“Tâm bồ đề tức là tâm cầu chân đạo”, bây giờ chúng ta gọi là Phật đạo, tâm cầu chánh giác. “Tâm bồ đề tức là tâm tự giác giác tha.
Nói tường tận, như Vãng Sanh Yếu Tập nói về hai loại tâm bồ đề”. Hai loại này, thứ nhất là “duyên sự bồ đề tâm”, thứ hai là “duyên lý bồ đề tâm”. Trong nhà Phật thường dùng ngôn ngữ rất đơn giản rõ ràng để giải thích, nhưng đều có y cứ. Đa phần đều y cứ ba loại tâm bồ đề trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
Trong Quán Kinh nói: Tâm chí thành là thể của tâm bồ đề, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm, đây là dụng của tâm bồ đề, từ thể khởi dụng. Dụng nói hai loại, một là tự thọ dụng, hai là tha thọ dụng. Tâm bồ đề là làm sao đối với chính mình, tâm bồ đề là làm sao đối với người khác, như vậy là có tự thọ dụng và tha thọ dụng. Thể của tâm bồ đề là chí thành, chân thành đến tột cùng. Khi tôi giảng kinh thường dùng tâm chân thành. Tự thọ dụng, thâm tâm không dễ hiểu, trong chú thích ngày xưa chú giải rất hay, nhưng ý nghĩa vẫn không rõ lắm, người bây giờ không hiểu. Thâm tâm là tâm hiếu đức, cổ nhân chú giải như thế. Cho nên tôi chia thâm tâm thành ba loại, ba loại này từ trên đề Kinh Vô Lượng Thọ, là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng và tâm chánh giác. Thêm một chữ trước chữ giác, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác là tự thọ dụng. Tha thọ dụng là tâm từ bi, đại từ đại bi đối với người khác. Đại từ đại bi không phải đối với chính mình, đối với chính mình là thanh tịnh bình đẳng giác. Điều này khoảng 30 năm lại đây, tôi đều giải thích như thế, như vậy rất dễ hiểu. Thanh tịnh bình đẳng giác từ bi, đều từ chân thành hiển lộ ra. Chân thành là thể, nó hiện tướng, khởi tác dụng chính là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Mỗi niệm đều tương ưng với tâm bồ đề, tôi nói tâm bồ đề thành mười chữ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Niệm niệm tương ưng, hành hành tương ưng, ngôn ngữ tạo tác đều theo tiêu chuẩn này, không trái với tâm bồ đề. Chúng ta sẽ đi vào chánh đạo, chánh đạo là con đường thành Phật. Nếu niệm Phật tâm không thanh tịnh, không bình đẳng, Phật hiệu này không thể vãng sanh, cổ nhân nói: “hét khô cổ họng chỉ uổng công”. Một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng không thể vãng sanh, phải biết điều này. Hai câu này của cổ nhân có dụng ý rất thâm sâu, là sự cảnh tỉnh: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét khô cổ họng chỉ uổng công”.
Niệm Phật cũng giống như thiền gia vậy, khảo nghiệm quý vị, ngươi biết chăng? Câu Nam Mô A Di Đà Phật sáu chữ này rất đơn giản, quý vị biết chăng? Người không biết niệm rất nhiều, người không biết niệm là miệng niệm mà vô tâm. Vô tâm nghĩa là không có tâm bồ đề, chỉ bô bô trên miệng. Không có tâm bồ đề bao gồm, không thật tâm muốn đến thế giới Cực Lạc, không thật sự muốn thành Phật.
Nếu không tin, quý vị nói ở trong niệm Phật đường này của tôi, bảy ngày tinh tấn Phật thất, bảy ngày bảo đảm quý vị vãng sanh, quý vị xem có người nào dám đến niệm chăng? Như vậy thật đáng sợ! Bảy ngày là chết, như vậy ai dám đến? Niệm Phật đường của quý vị tìm không thấy người nào, không ai đến, cho nên không phải đều là giả ư? Niệm Phật đường này của tôi, bảy ngày bảo đảm quý vị sanh về thế giới Cực Lạc, được, quá tốt! Không ai dám đến. Điều này chứng minh, người niệm Phật giả rất nhiều, người thật lại ít.
Nếu nói niệm Phật đường này của tôi, niệm Phật bảy ngày chắc chắn được thăng quan phát tài, không biết có bao nhiêu người đến! Đều đến. Còn nói ở đây niệm Phật bảy ngày sẽ vãng sanh, không có ai đến cả, đây là giả. Trong Tịnh Ngữ cư sĩ Hạ Liên Cư không ngừng dạy người khác, niệm Phật là phải chân thành không được giả.
Trong Vãng Sanh Yếu Tập nói về hai loại tâm bồ đề, thứ nhất là: “duyên sự bồ đề tâm”, đây tức là hạnh nguyện tâm bồ đề của mật thừa, lấy tứ hoằng thệ nguyện làm thể. Về sự mà nói, ý nghĩa quan trọng nhất của bồ đề là giác, nghĩa là giác mà không mê, đó chính là bồ đề. Mê mà không giác, bồ đề không còn nữa. Nhưng giác mà không mê khó, quy y Phật trong tam quy y, không phát tâm bồ đề, quy y Phật là giả, quy y Phật chính là phát tâm bồ đề.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 216 __(((卍)))__
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.