Tiếp tục xem vị kế tiếp, “Vĩnh Minh đại sư ư Thiên Thai thiệu quốc sư phát minh tâm yếu”. Câu này muốn nói về nhân duyên khai ngộ của Đại sư Vĩnh Minh. Thầy của Ngài, ngày nay nói là thầy chỉ đạo, thầy truyền pháp, giúp cho Ngài, hướng dẫn Ngài đại triệt đại ngộ, phát minh tâm yếu, nghĩa là đại triệt đại ngộ. Ngài Vĩnh Minh vốn cũng tu theo Thiền tông, “Pháp Nhãn tông đích tôn”. Sau đời Lục Tổ học sinh của Ngài phân thành 5 phái, trong tông lớn này phân thành 5 tông nhỏ, Pháp Nhãn Tông, “hậu chuyên chí Tịnh tông”. Chúng ta biết rồi đó, ở đây đã hé lộ thân phận của ngài, Ngài là hóa thân của Phật A Di Đà. Bạn xem vào thời đó phái Thiền rất hưng thịnh, mọi người đua nhau học thiền, Ngài cũng học thiền. Sau khi ở Thiền tông đại triệt đại ngộ, Ngài phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, tu pháp môn Tịnh độ. Vì sao đại sư lại làm như vậy? Dụng ý rất sâu! Ngài biết được rất nhiều người trong Thiền tông không phải là thượng thượng căn, thiền là tiếp những người thượng thượng căn, họ không phải là căn cơ này. Nói cách khác, suốt cuộc đời tu theo Thiền tông không được khai ngộ, không được kiến tánh, cùng lắm là được thiền định mà thôi, như thế là tốt lắm rồi. Được thiền định, tương lai sẽ đi về đâu đây? Sau khi mệnh chung, đa số sanh về cõi trời Tứ Thiền, trời Tứ Không, không ra khỏi lục đạo luân hồi.
Chư Phật Bồ tát Từ bi, vì những người này mà thị hiện, bạn khuyên họ tu Tịnh độ, họ không tin, họ nói đó là pháp môn của bà già tu, họ xem thường, tham thiền thì họ lại chẳng phải là người có đủ điều kiện, họ không phải là bậc thượng thượng căn. Các vị nên biết rằng, tập khí cống cao ngã mạn còn, họ không buông bỏ được, cho nên chư Phật bồ tát thị hiện như vậy cho họ thấy. Bạn học thiền tôi cũng học thiền, bạn chưa khai ngộ, còn tôi đã ngộ rồi, tôi đã minh tâm kiến tánh, quay đầu lại chuyên tu Tịnh độ, dẫn họ về Tịnh độ, thị hiện phương tiện như thế, thiện xảo phương tiện, đưa những người tu thiền này về Tịnh độ, ở cõi Tịnh độ, chẳng có người nào không thành tựu, ai ai cũng thành tựu. Ở trong thiền chỉ thành tựu được một chút xíu, quay đầu lại tu theo Tịnh độ, thì chẳng có ai không được vãng sanh.
Quả nhiên ở trong pháp thiền, đạt thiền định, có được công phu, có thể xem nhẹ tâm phân biệt chấp trước, coi rất nhẹ, tâm phân biệt chấp trước không khởi tác dụng nữa, nhưng chưa đoạn, công phu thiền định của họ có thể hàng phục được, vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đều ở Phương tiện Hữu dư độ. Từ đó cho thấy, bất luận tu theo pháp môn nào, nhất định các vị phải biết, chỉ là phương pháp không giống nhau, đường đi không tương đồng, nhưng nguyên lý nguyên tắc của nó thì hoàn toàn giống nhau, tất cả là tu thiền định, tất cả là dạy bạn buông bỏ, buông bỏ thì tự tánh bổn định hiện tiền, Tam muội hiện tiền. Trong thâm sâu của Tam muội, cảnh giới đó chính là cảnh giới Phật. Thiên Thai đại sư nhập Pháp Hoa Tam Muội, thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn đang giảng kinh, giảng kinh gì vậy? Giảng kinh Pháp Hoa. Bậc cổ đức của Tịnh tông niệm Phật, niệm đến nhất tâm bất loạn, sự nhất tâm bất loạn, thậm chí còn chưa được sự nhất tâm bất loạn, các vị công phu thành phiến Thượng bối thượng tam phẩm, đều là niệm Phật Tam muội. Họ gặp Phật, gặp đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn đang giảng kinh, giảng kinh gì? Giảng kinh Vô Lượng Thọ. Cảnh giới này muốn nói rằng, tập khí chủng tử trong A Lại Da của bạn, tập khí chủng tử này tương ưng với cái nào, thì cảnh giới đó sẽ hiện tiền. Bản thân chúng ta học pháp môn nào, học bộ kinh nào, thì ở trong Tam muội, chắc chắn bạn gặp được cảnh giới bạn tương ưng hiện tiền. Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, nó tương ưng. Bạn không cầu, bạn có tập khí này, tập khí này nghĩa là minh cảm, Phật Bồ tát hiển ứng, minh cảm hiển ứng, bạn thấy được cảnh giới này.
Vĩnh Minh Đại sư là Tổ sư đời thứ 6 của Tịnh độ tông, Tổ đời thứ sáu của Tịnh tông. Dưới đây nói sự công phu tu tập của ngài: “Nhật tụng hồng danh thập vạn thanh, kiêm hành nhật khóa nhất bách linh bát sự”. Siêng năng quá, chúng ta không làm được, mỗi này 10 vạn danh hiệu Phật, còn phải tu 108 việc, những điều này trong truyện ký của Đại sư, quí vị có thể thấy.
“Mông Quán Âm đại sĩ cam lồ quán khẩu, diệu huệ dõng hiện”, đó là cảm ứng. Sau khi Quán Âm Bồ tát dùng cam lồ quán khẩu, thì khai trí huệ. “Trước Tông Cảnh Lục nhất bách quyển”, Tông Cảnh Lục bậc cổ đức gọi đó là Tiểu Tạng kinh, chính là sự cô đọng của Đại tạng kinh. Phân lượng của Đại tạng kinh quá lớn, muốn đọc qua một lần không dễ dàng, Tông Cảnh Lục chính là đại cương Đại tạng kinh, là tinh hoa của Đại tạng kinh. Nếu như không có thời gian, không có năng lực để đọc toàn tạng, thì đọc Tông Cảnh Lục là được rồi. “Cập Tâm Phú Chú, Vạn Thiện Đồng Quy Tập”, đều là những trước tác nổi tiếng của Đại sư, những cuốn sách này đều có trong Đại tạng kinh. “Úy vi pháp cự, quang chiếu vạn thế”, hai câu này dùng để tán thán ngài, không hề quá đáng chút nào. “Thất thập nhị tuế phần hương biệt chúng, tọa thoát tây quy”, Ngài trụ thế 72 năm, năm 72 tuổi ngài thì vãng sanh, ngồi mà hóa.
“Dĩ thượng tứ đức, hàm vi nhục thân đại sĩ, pháp môn Long tượng”. Ở đây sơ lược đưa ra 4 vị đại sĩ, Ngài Mã Minh và Long Thọ là cao tăng Ấn Độ, Ngài Trí Giả và Vĩnh Minh là cao tăng Trung Quốc, tất cả đều cầu sanh Tịnh độ, đều là niệm Phật vãng sanh, là nhục thân Bồ tát. Long tượng pháp môn là ví dụ, câu này trong đạo Phật thường dùng, Long tượng đều có định công. Chúng ta không thấy Long, chúng ta thấy Tượng, bạn xem Đại tượng, bạn tỉ mỉ quan sát nó xem, hành trụ tọa ngọa đều ở trong định, nó rất rất chậm, phải học nó. Cuộc đời tôi gặp được một người, là Chương Gia đại sư, thật sự bất luận cả việc nói chuyện, động tác rất chậm, nói cũng rất chậm, nói từng chữ từng chữ một, chứ không nói nhanh như chúng ta đâu. Đó là tu dưỡng, cũng là dạy học, dạy chúng ta điều gì? Ngày nay điệu bộ của chúng ta quá nhanh, nên chậm một chút, tốc độ nói chuyện quá nhanh, cần nên chậm lại vài giây, khiến người ta cảm nhận được sự vững vàng. Trong Luận Ngữ nói: “Quân tử bất trọng tắc bất uy”, uy ở đây là từ đức mà nói, uy đức, hàng phục tâm lông bông của chúng sanh, cho nên là dạy học. Bạn tiếp xúc với Ngài, thì tự nhiên bạn cũng chậm lại, duy nhất trong sự vững vàng, bạn mới có thể cảm nhận được Phật pháp, tâm lông bông thì không thể học được đâu, chẳng phải thầy không dạy, mà do bạn không tiếp nhận được. Càng tiếp cận môn học tâm tánh, thì tâm địa càng thanh tịnh, cho nên ngôn ngữ, văn tự trong kinh Phật, nếu bạn nương vào ý nghĩa của văn tự, thì chắc chắn bạn không thể hiểu được. Ý nghĩa của nó ở đâu? Ý ở ngoài văn tự, ngôn ngữ văn tự chỉ là dẫn đường, ý nghĩa của nó không ở đó, mà nó ở ngoài văn tự, cho nên nếu bạn có thể cảm nhận được cái gọi là ý ở ngoài lời, thì bạn mới có thể ngộ nhập. Đạo Phật thường nói là bậc thượng thượng căn, thế nào là bậc thượng thượng căn? Người phiền não nhẹ là thượng thượng căn, người tâm địa thanh tịnh bình đẳng là thượng thượng căn. Cho nên nhất định bạn không được xem thường các ông già, bà già, thường những người này lại là bậc thượng thượng căn, nếu có nhân duyên tiếp xúc, thì họ thật sự khế nhập được, bất luận là nhập sâu hay cạn, nhưng họ đã khế nhập được, cho nên họ được thọ dụng, một câu danh hiệu Phật họ khế nhập, họ quyết định được vãng sanh. Không nói đến phẩm vị cao thấp, nhưng họ được sanh Tịnh độ. Vì sao vậy? Vì họ giữ khăng khăng, không có nhị niệm. Thời gian niệm Phật không cần nhiều, 3 năm 5 năm thì được tự tại vãng sanh, được thật sự khế nhập. Những người trung hạ căn, tu tịnh độ, tu 20 năm, 30 năm, 40 năm, 50 năm, hỏi họ có nắm chắc được vãng sanh chăng? Không nắm chắc. Vì sao vậy? Vì không khế nhập. Ngày ngày niệm Phật, hữu khẩu vô tâm, không thể tương ứng, hàng ngày cũng ở trong niệm Phật đường, niệm ngàn tiếng vạn tiếng, nhưng không tương ưng, khi lâm chung vẫn còn sợ chết, hạng người này rất nhiều, chúng ta đã thấy đó. Người khác có nhìn thấy, cũng không cần phải để trong lòng, mà quay lại hỏi bản thân mình, mình làm được chưa? Ngày nay Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi, tôi có thật sự sanh tâm hoan hỷ không? Thật sự muốn đi theo Ngài không? Thật sự buông bỏ thân tâm thế giới trước mặt chăng? Danh lợi thân tình triệt để buông bỏ được chăng? Tất cả đều đến để khảo nghiệm chúng ta, rốt cuộc chúng ta có thật sự tu tập hay không? Thật tu thì thật được vãng sanh. Bộ kinh này hay, hội tập hay, chú giải hay, dẫn chứng 193 bộ kinh luận, làm chứng minh cho chú giải, lại dẫn chứng rất nhiều tây phương, đông độ, tây phương là nói về cổ Ấn độ, các vị cao tăng để làm chứng, hy hữu khó gặp, chúng ta gặp được, có đầy đủ nhân duyên. Vấn đề ở chỗ thiện căn phước đức, thiện căn là chân tín, có thể lý giải, phước đức là chân tu. Bí quyết của việc chân tu, không gì khác ngoài việc buông bỏ, không buông bỏ thì chẳng phải là chân tu, triệt để buông bỏ đó chính là chân tu. Tất cả ngoại duyên đều buông bỏ, khiến cho trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật ra thì không có gì hết, đó gọi là chân tu, hạng người này cũng chính là Long tượng pháp môn.
“Yếu giải vị duy như thị chi nhân, thỉ năng triệt để thừa đương Tịnh độ pháp môn. Cận thế học nhân yên đắc dĩ thế tục chi kiến, nhi bỉ thị Tịnh độ da”.
Mã Minh, Long Thọ là nhân vật như thế nào, Trí Giả, Vĩnh Minh khi các Ngài còn tại thế, Đế vương tôn sùng, lạy làm Quốc sư. Ngài Trí Giả là quốc sư, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ cũng là quốc sư, Đế vương xưng mình là đệ tử. Những người như họ, mới thật sự triệt để thừa đương pháp môn Tịnh độ, viên tu viên chứng. Học nhân đời cận đại, học nhân ở đây không gì khác, là chỉ cho những người học Phật. Cái nhìn của thế tục không buông bỏ, thấy người ta nói cũng nói, xem thường Tịnh độ, không hề biết rằng, trong Phật pháp Tịnh độ là pháp thượng thượng thừa. Các vị tổ sư đời Đường đem so sánh, so sánh giữa Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Chỗ trở về cuối cùng của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là Tịnh độ, trong kinh Hoa Nghiêm, Thập đại nguyện vương hướng dẫn về Cực lạc, điều này mọi người đều biết. Vì sao tôn trọng Hoa Nghiêm mà kỳ thị Tịnh độ? Sao có lý như vậy. Trong Hoa Nghiêm có triết học tối cao, trong đây không có sao? Có đó, không thua Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đâu.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 39)