Trích Đoạn Khai Thị – Trích đoạn từ các bài giảng của Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Download TĐ:236 – Chướng Ngại Tu Hành lớn nhất là Cống Cao Ngã Mạn MP3 bấm vào
Chướng Ngại Tu Hành lớn nhất là Cống Cao Ngã Mạn – TĐ:236
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
[Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK – tập, 129
Thời gian từ: 00h15m08s11 – 00h19m19s13
Vì thế, thật sự trì giới, nhất định phải thực hiện từ Đệ Tử Quy, trước hết là tu lễ kính. Quý vị thấy mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát, trong phần sau, kinh sẽ dạy chúng ta, tức là trong đoạn “trụ Phổ Hiền hạnh”, điều thứ nhất Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta là tu lễ kính, “lễ kính chư Phật”. Ai nấy đều là Phật, hết thảy vạn vật không gì chẳng là Phật thì mới có thể tu viên mãn sự lễ kính ấy. Phải học theo Thiện Tài đồng tử! Trong sự cảm nhận của Thiện Tài đồng tử, “tất cả hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, chỉ có mình ta là phàm phu”, nên Ngài tu thành công. Nay chúng ta tu chẳng thành công là vì lẽ nào? Ý niệm sai lầm! Ta tôn kính Phật; trừ Phật ra, tất cả đều là phàm phu, chẳng khác ta cho mấy, còn có rất nhiều kẻ chẳng bằng ta! Do tâm thái đó, tu hành suốt đời vẫn chẳng thành công, thua xa Thiện Tài đồng tử. Thiện Tài đồng tử dùng chân tâm, chẳng phân biệt, không chấp trước; nay chúng ta tu Giới, Định, Huệ, dùng vọng tâm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên tu kiểu nào cũng đều tu chẳng thành công, đạo lý ở chỗ này. Vì sao? Chẳng cung kính kẻ khác, tức là thiếu lễ kính đối với chính mình! Vì sao? Tự và tha không hai. Coi người khác đều như Phật, Bồ Tát, tức là cung kính chính mình, trong đời này, bản thân chúng ta mới có thể đạt được thành tựu. Tiểu thành tựu là A La Hán, thành tựu bậc trung là Bồ Tát, thành tựu tối thượng thừa, quý vị bèn thành Phật. Ấn Quang đại sư nói rất hay: “Một phần thành kính đạt được một phần thành tựu, mười phần thành kính được mười phần thành tựu”. Tâm chúng ta chỉ có một phần thành kính, chỉ có thể chứng tiểu quả. Tiểu quả khá lắm, rất khó có. Tiểu quả là gì? Tu Đà Hoàn, tức Sơ Quả, hoặc địa vị Sơ Tín trong các địa vị thuộc hàng Thập Tín Bồ Tát. Nếu kiêu căng, ngạo mạn, xem thường người khác, ngay cả địa vị này cũng chẳng đạt được!