Con người luôn luôn bị cái tôi và cái của tôi thống trị, do đó đời sống của nó bị giới hạn và đè nặng bởi cái tôi và cái của tôi. Ngay cả khi muốn giải thoát khỏi sự áp bức ấy, thông thường người ta lại làm tăng thêm cái tôi và cái của tôi: tôi đang thực hành, tôi đã đọc cuốn sách ấy, tôi có một số kinh nghiệm tâm linh thế này thế
Người ta thực hành bằng ý thức, tức là thức thứ sáu, nhưng ý thức lại chịu sự thống trị của thức thứ bảy chấp ngã với bốn thứ ngã kiến, ngã ái, ngã si, ngã mạn. Ngoài ra còn bị ô nhiễm bởi những tập khí xấu trong thức thứ tám, tạng thức.
Lời than vãn của Đại sư Thân Loan (1173-1263) cũng là tâm sự của mỗi chúng ta:
Thật khó có một tâm chân thành
Tự ngã này thì giả dối và không thành thật
Tôi hoàn toàn thiếu một tâm thanh tịnh.
Mỗi chúng ta ở vẻ bề ngoài
Tỏ ra là người thông minh, tốt bụng và vị tha
Nhưng lớn lao biết bao nhiêu là tham, giận, ngoan cố và lừa dối
Chúng ta đầy ắp mọi hình thức hiểm độc và xảo quyệt.
Cực kỳ khó khăn để chấm dứt bản chất xấu xa của chúng ta
Tâm thì như một con rắn hay bò cạp độc
Việc làm thiện của chúng ta cũng bị nhiễm độc
Do đó nó được gọi là thực hành giả dối, trống rỗng.
Con người rất khó tránh sự tự mình đánh lừa mình, rất khó tránh khỏi những cái bẫy do tự mình giăng ra. Đại sư Gampopa (1079-1153) nói trong Mười điều có thể lầm lẫn: “Dục vọng có thể được lầm là đức tin. Ái luyến có thể được lầm là từ bi. Chỉ một kinh nghiệm thoáng thấy Thực tại có thể được lầm là chứng ngộ. Người lừa dối có thể được lầm là người đức hạnh. Những hành động được thực hiện vì cái tôi có thể được lầm là vì lợi ích cho những người khác…”.
Sự trói buộc trong cái tôi và long đong theo những hành động mê lầm của nó khiến con người lang thang mãi trong sanh tử không có ngày ra. Mà con đường trí tuệ thì rất khó khăn, nhất là trong thời mạt pháp này, vì thấy được năm uẩn đã rất khó, nói gì “soi thấy năm uẩn đều không, thoát tất cả khổ ách”. Trong hoàn cảnh lưu lạc và bất lực ấy, chúng ta nghe thấy tiếng kêu gọi:
“Nếu khi thành Phật, các hàng trời người trong vô lượng thế giới của các Đức Phật mười phương, nghe danh hiệu tôi mà gieo năm vóc, cúi đầu lễ lạy, vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ Tát, được chư thiên, người đời rất mực kính trọng. Nếu chẳng được như thế tôi không nhận Chánh đẳng Chánh giác” (Lời nguyện thứ 37). Trong 48 lời nguyện có 12 lần nói về việc “nghe danh hiệu” mà được giải thoát, trong khi đó “xưng danh hiệu” chỉ được nói có một lần ở lời nguyện thứ 18.
Nghe danh hiệu là gì? Có phải nghe người khác xưng danh hiệu rồi mình nghe chăng? Nghe ở đây là nghe chính lời của Phật A Di Đà, nghe lời kêu gọi của Ngài trải ra trong 48 lời nguyện của Ngài. Trong 48 lời nguyện ấy có đủ trí huệ, đại bi và công đức của Phật A Di Đà, và 48 lời nguyện ấy được gom vào danh hiệu Phật. Cho nên nghe danh hiệu và xưng danh hiệu là đủ để có tâm chí thành, tin ưa và nguyện sanh về. Chính ba tâm này có thể tiếp xúc với Phật A Di Đà và Tịnh độ của Ngài. Như vậy, nghe danh hiệu và xưng danh hiệu là sự đáp ứng trả lời bằng ba tâm lời kêu gọi của Ngài.
Lời kêu gọi ấy thậm chí có trước khi chúng sanh chúng ta có mặt nơi trái đất sanh tử này, vì Đức Phật A Di Đà đã thành Phật từ 10 đại kiếp trước. Cho nên chúng ta nghe danh hiệu không chỉ bằng lỗ tai bên ngoài, mà nghe bằng tận đáy lòng mình (thâm tâm), bằng tận đáy những kiếp sanh tử khổ đau lạc lõng của mình. Chính ở đó chúng ta mới cảm nhận được lòng bi vô lượng của Ngài đã bao trùm chúng ta từ bao kiếp nay qua 48 lời nguyện và nơi đó chúng ta trả lời bằng việc xưng danh hiệu.
Nghe là mở thân tâm mình để đón lấy sự kêu gọi của danh hiệu, và với sức mạnh của trí huệ và đại bi, danh hiệu kêu gọi ấy đâm xuyên qua tự ngã kiên cố không thể phá vỡ với vô số phiền não không thể thoát để chuyển hóa chúng thành vàng (Lời nguyện thứ 3). Với ba tâm sâu thẳm ấy đáp ứng với lời kêu gọi trong 48 lời nguyện, người ta đi vào Tâm hay Pháp thân và Tịnh độ hay Báo thân của Phật A Di Đà. Tâm Phật hay Pháp thân cũng là Niết Bàn, mục tiêu của sự sanh về Tịnh độ là đạt đến Niết Bàn ở đó.
“Nếu khi thành Phật, các hàng trời người trong cõi nước tôi chẳng trụ chánh định tụ và quyết định đạt Niết Bàn, tôi không nhận Chánh đẳng Chánh giác”
(Lời nguyện thứ 11).
Niết Bàn được nói ở đây là Pháp thân. Và Pháp thân thì chung cho cả chư Phật nên Niết Bàn cũng là mục tiêu chung cho tất cả các cõi. Niết Bàn ấy Đức Phật Thích Ca đã đạt được ở “đời ác năm trược” này và dạy cho con người ở cõi này đạt đến đó. Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật nói đến năm mối đại ác của loài người ở cõi này mà nếu “tiêu hoại được năm ác, giữ gìn năm thiện, tạo phước đức, vượt khỏi thế gian và chứng nhập Niết Bàn trường thọ” như “Như Lai thành Phật và ở cõi này giáo hóa chúng sanh”.
Niết Bàn hay Pháp thân là chung cho mọi cõi và mọi con đường Phật giáo. Cũng theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì có những người hồi hướng nguyện sanh về nước Cực lạc, nhưng ở cõi này đã hiểu Đệ nhất nghĩa (tức Pháp thân), nghĩa là đã chứng một phần Pháp thân nên khi vãng sanh được Phật A Di Đà và hai Đại Bồ Tát trực tiếp đón rước. Đây là hai hạng Thượng phẩm Trung sanh “qua một tiểu kiếp chứng vô sanh pháp nhẫn” và Thượng phẩm Thượng sanh “chứng liền vô sanh pháp nhẫn”.
Như thế nghĩa là có những người nghe và niệm danh hiệu Phật ở cõi này đã vào một phần Pháp thân hay Niết Bàn, tức là đã tương ưng với tâm Phật A Di Đà (Niết Bàn hay Pháp thân) và do đó tiếp xúc được với cõi Tịnh độ Báo và Hóa thân.
Khi danh hiệu Phật với trí huệ và đại bi đâm xuyên qua vỏ cứng chắc của cái tôi và những phiền não của tôi, người ta tương ưng được với biển trí huệ, đại bi và công đức của Phật. Sau đây chúng ta trích ra một số bài thơ của những myokonin (diệu hảo nhân) của Nhật Bản.
Phải chăng khi xóa được biên giới của cái tôi phân cách với toàn thể cũng tức là xóa được biên giới phân cách chúng sanh với Phật:
Không có gì thân thiết như Cha và Con
Tâm cha và tâm con là một Nam mô A Di Đà Phật đã thành tâm con.
Tâm cha và tâm con
Giữa đó không có gì ngăn ngại Nam mô A Di Đà Phật là cả hai
Lời cha “hãy đến” và lời con “thưa vâng”.
Trong tất cả thế giới chỉ có một Cha, một Con
Cha và con trong Nam mô A Di Đà Phật
Trì tụng, niệm Phật đầy ắp niềm vui.
(Saichi)
Xóa bỏ được biên giới của cái tôi thì không gian không còn phân cách, và không gian toàn thể ấy chứa đầy niềm vui:
Niềm vui của tôi!
Vượt khỏi tư tưởng biết bao nhiêu!
Cái tôi và A Di Đà và Nam mô A Di Đà Phật
Tuyệt vời biết bao!
Toàn thể thế giới và sự bao la của không gian là A-di- đà Phật!
Và tôi ở trong đó
Nam mô A Di Đà Phật.
(Saichi)
Có phải xóa bỏ được biên giới của cái tôi và cái của tôi cũng là xóa bỏ biên giới của sanh tử và Niết Bàn, của ta-bà và tịnh độ:
Khủng khiếp biết bao nhiêu!
Thế giới Ta Bà này
Là nơi chúng ta không ngừng phạm mọi loại nghiệp
Biết ơn biết bao nhiêu!
Tất cả cái này được chuyển thành Tịnh độ – không ngừng!
(Saichi)
Khi cái vỏ của cái tôi và cái của tôi tan vỡ, mọi sự trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trở thành sự ban phước của Phật:
Để hân thưởng thế giới, Nam mô A Di Đà Phật
Thế giới này là thế giới của Phật, Nam mô A Di Đà Phật.
(Saichi)
Khi ấy sanh lão bệnh tử cũng không thể hiện hữu ngoài Phật, chỉ có một vị là vị Phật, cho nên toàn thể cõi sanh tử đều biểu lộ phép lạ, phép lạ của Niết Bàn:
“Bất cứ nơi đâu bạn chết, chỗ đó là Tịnh độ”.
(Hana)
“Tiếp tục như thế” có phải là tiếp tục sống trong tâm Phật: “Pháp là để sống mỗi ngày như mỗi ngày. Một ngày hạnh phúc, hoan hỷ và tươi mới, một ngày được tịnh hóa. Thế thì chớ nghĩ rằng bạn đến thiên đường sau khi chết. Chỉ nhận lấy bất kỳ cái gì đến với bạn mỗi ngày và tiếp tục như thế. Dù khi nhận lấy khổ đau, cách an vui duy nhất là bạn hãy tiếp tục như thế”
(Hana).
Phải chăng diệu hảo nhân là người thấy mọi sự đều diệu hảo, bởi vì người ấy sống trong ánh sáng của Phật Vô Lượng Quang mà trong đó “còn không có từ xấu ác, huống hồ có thật sự xấu ác” (kinh A Di Đà):
Thực sự không có cái gì không phải là “Nam mô A Di Đà Phật”
Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu vì tất cả điều này.
(Saichi)
–o0o–
(Tác giả Nguyễn Thế Đăng)
Văn Hóa Phật Giáo
Ảnh: Internet
(Xin hoan hỷ và hồi hướng tất cả công đức)