Hiện nay có rất nhiều người thông linh nói với tôi, không phải một người, rất nhiều người, họ nói gì? Cõi người chúng ta hiện nay không phải cõi người thật, đó là gì? Đó là đường ngạ quỷ, đường địa ngục. Khi chúng ta nghe nói như thế, có tin chăng? Suy nghĩ lời của họ cũng có đạo lý, người không ra người.
Người xưa nói điều kiện làm người, tức là nhân đạo, đạo của con người là gì? Đạo con người là đạo ngũ luân, chúng ta có làm được chăng? Cổ nhân nói rất hay, thế gian này không có người ngoài luân, không có người ngoài ngũ luân. Điều đầu tiên trong ngũ luân là “phụ tử hữu thân”, chúng ta có nhận ra chăng? Xã hội này phụ tử hữu thân chăng? Trong gia đình thanh hàn nghèo khó có thể còn nhìn thấy, giàu có lại có tiền tài tình thân phụ tử không còn nữa.
Phu phụ hữu biệt, có nhìn thấy chăng? Phu phụ hữu biệt là vợ chồng tổ hợp thành một gia đình, nhiệm vụ hai người khác nhau. Trong xã hội luân lý, hai việc quan trọng nhất trong gia đình, thứ nhất là kinh tế cuộc sống, thứ hai là truyền từ đời này sang đời khác. Có câu: “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất”. Do đó hai việc lớn này là hai vợ chồng chia nhau làm, đàn ông ra ngoài mưu sinh tiện lợi hơn, vì vậy đàn ông gánh vác kinh tế sinh hoạt trong gia đình. Phụ nữ ở nhà chăm sóc quản lý con cái, đào tạo đời kế tiếp. Người mẹ là vị thầy đầu tiên của con cái, trẻ con thành tựu hay không then chốt ở người mẹ. Cho nên theo lễ xưa, phụ nữ mang thai có lễ, không thể không hiểu. Tuy thai nhi chưa sanh ra, nhưng chúng bắt đầu chịu sự ảnh hưởng, ảnh hưởng từ ý niệm và hành vi của người mẹ. Ý niệm người mẹ là thiện chúng được ảnh hưởng cái thiện, ý niệm người mẹ bất thiện chúng liền ảnh hưởng cái ác. Bởi vậy trong lúc mang thai, tâm tình người mẹ phải thật tốt. Khởi tâm động niệm phải thanh tịnh, phải lương thiện, cử chỉ phải nhu hòa, khiến trẻ con ảnh hưởng điều thiện. Sau khi sanh ra, chúng vừa mở mắt là biết nhìn biết nghe. Người mẹ chăm sóc chúng, chúng đều đang bắt chước, đang học tập. Đến ba tuổi 1000 ngày, thời xưa gọi là giáo dục cắm rễ, giáo dục này do người mẹ phụ trách. Bởi vậy nền tảng của đứa bé này giống như gốc cây nhỏ vậy, gốc là do mẹ vun bồi, đến cành lá là do thầy đào tạo. Gốc là người mẹ dạy, nếu nền tảng không vững, dù người thầy có giỏi cũng hết cách. Người xưa nói: “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất”. Hậu không phải quý vị có con cái là có hậu, không phải vậy, mà con cái có thánh nhân chăng? Có hiền nhân chăng? Tiếp đến là có quân tử chăng? Con cái trong gia đình là thánh hiền quân tử, người mẹ là thánh nhân. Trách nhiệm và sứ mạng của người mẹ, quan trọng hơn người cha rất nhiều! Cho nên có người nói thời xưa nam nữ không bình đẳng. Có thể có không bình đẳng, nhưng không phải như quan niệm hiện nay. Phụ nữ ngày xưa rất được tôn trọng, địa vị của họ cao hơn người nam, như vậy không bình đẳng ở đâu? Địa vị cao hơn người nam nữa.
Quý vị xem đế vương ngày xưa, không ai không tôn trọng thê tử, vì sao vậy? Vì thê tử là nền tảng của con cái họ, con cái phải truyền từ đời này qua đời khác, như vậy họ không tôn trọng được chăng? Họ không tôn trọng nghĩa là không tôn trọng tổ tiên, tổ tiên họ đời đời tương truyền dựa vào điều gì? Dựa vào phụ nữ, dựa vào người mẹ, không thể không tôn trọng. Phụ thân không tôn trọng con cái được chăng? Con cái là người kế thừa từ đời này qua đời khác trong gia đình họ, nếu không tôn trọng họ tức là không tôn trọng tổ tiên, không dám không tôn trọng. Họ biết sự truyền thừa của gia đạo này, ngàn vạn năm nay chưa từng gián đoạn, dựa vào ai? Sức mạnh của ai đang duy trì? Là phụ nữ. Địa vị người phụ nữ trong lịch sử, trong sự truyền thừa gia thất, quý vị nói trách nhiệm họ phải gánh vác lớn biết bao! Nếu chúng ta đọc cổ lễ sẽ hiểu, đây là phu phụ hữu biệt, bây giờ không còn nữa. Hiện nay ai dạy những đứa trẻ? Đại khái đều là ti vi dạy. Lớn lên khoảng sáu bảy tuổi, mạng internet dạy, dạy chúng những gì? Dạy chúng sát đạo dâm vọng, dạy chúng về bạo lực sắc tình. Hiện nay rất nhiều người nói con cái rất khó dạy, vì sao khó dạy? Vì ta không dạy chúng, ta không đặt nền tảng đạo đức cho chúng, không phải trẻ con không tốt.
Trong Tam Tự Kinh nói rất hay: “Tánh tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”, không phải đã nói rất rõ ràng ư! Thử đối chiếu xem có đúng chăng? Bọn trẻ trong gia đình quý vị phải chăng cũng như thế? Ta không dạy, khiến chúng trở thành thói quen, trở thành thói quen gì? Thành bạo lực sắc tình, sát đạo dâm vọng, thành thói quen này. Chúng ta thử nghĩ xem, như vậy xứng đáng với tổ tông chăng? Xứng đáng với quốc gia dân tộc chăng? Xứng đáng với rất nhiều chúng sanh trên thế gian chăng? Sau đó ta mới biết sự vĩ đại của người làm mẹ, người làm mẹ xứng đáng để đại chúng xã hội tôn kính. Gia đình hưng thịnh, hay sự tồn vong của quốc gia dân tộc, hiện nay nói đến toàn thể xã hội trên thế giới, đều có mối quan hệ mật thiết với gia đình, gia đình là một tế bào của xã hội.
Quân thần hữu nghĩa, đây là người, làm người, người phải giống con người. Trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín là ngũ luân. Ngũ thường là nhân lễ nghĩa trí tín, tứ duy là lễ nghĩa liêm sỉ, bát đức. Làm được bốn điều này, mới ra dáng con người, đây gọi là người.
Họ không biết về ác đạo, họ không biết gì gọi là luân lý, không biết như thế nào gọi là tứ duy bát đức. Trong Phật pháp Đức Phật dạy cho chúng ta về thập thiện nghiệp đạo, đây là căn bản của Phật pháp. Đức Phật lại phân thập thiện thành ba phẩm thượng trung hạ, thượng phẩm thập thiện sanh lên cõi trời, trung phẩm thập thiện sanh vào cõi người, hạ phẩm thập thiện sanh vào đường a tu la_La sát, tu la phước báo cũng rất lớn. Vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, thế giới Cực Lạc không có ba đường ác, không có tu la và la sát, chỉ có nhân thiên. Tiêu chuẩn thấp nhất của nhân thiên, cũng phải dùng ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức, cõi người này là thiện.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 215.