắc chắn sẽ được vãng sanh.
Bước tiếp theo là tâm bình đẳng hiền tiền, không phân biệt, Phật cùng chúng sanh bình đẳng, giữa oan gia đối đầu với những người thương yêu nhất đều bình đẳng, oán thân bình đẳng, bắt đầu buông bỏ từ đấy. Khi tâm bình đẳng hiển lộ thì sẽ sanh sang cõi Phương tiện hữu dư. Khi đã giác ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh sẽ sanh sang cõi Thật báo trang nghiêm. Ngày nay chúng ta đang tu tập giai đoạn này, bắt đầu thực tập ở đâu? Trong môi trường sinh hoạt hàng ngày, học theo bốn đức trong tác phẩm Hoàn Nguyên Quán, tuỳ duyên diệu dụng. Tuỳ duyên là hằng thuận chúng sanh, không bảo chúng sanh tuỳ thuận ta mà ta tuỳ thuận chúng sanh, cái gì cũng tốt, không có thứ gì xấu, ta học được gì ở đó? Không chấp trước, việc này gọi là công phu chân chính, bản lĩnh, không còn những thành kiến, không còn phân biệt tốt xấu, nó được sản sanh từ tự tánh. Đó là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, vạn pháp nhất như, vạn cảnh nhất như. Nên biết Tịnh tông được gọi là đạo dễ thực hiện. Điều này những vị tổ sư ngày xưa thường dạy, được nói khi so sánh với tám vạn ba ngàn chín trăm chín mươi chín pháp môn còn lại. Cổ nhân có cách nói như thế này, trong tám vạn bốn nghìn pháp môn, tịnh độ là pháp môn đặc thù, nằm ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn đó, pháp môn đặc thù, môn đó được gọi là dư đại đạo. Trong cuốn này, Niệm Lão cũng liệt Tịnh tông vào một trong những tám vạn bốn ngàn pháp môn, bởi thế ngài nói còn lại tám vạn ba ngàn chín trăm chín mươi chín pháp môn, chúng ta thấy điều thú vị khi những đại đức cổ xưa nói, ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn này được gọi là dư đại đạo, thực là một việc hiếm gặp!
“Vì nó là điều dễ duy nhất nên gọi là dễ thực hiện”. Có nghĩa là tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều không dễ, sao lại nói không dễ? Nó đòi hỏi phải cắt đứt phiền não, đó là điểm khó, chúng ta không cắt được. Trong lúc đó pháp môn Tịnh độ không đòi hỏi cắt đứt phiền não, mà chỉ cần điều phục phiền não, bắt phiền não lắng dịu xuống, giống lấy đá đè cỏ, chỉ cần đè nó xuống là được. Cắt là gì? Nhổ bật cả gốc rễ lên gọi là cắt, vậy mới khó, quá khó! Đá đè cỏ, đá là gì? Nam mô A Di Đà Phật, đó là đá, dùng nó để chặn cỏ lại. Cũng có nghĩa là, chúng ta khởi tâm động niệm, khi niệm đó bắt đầu nổi lên, ta lập tức tìm đến Phật A Di Đà, chuyển nó thành Phật A Di Đà, không để cho niệm đó phát triển, phình to ra. Bất luận thiện niệm hay ác niệm, chỉ cần nổi lên, liền dùng câu A Di Đà Phật ấn nó xuống, tất cả đều đưa về A Di Đà Phật. Bởi thế pháp môn niệm Phật là pháp môn vi diệu, thù thắng, không gì sánh bằng. Tập khí phiền não nặng nề trong con người phàm phu, làm sao có chuyện không nổi niệm? Nếu không khởi niệm thì đã trở thành Thánh nhân, người phàm không làm được. Bởi thế cổ đức hướng dẫn chúng ta: Không sợ niệm khởi mà chỉ sợ giác chậm. Giác chậm là gì? Quí vị đã tạo nghiệp, niệm đầu tiên nổi lên, niệm thứ hai là Phật A Di Đà, là không tạo nghiệp, như thế mới gọi là biết niệm Phật, niệm Phật như thế mới có tác dụng, không thể không hiểu. Vì thế một hành giả niệm Phật thực thụ không phải mỗi ngày niệm được bao nhiêu danh hiệu Phật, không phải cái đó mà quan trọng là tâm thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh. Tâm niệm nào nổi lên liền dùng danh hiệu Phật A Di Đà đè nó xuống. Khi niệm không nổi lên nữa thì danh hiệu Phật cũng không cần nữa, hết chuyện rồi, mọi việc đã khôi phục như cũ. Khởi niệm là niệm Phật, niệm như thế lâu ngày thì công phu mới sâu, tâm thanh tịnh hiển bày, tâm bình đẳng hiển bày, niệm cho đến đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Niệm cho đến đắc định, đây gọi là sự nhất tâm bất loạn, niệm cho đến khai ngộ, đó gọi là lí nhất tâm bất loạn. Lí nhất tâm bất loạn có cùng cảnh giới tương đương với đại triệt đại ngộ của Thiền tông, đại khai viên giải của giáo môn, tất cả đều đạt đến cõi Thật báo trang nghiêm.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 390 __(((卍)))__
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.