Giác linh đường, nơi tôn thờ xá lợi và những trứ tác của Đại Sư Ấn Quang – Liên tông thập tam tổ.
“Năm Dân Quốc thứ 29, ngày 24 tháng 10, Đại sư dự biết kỳ vãng sinh, cho triệu tập chư Tăng và Cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi hội đàm, Ngài suy cử Diệu Chơn hòa thượng kế nhiệm trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: “Pháp môn niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ, chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn”.
Qua ngày mùng 04 tháng 11, Đại sư cảm bệnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: “Phật A-di-đà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây! Đại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây Phương!”. Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chấp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi an lành viên tịch. Lúc ấy, Đại sư tăng lạp được 60, thọ thế 80 tuổi.
Rằm tháng Hai năm sau, nhằm Thánh tiết Phật nhập Niết-bàn, cũng vừa đúng kỳ Đại sư vãng sinh được một trăm ngày, hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai mươi ngàn người, sắp đặt lễ Trà-tỳ. Lúc ấy, bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Chân Đạt hòa thượng cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc. Hôm sau, Diệu Chơn hòa thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm, thấy Xá-lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc. Tất cả đều cứng như khoáng chất, gõ vào phát ra tiếng trong thanh. Đại chúng lựa chia thành sáu phần:
1. Nha sỉ Xá-lợi, gồm ba mươi hai cái răng
2. Ngũ sắc Xá-lợi châu, nhiều hạt tròn sáng.
3. Ngũ sắc tiểu Xá-lợi hoa, hình như các đóa hoa nhỏ.
4. Ngũ sắc đại Xá-lợi hoa, hình như những đóa hoa lớn.
5. Ngũ sắc huyết Xá-lợi, do huyết nhục hóa thành.
6. Ngũ sắc Xá-lợi khối, gồm những khối có nhiều hình dáng, màu sắc.
Tất cả đều để vào lồng kiếng, trân tàng tại bản sơn.”
(HT.Thích Thiền Tâm)