Người có căn tu ở nơi thanh vắng, họ thích kinh hành, niệm Phật, hay tham thiền, đó chính là căn lành đã nối liền họ với Phật. Người có căn lành nhìn tượng Phật mà nghĩ đến Phật ở Tịch Quang chơn cảnh và chí thành lạy Phật; trong khi đối với người không có căn lành, bức tranh Phật, hay tượng Phật không gợi cho họ liên tưởng đến bậc thánh thiện trọn lành; họ không thể nghĩ được điều gì tốt đẹp cao xa hơn là những vật chất hữu hình trước mắt.Kinh Pháp hoa dạy rằng người có căn lành hay hạt giống Phật là đời trước đã từng gieo duyên với Phật, đã tu rồi, nên hiện đời giữa họ và Phật mới có được sự gắn bó vô hình một cách mật thiết. Người có căn lành, trong lòng họ tự muốn tu; thấy chùa, hay nhìn tượng Phật, hoặc ngắm cảnh hữu tình, tự nhiên có độ cảm sâu sắc. Những gì liên hệ đến việc tu đều tự động có sức thu hút người có căn tu. Riêng tôi, từ thuở ấu thơ, chỉ thấy hình Phật trên bao nhang mà trong lòng trỗi dậy sự thôi thúc mãnh liệt khiến tôi dễ dàng rời xa cha mẹ để đi tìm đạo. Từ Củ Chi đến Đức Hòa về Thủ Đức, dám đi bộ một mình thậm chí băng qua rừng mà không biết ngán sợ, trong khi mới 12 tuổi, cái tuổi mà bao đứa trẻ khác còn ham chơi và cần sự chiều chuộng của cha mẹ.
Từ căn lành mới có độ cảm sâu sắc về Phật, nghĩa là mối tương quan vô hình với Phật có sẵn thì mới hết lòng nghĩ đến Phật, Phật lực mới gia bị được. Không một lòng nghĩ đến Phật, làm thế nào Phật gia bị. Thật vậy, có người cầm quyển kinh là tự buồn ngủ lạ lùng. Đọc tiểu thuyết hay coi phim sáng đêm thì không biết buồn ngủ, hoặc cờ bạc thì không cần ăn ngủ, nhưng bắt đầu ngồi thiền là ngủ.
Thích tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền là có căn lành, nhưng căn lành còn nhỏ mà nghiệp nặng, nên bị nghiệp lôi kéo. Căn lành lớn, không có nghiệp, có thể tụng kinh, lạy Phật, tham thiền không biết chán; tất cả thú vui của cuộc đời không có sức thuyết phục họ. Họ không thích vì nghiệp ác bên trong không có. Người có nghiệp buồn khổ thì đọc tiểu thuyết hay nghe cải lương khóc than, họ cũng buồn, khóc theo; buồn, khóc mà lại thích vì đồng nghiệp, đồng cảm.
Đối với người xuất gia muốn tiến tu đạo nghiệp, nhân duyên, căn lành và phước đức là ba điều căn bản cần phải được xây dựng và phát triển liên tục trên bước đường tu.
Khi phát tâm tu, mỗi người có phước đức khác nhau, từ đó dẫn đến hoàn cảnh tu học, làm đạo đều khác nhau. Hoàn cảnh hiện tại tốt xấu, khó khăn hay dễ dàng đều do nghiệp quá khứ của từng người đã tạo. Cần ý thức điều này để khắc phục ác nghiệp và phát huy thiện nghiệp của mình mới tiến tu được. Nhìn kết quả của hiện đời phải chịu nhiều quả báo không lành, nên tự biết trong quá khứ ta đã tạo ba nghiệp thân, khẩu, ý chẳng tốt đẹp gì. Biết vậy, chúng ta nỗ lực sám hối, vượt khó, còn không biết mà cứ khởi tâm sân hận, buồn phiền, ganh tị thì còn đọa sâu thêm.
Riêng tôi, biết chấp nhận khởi điểm nghèo khó của mình, nhưng nhờ có nhân duyên và căn lành với Phật pháp, nên thăng hoa cuộc sống trong đạo pháp. Tôi tâm đắc lời Phật dạy trong kinh Pháp hoa về gã cùng tử tuy nghèo nhưng không sống hèn, không lệ thuộc người khác về cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Ý này trong kinh diễn tả là gã cùng tử làm việc cho ông trưởng giả, nhưng vẫn ở yên chỗ của mình.
Nếu nghèo mà thích làm sang thì càng làm nô lệ cho đời nhiều hơn, chẳng lợi ích gì. “An phận nghèo quy củ tu hành” là câu phương châm tu hành cho chính tôi. Biết sắp xếp cách tu hành trong hoàn cảnh nghèo, hạn chế tối đa việc tiêu dùng tốn kém, đến khi du học ở Nhật Bản, tôi vẫn giữ nếp sống này, không phải nhờ vả ai, mà còn tích lũy được tiền học bổng để giúp đỡ người gặp khó khăn.
Có giúp người thì họ mới thương quý ta, kết thành sợi dây nhân ái tốt đẹp trong cuộc sống này. Đức Phật dạy việc bố thí, cúng dường sẽ tạo cho ta phước báu lớn lao. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc nên làm việc này với ai, ở đâu và lúc nào, vì bố thí, cúng dường không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng người, chẳng những không sanh phước mà còn thêm tội.
Cúng dường phải đúng lúc giống như đem nước cho người đang khát, dù chỉ một chút xíu cũng quý. Chọn lúc chư Tăng kiết giới An cư, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức là lúc tốt nhất để chúng ta cúng dường, tạo được công đức. Vì nhờ những phương tiện tối thiểu mà chúng ta cúng dường, giúp người tu ổn định ngoại duyên, dành trọn tâm trí cho việc thâm nhập Phật pháp. Hoặc đối với những người học giỏi, thông minh, có sức khỏe, chúng ta cần giúp họ phương tiện để họ phát triển tài năng. Sau này, họ thành tài, nhớ đến ta là nhớ đến Phật pháp và cũng phát tâm giúp lại người khác, làm lợi ích cho đời. Bản thân tôi cũng nhờ Hòa thượng Thiện Hoa ra sức đầu tư cho tôi học, mới có trình độ tri thức nhất định để phục vụ đạo pháp đến ngày nay.
Đối với những người kém thông minh, lại bệnh hoạn thì chúng ta nên chữa bệnh cho họ, tốt hơn là cho học. Trên bước đường tu, tôi biết một vị tuy thông minh, nhưng thiếu một đốt xương sống, nên rất yếu. Mặc dù bác sĩ đã khuyên không nên học vì cơ thể bạc nhược, ông vẫn cứ ráng học nên càng bệnh hơn, nửa chừng rồi chết, mang nợ Phật pháp, không trả được. Nếu ông chỉ lo tĩnh tâm tu hành cũng chẳng đến nỗi mất mạng sớm.
Căn lành là hạt nhân rất quan trọng giúp chúng ta vượt qua mọi hiểm nguy, giữ được đạo nghiệp. Các bạn đồng tu với tôi vì thiếu nhân lành, mà dư ác nghiệp, nên khi gặp việc không vừa lòng là có ác ma tác động xấu, khiến họ hoàn tục liền.
Từ thuở nhỏ, trên đường tầm sư học đạo, tôi trải qua nhiều chùa. Mỗi lần đến ngã rẽ khó khăn, tôi lại gặp một Hòa thượng rất giỏi. Với tấm lòng từ bi và trí sáng, ngài dạy tôi nên đến Đức Hòa để tu học. Sau đó ngài lại khuyên tôi về chùa Phước Tường và cuối cùng bảo tôi về chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức. Nghe lời ngài, cứ mãn duyên chỗ này, đến chỗ khác, nhưng ở đâu cũng đều tu học được an lành, lợi lạc.
Đến khi sang Nhật, tôi lại gặp vị thiện tri thức là Hòa thượng Sato ở chùa Vĩnh Bình cách nơi tôi ở đến 600 cây số. Vừa đến cổng, tôi gặp vị Tri sự đứng đón sẵn, nói với tôi rằng Hòa thượng bảo ông chờ một vị sư Việt Nam đến thì mời vô phương trượng. Tôi biết ngay vị Hòa thượng này tuy mù nhưng đắc đạo vì tôi không báo trước, bất ngờ đến chùa, mà ngài đã cho người đón và cho tôi những lời khai ngộ hữu ích.
Theo ngài, muốn tiến tu đạt kết quả tốt, cần phải biết rõ nhân duyên của mình. Ngài dạy tôi nên về Việt Nam vì nơi đó là duyên hành đạo của tôi, sẽ dễ dàng tạo công đức. Trong khi nhiều người khác khuyên tôi ở lại Nhật. Trên bước đường hành đạo, gặp được những thiện tri thức sáng suốt dẫn đường chỉ lối, tôi càng vững niềm tin hơn. Nếu không, chúng ta dễ sanh tâm nghi ngờ, chẳng biết lận đận hoài rồi sẽ đi đến đâu. Niết-bàn, Cực lạc xa tít nơi nào chẳng thấy, mà trải dài trước mắt toàn là buồn phiền, bực tức, thì người không có căn lành, chắc chắn nghe theo ác ma bỏ tu thôi.
Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta lo gieo trồng nhân lành, chuẩn bị phước đức đầy đủ, khi nhân duyên đến, chúng ta dùng phước đức, nhân lành đã có mà hành đạo thì nhất định thành công. Còn chúng ta chờ thời, thời đến mà phước đức không có, cũng không làm được việc gì. Khi chưa gặp cơ hội, chúng ta cũng phải đợi, có khi năm, mười năm sau mới làm được, thậm chí có việc phải đợi đến kiếp sau.
Bồ-tát hành đạo đều có chuẩn bị nên hoàn toàn chủ động trong việc làm. Bồ-tát lớn chuẩn bị từ một kiếp cho đến vô lượng kiếp. Và Đức Phật thấy suốt quá trình trải thân hành đạo của Bồ-tát, thấy rõ các Ngài chuẩn bị làm vua, làm tướng, làm trưởng giả, làm Sa-môn… trải qua bao nhiêu kiếp mới đầy đủ tâm từ bi, đạt đến trí tuệ Vô thượng, Phật mới có thể thọ ký cho các Bồ-tát.
Thiết nghĩ trên bước đường tu, từng bước chúng ta đều phải chuẩn bị. Chuẩn bị làm việc gì, thấy được khả năng của ta, phước đức đến mức nào, ai hợp tác và ai chống đối ta. Cả hai mặt giúp đỡ và chống phá cần có đủ để tạo thành thế cân bằng giúp chúng ta thăng hoa. Chỉ có một mặt thuận lợi, e rằng sống mãi trong tháp ngà, núp bóng người lớn, không trưởng thành nổi, không phát huy được năng lực. Chuẩn bị kỹ thì thành công lớn, không chuẩn bị thì ác ma đầy dẫy trong đời ngũ trược này sẵn sàng đánh ngã ta ngay.
Mùa xuân của trần gian có đến có đi, có hoa nở đẹp rồi cũng phải héo tàn. Chỉ có mùa xuân của đạo hạnh được gieo trồng bằng căn lành là những hạt giống Phật pháp và được chăm sóc tưới tẩm bằng phước đức theo Phật dạy mới tạo thành mùa xuân vĩnh hằng cho chính mình và cho những người hữu duyên trong hiện đời và muôn kiếp sau.
Đón năm mới, chúng tôi kính chúc chư tôn đức Tăng Ni trong nước và ngoài nước phát triển được phước đức và trí sáng suốt thấy được nhân duyên hành đạo của mình để nuôi sống giới thân huệ mạng trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Kính chúc quý Phật tử tinh tấn gieo trồng căn lành ở Tam bảo, dứt bỏ việc xấu ác, thành tựu nhiều việc thiện để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc và làm lợi ích cho xã hội, đóng góp cho đạo pháp hưng thạnh.