Có đồng tu đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ đã cả mấy vạn lần, thân tâm vẫn chưa được thanh tịnh, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có người bị ma nhập. Nguyên nhân là gì? theo quan sát của tôi thì có mấy nguyên nhân như sau:
1. Thứ nhất, dùng tâm ganh đua để đọc kinh. Ví dụ như, nghe nói vị cư sĩ nào đó mỗi ngày có thể đọc năm bộ kinh, mình không thể đọc ít hơn, anh đọc năm bộ thì tôi đọc sáu bộ, bảy bộ. Vị cư sĩ nào đó đọc một bộ kinh hết 45 phút, tôi đọc trong vòng 30 phút là xong. Chính là anh có thể làm được thì tôi cũng có thể, còn phải giỏi hơn anh nữa.
2. Thứ hai, dùng tâm vọng niệm đọc kinh. Đọc kinh là đồng thời hoàn thành giới định huệ, nhưng bạn dùng vọng tâm niệm Phật, vọng tâm đọc kinh thì bạn sẽ không có được điều nào trong giới định huệ cả. Mà bạn có được điều gì? Phiền não.
3. Thứ ba, dùng tâm mong cầu mà đọc kinh. Cầu điều gì? Mỗi một người mong cầu không như nhau, nhưng có mong cầu thì đều giống nhau. Ví dụ như cầu đắc tam muội, cầu đắc thần thông, cầu khai ngộ, cầu Phật bảo hộ v.v. Lại không biết cầu đắc tam muội thì không đắc được tam muội, cầu khai ngộ thì không khai ngộ được, làm thế nào để đạt được? Tâm thanh tịnh hiện tiền, thì những điều này đều đạt được, bởi vì trong tự tánh của bạn vốn có những điều này, cầu bên ngoài sẽ cầu không được.
4. Thứ tư, là dùng tâm nhiệm vụ đọc kinh. Đó là xem việc đọc kinh thành nhiệm vụ, mỗi ngày đọc mấy bộ kinh, là nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành. Như vậy thì làm sao mà có pháp hỷ được! Có lúc đang đọc kinh, trong lòng lại nhớ ra có chuyện gì đó cần phải làm? Lòng như lửa đốt, mau chóng đọc cho xong chuyện. Vậy thì đâu phải đang đọc kinh, thuần túy là hình thức, qua loa cho xong chuyện. Cách đọc kinh như vậy thì làm sao giúp tâm thanh tịnh được.
5. Thứ năm, dùng tâm báo cáo để đọc kinh. Người như vậy cho rằng đọc kinh là đọc cho chư Phật Bồ Tát nghe, đối phó với nhiệm vụ, đã đọc mấy bộ kinh cho chư Phật Bồ Tát nghe, chứng minh bản thân là người tu hành, báo cáo xong là được.
Năm phương pháp đọc kinh tôi vừa nói đến có cùng một đặc điểm, đó là cầu mau chóng, chỉ quan tâm tốc độ chứ không để ý chất lượng.
Vậy đọc kinh như thế nào mới đúng như lý như pháp?
Lão Pháp sư có dạy chúng ta là cứ từng chữ mà đọc, tuyệt đối không được nghĩ đến câu chữ của kinh văn có ý nghĩa gì, câu này có ý nghĩa gì, đoạn kia có ý nghĩa như thế nào… thế thì xong rồi, đọc kinh càng không được tưởng tượng, tư duy. Cứ lão thật mà đọc, ” ĐỌC SÁCH NGÀN LẦN NGHĨA KIA TỰ HIỂU”, khi bạn đọc đến tâm thanh tịnh rồi thì chữ nghĩa trong kinh văn tự nhiên bạn sẽ thấu suốt rõ ràng, minh bạch ko còn chướng ngại nữa, mà trong Phật pháp gọi là “1 kinh thông tất cả kinh thông”. Điều này thật không thể nghĩ bàn.
Cô Lưu Tố Vân từ bi khai thị