Nguyên tắc chỉ đạo rành rẽ, minh bạch là trước hết, phải vun bồi giới luật vững vàng, đó là đức hạnh. Khổng Tử giáo học, điều thứ nhất là dạy đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba mới là chánh sự và văn học. Chẳng có đức hạnh thì làm sao được? Mà cốt lõi, cội nguồn của đức hạnh là “hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy”. Xã hội hiện tại khuyết thiếu điều này, bất hiếu với cha mẹ, chẳng có ý niệm tôn sư trọng đạo, làm sao có thể học thành công cho được? Học trò chẳng biết tôn sư trọng đạo, chẳng biết hiếu thuận với cha mẹ, Phật, Bồ Tát đến dạy kẻ ấy cũng vô dụng, chẳng dạy được! Kẻ ấy chẳng thể tiếp nhận. Căn bản ấy nhất định phải được vun bồi từ bé. Từ nhỏ, chúng ta đã sơ sót, chẳng vun bồi căn bản này; nay đã hiểu rõ, sau khi đã hiểu rõ bèn phát phẫn, nỗ lực, học tập bổ sung khóa trình trọng yếu này thì được! Chẳng phải là không được, hãy bổ sung thật nhiều, bổ sung bằng Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên và Thập Thiện Nghiệp.
Nhất định phải biết: Chẳng có những căn bản ấy, dẫu quý vị tiếp tục nỗ lực cho đến ba trăm năm, coi như quý vị sống trường thọ, có thể sống tới năm trăm năm, thì năm trăm năm cũng chẳng thể thành tựu! Vì sao? Thiếu căn bản! Thật đấy, chẳng giả đâu! Chúng ta thấy những người có thành tựu, có thành tựu khác thường, những người ấy là ai? Là người thật sự hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, chẳng có chút phân biệt nào, chẳng có chút hoài nghi nào! Một trăm phần trăm dễ bảo, người ấy thành tựu rất nhanh chóng. Người ấy trì giới tốt đẹp, do giới mà đắc Định, đắc tam-muội, nói thông thường là bao nhiêu năm? Ba năm! Sẽ chẳng nhiều hơn năm năm, người ấy đã đắc Định. Sau khi đắc Định hai, ba năm, trí huệ liền mở mang. Khi trí huệ đã mở mang, người ấy học tập tất cả hết thảy các pháp môn dễ dàng, đó là “một môn thông, hết thảy các môn đều thông”.
Nhưng trong quá trình học tập, chỉ có thể học một môn, không thể học hai môn. Thầy cũng dạy chúng tôi như vậy, nhưng như thế nào? Chúng tôi chẳng tuân phục ý thầy, nên thầy mới bất đắc dĩ nói một câu như thế này: “Học kỹ càng một môn rồi mới học môn thứ hai”. Thầy bất đắc dĩ nói như thế, chúng tôi ngỡ là thật. Học kỹ càng một môn xong bèn học môn thứ hai. Tôi tin tưởng thầy bảy phần, tôi học gì cũng đều là học một môn, môn ấy chẳng phải là học một lần, mà là học mười lần rồi tôi mới học môn thứ hai. Cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta “suốt đời học một môn”, chúng ta chẳng cam tâm, chẳng muốn vậy, luôn mong học nhiều một chút, sai bét rồi! Phải biết là cả đời học một môn thì từ môn ấy có thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Suốt một đời quý vị chẳng thay đổi, chắc chắn sẽ minh tâm kiến tánh, trong Giáo Hạ gọi đó là “đại khai viên giải”. Đại khai viên giải là kinh điển chưa từng học, nhưng quý vị vừa giở ra, chẳng có câu nào không hiểu rõ, thông suốt toàn bộ, đã khai huệ mà!
Chúng tôi dùng giáo huấn của cổ thánh tiên hiền để khuyên người khác, có người thật sự làm, thật sự thâm nhập một môn, suốt đời chẳng thay đổi, người ấy có thành tựu cao hơn tôi. Người ấy rất khiêm hư, đó là đạo lý nhất định. Cổ nhân Trung Quốc nói: “Khi học vấn sâu xa, ý khí bình lặng”. Đức hạnh và học vấn càng cao, càng khiêm hư, càng cung kính, chẳng có chút tập khí ngạo mạn nào, học vấn chân thật mà! Chúng ta trông thấy bèn hoan hỷ, có người duy trì chánh pháp, chánh pháp sẽ tồn tại dài lâu trong cõi đời. Chỉ cần sau này có người, đó là một đại sự khiến cho chúng ta vô cùng an ủi, vô cùng hoan hỷ. Ai có thể thành công? Ai nấy đều có thể thành công, vấn đề là quý vị có chịu làm hay không? Quả nhiên thật thà nghe lời, thật sự làm, chẳng có ai không thành tựu. Ai nấy đều có thể thành tựu, ai nấy đều là người kế thừa Thích Ca Mâu Ni Phật, nối tiếp huệ mạng của Phật, phổ độ chúng sanh, đều là [những người như vậy], chúng ta có chịu làm hay không? Vì thế, đầu tiên là quyết định chớ nên coi thường giới luật, nó là căn bản của mọi căn bản.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 129)
*** Kính mời chư vị đồng học thính pháp trọn vẹn tập này tại: http://bit.ly/tinhdodaikinh-tap129