Dưới đây là sơ lược bài thuyết giảng của Hoà Thượng tại Việt Nam:
“Trước khi buổi giảng bắt đầu, các vị làm ơn cho tôi xin vài điều nhé! Nghe tới đây, chắc có người thầm nghĩ: Tông chỉ của Hòa Thượng là:
Dù lạnh đến chết, cũng không phan duyên
Dù đói đến chết, cũng không xin xỏ.
Nghèo khổ đến chết, cũng không cầu cạnh.
Tại sao bây giờ mới đến Việt Nam mà Hòa Thượng lại xin nầy xin nọ; Vậy có phải là mâu thuẩn với những tông chỉ trên không?
Không phải đâu! Điều tôi xin đây khác với những gì các vị đang nghĩ, vì tôi không xin tiền hay phẩm vật chi cả. Vậy tôi muốn xin gì đây? Tôi chỉ muốn xin cái gốc phiền não của các vị thôi, làm ơn gom hết cho tôi. Tôi có thêm nhiều phiền não chừng nào thì càng tốt chừng nấy, còn các vị thì nên giảm bớt phiền não đi. Một khi các vị trút bỏ những ưu phiền cùng ba độc tham sân si thì sau này tự nhiên các vị sẽ phát sanh đầy đủ giới định huệ. Đó chính là điều đặc biệt mà hôm nay tôi nhắc nhở đến cùng các vị.
Các vị nên tận dụng năng lực sẳn có của mình mà không nên gò bó trong khuôn khổ hạn hẹp như những hạt bụi li ti. Vì tâm các vị vốn có công năng bao trùm tận hư không pháp giới, nó có thể to đến nổi chẳng vật gì mà chẳng dung chứa được; mặt khác nó cũng nhỏ đến nổi không thể đựng được vật gì. Với tâm diệu dụng, các vị nên mở tâm mình rộng khắp không gian, thâm nhập cùng cả hằng sa thế giới. Một khi tâm hòa đồng cùng pháp giới thì các vị có thể hóa độ chúng sanh.
Ngược lại nếu chúng ta không biết dụng tâm thì sẽ thấy đây là Việt Nam, đó là Nhật Bản, hay nọ là Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan… hoặc lãnh thổ này nhỏ, quốc gia kia to… Nếu như vầy thì chúng ta không thể nào cứu độ chúng sanh ở thế giới này.
Là Phật tử chúng ta nên xem xét tất cả pháp giới quốc độ như chính ngôi nhà chung đồng một thể tánh với mình. Đừng tạo nên những ranh giới cách biệt giữa ta và chúng sanh. Cho dù các vị thuộc phái Bắc Tông hay Nam Tông nên phá bỏ những ranh giới phân biệt này để cùng nỗ lực hoằng truyền Phật pháp khắp mọi nơi, hòa hợp thành một Hội Phật Giáo Thế Giới. Không nên hạn cuộc vào quốc gia nhỏ bé của mình mà phải mở rộng tầm nhìn xa khắp cả hoàn cầu.
Đời nay khoa học thật hiện đại đã làm sáng tỏ nhiều điều nên không còn những tư tưởng suy đoán mập mờ cũ xưa. Mỗi người chúng ta phải mở toang những cánh cửa sổ tâm hồn mình để thông hiểu thật đúng về sự hòa hợp này như: “Giúp đỡ người cũng chính là giúp chúng ta; chăm sóc người chính như chăm sóc bản thân ta”.
Chúng ta phải có phương pháp hợp nhất tất cả Phật tử thành một thể, lập một Hội Đoàn không phân biệt giữa các tông phái, đồng thời phá tan những quan niệm tu biệt lập. Đừng vướng mắc vào hình thức hay thành kiến về Đại hoặc Tiểu Thừa vì Đạo Phật vốn đồng một thể. Chúng ta không những nhận riêng mình là một phần tử mà ngay cả những người không tin Phật cũng đồng một thể này.
Như lời Đức Phật Thích Ca: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật nhưng chỉ vì vọng chấp mà không thành Chánh Giác”.
Một lần nữa tôi xin nhắc lời Phật dạy: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật có nghĩa là: Đối với người tin haykhông tin Phật đi nữa thì Phật tánh của họ vẫn không bị mai một. Chỉ vì hiện tại họ chưa phát lòng tin nhưng tương lai họ sẽ tin và nếu tương lai họ không tin thì những kiếp sau đó họ cũng sẽ tin, rồi cũng có một ngày họ sẽ tin Phật. Tôi xin nhấn mạnh điểm chủ yếu là chúng ta là nên nhớ điều phục mình đừng cho đến gần những biên giới phân chia tức là đừng cô lập trong giáo lý Phật. Một khi khái niệm về Ngã và Chúng sanh hoàn toàn không còn thì những ranh giới phân biệt cũng không tồn tại.”Quả thật vậy, chúng ta vì dính mắc, phân biệt: Tôi là người Tàu, anh là người Việt, người Thái, Miến Điện, Nhật Bản, Ấn Độ, hoặc Tích Lan…nên tâm không thể mở rộng được. Nếu chúng ta không bỏ những chấp trước như thế tức không phụng hành lời Đức Bổn Sư Thích Ca. Phật pháp sẽ được hoằng hóa khắp nơi nếu chúng ta không còn những chấp trước này và lúc đó tâm chúng ta sẽ quảng khai trùm khắp pháp giới. Đồng thời chúng ta cũng cần phải phá tan những ranh giới, vì Phật pháp bao la không giới hạn, nếu chúng vướng mắc vào đây thì không phải là Phật pháp.