Hủy nhân xưng trực, mạ thần xưng chính” (Hủy báng kẻ khác, tự khoe bản thân chánh trực).
Những câu trong chú giải tôi đọc qua một lần cho mọi người nghe: “Bậc sĩ quân tử lập thân, xử thế, phải nên giữ sao cho hành vi của chính mình ắt đều chánh trực, chẳng tà vạy. Đấy là Trực. Nếu bản thân chưa thể chánh trực, chỉ lo hủy báng người khác để tự khoe mình là bậc chánh trực thì lương tâm đã bị chôn vùi; há đáng gọi là “chánh trực” ư? Hơn nữa, người chánh trực cõi lòng ắt trung hậu, hễ đáng nên nói liền nói, khiến cho người khác biết sửa đổi. Cốt yếu là lòng thành có thừa mà lời lẽ chẳng đủ. Đó gọi là Trực vậy! Những kẻ hủy báng, bôi nhọ tiếng tăm của người khác hòng thỏa cơn tức giận của chính mình, mà vẫn tự xưng là “chánh trực”, há chẳng đáng thống thiết căm giận ư? Lão Tử nói: “Người thông minh, xét đoán sâu xa mà gần như lâm vào tử địa là vì thích chê bai, bàn tán kẻ khác”.
Trước tiên chúng ta xem đoạn này, đây là lỗi lầm lớn mà rất nhiều người đặc biệt là người hiện nay thường phạm phải. Hủy báng người khác, người khác có lỗi lầm thì nhất định muốn làm cho lỗi lầm đó của họ nặng thêm, muốn tăng thêm gấp nhiều lần. Người không có lỗi mà lại đem lỗi lầm gán ghép cho họ, đều tự xưng mình là chính trực. Chúng ta hãy xem cổ Đức đã dạy bảo chúng ta. Ngày trước người đọc sách rõ lý, ngày nay chúng ta là người học Phật, người học Phật thì đức hạnh học vấn còn cao hơn cả bậc sĩ quân tử. Sự việc này Ấn Quang Đại sư thường quở trách Hoàng đế Thuận Trị, vì ông phế bỏ chế độ thi cử nên tố chất của Phật môn đã xuống dốc trầm trọng. Nếu vẫn còn chế độ này của người xưa thì những người như chúng ta muốn xuất gia đều không đủ tư cách, bạn thi mà không đậu thì không thể nào được thông qua. Bạn xem trong các kinh điển người xuất gia được tán thán là “thiên nhân sư”, bạn không những là vị thầy mô phạm của người thế gian mà còn làm người thầy mô phạm cho thiên nhân của trời Dục Giới, trời Sắc Giới. Vì sao vậy? “Chánh trực vô tà” nên nhận được sự tôn kính của thiên địa quỷ thần, đại chúng trong xã hội. Tâm của bạn chân thành, ngôn từ của bạn chính trực. Nếu bản thân bạn, thân không chánh trực, tâm tà vạy thì bạn có tư cách gì để phê phán chỉ trích người khác chứ? Bạn hãy xem cư sĩ Hứa Triết 101 tuổi, chưa hề nổi giận, không chỉ trích người khác, nếu không thể chung sống với người khác thì quay đầu lại tự trách mình, do bản thân ta làm chưa tốt nên đã khiến người khác hiềm khích. Chúng ta đã nghe bà nói rồi, cả một đời không ghi nhớ lỗi lầm của người khác, cũng không nhớ ác ngôn ác hạnh của người khác, cả đời trong tâm chỉ ghi nhớ chỗ tốt chỗ thiện của người mà thôi. Bạn nghĩ xem cái tâm này thiện lương biết bao, hành vi thiện lương biết bao, cho nên bà mới sống 101 tuổi, hơn nữa tinh thần và thể lực giống như người 30-40 tuổi vậy. Thầy Ngộ Hoằng nhìn thấy liền tự trách mình không bằng bà, thầy chỉ mới 40 tuổi, tự trách mình không bằng thì vẫn chưa đủ, mà phải nỗ lực học tập, phải học tập ở bà, vẫn còn kịp.
Trong lúc giảng tôi thường nói, bạn 20 tuổi mới bắt đầu học thì bạn vĩnh viễn là 20 tuổi, bạn 30 tuổi bắt đầu học thì bạn vĩnh viễn là 30 tuổi, bạn 40 tuổi mới học thì bạn vĩnh viễn là 40 tuổi. Bạn phải chân thật chịu học, nếu tâm địa chính mình tà vạy, thân không chánh trực, hơn nữa hủy báng người khác, thể hiện ngoài mặt thì là người rất chánh trực, ở đây nói lương tâm của bạn đã mất hết rồi, bạn đã tạo tác tội nghiệp cực nặng, quả báo của bạn là ở A Tỳ địa ngục, trong kinh Phật thì gọi là địa ngục cắt lưỡi, địa ngục núi đao, địa ngục vạc dầu, đây đều là quả báo mà loại nghiệp tội này cảm ứng đến. Quả báo trong địa ngục không phải là do Diêm Vương tạo ra, mà nó chính là cảnh giới do ác tâm ác hạnh của bản thân chúng ta biến hiện ra, là tự làm tự chịu.
Ở chỗ này nói rất hay, “người chánh trực cõi lòng ắt trung hậu”, là hậu đạo, hiện nay người có tâm địa trung hậu rất ít. “Trung” nghĩa là gì? Trung là tâm chánh, không xiên lệch một chút nào, không tà vạy một chút nào, đây gọi là “Trung”. Thực tại mà nói “Trung” chính là “Thành”, “Thành” chính là “Trung”. Trong tâm của bạn có tà, có tà vạy thì bạn không trung, bạn cũng không thành, ngôn hạnh của bạn tự nhiên sẽ khắc nghiệt, không còn đôn hậu thận trọng nữa.
“Hễ đáng nên nói thì liền nói”, lời nói phải nên suy nghĩ. Trong Luận Ngữ nói: “Nghĩ ba lần trước khi nói”, muốn mở miệng nói trước tiên thì phải suy nghĩ xem những lời này có đáng nói hay không, có nên nói hay không? Trong Tứ Nhiếp pháp mà Phật dạy chúng ta có “ái ngữ”. “Ái ngữ” ý nghĩa là gì? Nhất định phải yêu thương đối phương, “ái ngữ” không phải là những ngôn từ nói cho dễ nghe, cũng không phải là những lời ton hót nịnh bợ, mà là những lời yêu thương chúng sanh, ngăn lỗi khuyến thiện, đó là ái ngữ chân thật, khiến người ta có thể sửa đổi hoàn thiện. [Thế nhưng] ngôn ngữ cũng có chỗ giới hạn, cho nên có khi là “lòng thành có thừa mà lời lẽ chẳng đủ để diễn tả”. Tâm của bạn chân thành muốn giúp đỡ người khác sửa lỗi đổi mới, tâm chân thành muốn thành tựu người khác, tâm của bạn có thừa, nhưng lời nói thì có giới hạn bày tỏ, có thể cảm hóa người, đây là Trực.
Hủy báng người, sỉ nhục người, mắng nhiếc người, ở chỗ này nói rất hay, “hòng thỏa cơn tức giận của chính mình”, mình mắng người khác rất sảng khoái, cho việc này là “chánh trực”, ở đây nói là “đáng thống thiết căm giận”. Câu phía sau của Lão Tử nói rất hay: “Người thông minh, xét đoán sâu xa mà gần như lâm vào tử địa là vì thích chê bai, bàn tán kẻ khác”. Thông minh xét đoán sâu xa trong nhà Phật gọi là “thế trí biện thông”. Xét đoán sâu xa nghĩa là gì? Là quan sát lỗi lầm của người khác, ưa thích việc nghe ngóng lỗi lầm người khác, ưa thích việc sưu tầm lỗi lầm của người khác, thích nghe lỗi lầm của người khác, loại người này là “lâm vào tử địa”, không được chết tốt lành. Tiên sinh Trình Y Xuyên nói: “Bậc quân tử đối xử với người khác, hãy nên từ chỗ lỗi lầm của họ mà tìm ra chỗ không lầm lỗi, chớ nên từ chỗ không lầm lỗi mà bươi móc lầm lỗi, còn khi xét lỗi của mình thì phải nên làm ngược lại”. Làm thế nào để đối với người? Đối với chính mình phải như thế nào? Khi đối đãi với người phải từ trong lỗi lầm của người mà quan sát tìm ra điều không có lỗi, cũng chính là quan sát chỗ tốt của họ, còn đối với chính mình thì phải làm ngược lại, trong những điều không có lỗi của mình tỉ mỉ mà kiểm điểm tìm cho bằng được lỗi lầm của chính mình. Câu kết phía sau rất hay, “Ôi! Người trong thế gian khẩu nghiệp vô cùng. Vì thế, đức Thái Thượng đôi ba lượt nghiêm ngặt răn nhắc”. Trong kinh Phật cũng như vậy, câu đầu tiên là “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Ngày ngày tạo tác tội nghiệp, đặc biệt là người xuất gia, người xuất gia tạo tội nghiệp thì nặng hơn người tại gia gấp 10 lần. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đã khoác lên bộ y phục này, hình tượng này là bạn đang đại biểu cho Phật Bồ Tát, bạn tạo tội nghiệp thì bạn đã sỉ nhục Phật Bồ Tát. Trong kinh Phật thường gọi là “hủy báng chánh pháp, phá hòa hợp tăng”, bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo, bạn khiến cho rất nhiều người trong xã hội đại chúng nhìn thấy hành vi của bạn thì không dám học Phật nữa, thế là họ cũng báng Phật báng Pháp báng Tăng. Vì sao họ phỉ báng vậy? Bởi vì họ nhìn thấy dáng vẻ của bạn cho nên mới hủy báng. Đây đều là lỗi lầm của bạn, đều là nghiệp tội của bạn, cho nên quả báo sẽ ở A Tỳ địa ngục, muốn ra khỏi thì thật sự là quá khó. Các vị có thể xem Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, hãy xem Địa Tạng Thập Luận Kinh, Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh, trong đó đều thuyết minh một cách tường tận. Cho nên tôi nhìn thấy những người này, thật sự là họ cả gan làm càn, thật sự là to gan, không sợ đọa địa ngục, không sợ cái khổ của địa ngục, dám tạo tội nghiệp, chúng ta phải nên cảnh giác.
Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 107)
Hòa thượng tịnh không giảng