Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Bắt đầu ăn chay trường, không dám ăn thịt nữa

Chư vị đồng học nếu thật sự yêu mến tôi, phải giữ trật tự! không cần đích thân đến gặp tôi một lần... - HT Tịnh Không
Lúc còn trẻ tôi chưa có học Phật cũng rất thích ăn thịt. Nghiệp mà tôi tạo nặng hơn so với rất nhiều người, vào thời kháng chiến tôi thường ra ngoài đi săn bắn, sau khi đọc kinh Địa Tạng rồi thì rất sợ hãi, thật sự khiếp sợ nên bắt đầu ăn chay trường, không dám ăn thịt nữa, tự biết tội nghiệp của mình đã tạo rất nặng. Hồi nhỏ vô tri, cha tôi ưa thích săn bắn cho nên chúng tôi thường theo ông lên núi đi săn, mỗi ngày đều có thú rừng mang về. Tôi đã săn bắn ba năm: mười bảy, mười tám, mười chín; mười sáu tuổi thì bắt đầu săn bắn.
Cho nên tôi bắn phát nào hầu như là trăm phát trăm trúng, không cần phải nhắm, tôi có bản lĩnh này. Mỗi ngày bắn tối thiểu hai mươi viên đạn, lúc không đi săn cũng luyện tập. Cha tôi là một người lính, lúc đó là chiến tranh với người Nhật, ông quản lý về khí giới, quản lý những vũ khí này, thế nên ở nhà tôi có rất nhiều súng ống, có cơ hội tạo nghiệp, Mỗi ngày tôi đều luyện tập, con nít có đứa nào chẳng thích chơi súng chứ? Chúng tôi chơi súng thật. Bắn rất chính xác là do hằng ngày luyện tập mà ra, bạn không luyện thì làm sao được, phải luyện. Chuyện gì cũng là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, cho nên tài bắn súng của tôi rất giỏi. Nhưng nghiệp tạo cũng rất nặng, lúc đó không hiểu biết.
Sau này học Phật, đọc kinh Địa Tạng, đọc rồi chân thật là lông tóc dựng đứng. Nhìn thấy cảnh tượng lúc cha tôi chết hoàn toàn giống với những gì trong kinh nói. Lúc cha tôi chết ông phát bệnh điên cuồng, nhìn thấy núi bèn chạy lên núi, nhìn thấy sông bèn nhảy xuống sông, hoàn toàn giống y như lời nói trong kinh, đích thân tôi nhìn thấy những chuyện này. Chúng tôi lên núi để bắt những chim thú này, còn dưới nước thì chúng tôi dùng thuốc nổ TNT để đánh cá, sau khi ném thuốc nổ xuống là cả ngàn, cả vạn con cá bị chết nổi trên mặt nước, bạn nói tội nghiệp này nặng bao nhiêu? Săn bắn thú rừng so ra còn ít, chứ dùng thuốc nổ để đánh cá thì quá nhiều đi. Chúng tôi thường làm những chuyện này, biết được tội nghiệp này nặng vô cùng. Quả báo của sát sanh là đoản mạng, cha tôi 45 tuổi thì qua đời rồi.
Sau này tôi học Phật, người ta đoán số mệnh cho tôi, họ nói thọ mạng của tôi không thể vượt qua 45 tuổi, tôi tin tưởng. Cho nên tôi học Phật rất tinh tấn, bởi vì tuổi thọ chỉ được tới 45 tuổi thôi. Năm tôi 45 tuổi, năm đó tôi bị bệnh, bệnh hơn một tháng, tôi cũng không đi khám bác sĩ, cũng không uống thuốc. Vì trong tâm nghĩ số mạng đến rồi, bác sĩ có thể trị bệnh chứ không thể trị mệnh. Thế nên trong suốt cả tháng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, cứ như vậy niệm được một tháng thì bệnh tự nhiên khỏi. Sau này có một năm nọ, tại pháp hội Nhân Vương ở Đài Loan, tôi gặp “Phật Sống Cam Châu”, ông là bạn cũ của tôi. Sau khi ông nhìn thấy tôi thì rất hoan hỷ nói cho tôi biết: “Mấy năm nay thầy giảng kinh hoằng pháp công đức rất lớn, thầy vốn không có phước báo, hơn nữa còn đoản mạng, bây giờ không những thầy có phước mà còn trường thọ nữa”. Đây đều là nhờ đời này hoằng pháp lợi sanh nên phước báo hiện tiền.
Tôi không cầu sống lâu, chỉ là sau khi đã hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi thì không còn vì chính mình nữa, hết thảy vì Phật pháp, vì chúng sanh cho nên có được cảm ứng. Đối với bản thân tôi mà nói, lúc nào tôi cũng muốn ra đi, đối với thế gian này một chút lưu luyến tôi cũng không có. Thân thể lưu lại thế gian này là phước của chúng sanh, chúng sanh cần, Phật pháp cần thì lưu lại thêm vài ngày; khi nào chúng sanh không cần nữa, Phật pháp cũng không cần nữa tôi sẽ lập tức ra đi, một chút cũng không lưu luyến. Đây là tâm thái hiện nay của bản thân tôi, tôi rất vui mừng sớm một ngày đến Thế giới Cực Lạc thân cận A Di Đà Phật. Đây là kể chuyện tạo nghiệp thọ báo, nếu tôi không học Phật thì chắc chắn cũng thọ báo trong địa ngục, không còn lời gì để nói, nghiệp duyên của mình ở nơi đó, “sanh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ”, việc này làm sao trốn chạy nổi? Mẹ của cô Quang Mục chỉ vì ham ăn, chúng tôi không những ham ăn, còn tạo nghiệp sát sanh, đã sát hại quá nhiều, quá nhiều.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, tập 11)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *